Thứ Bẩy, 27/04/2024 10:12:39 GMT+7

Tin đăng lúc 05-09-2020

Lượt xem: 1092

Hỗ trợ doanh nghiệp CNHT nâng cao năng lực, đổi mới, ứng dụng công nghệ

Đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất là một trong những việc làm quan trọng của các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT), đặc biệt là lĩnh vực cơ khí – tự động hóa. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, năng lực công nghệ của các DN cơ khí – tự động hóa trong nước được nâng lên đáng kể, làm chủ được công nghệ thiết kế, sản xuất được các thiết bị phụ trợ cho các hãng cơ khí, điện tử hàng đầu thế giới… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho DN và xã hội.
Hỗ trợ doanh nghiệp CNHT nâng cao năng lực, đổi mới, ứng dụng công nghệ
Làm chủ công nghệ giúp DN dễ dàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Với việc phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lĩnh vực cơ khí - tự động hóa có vai trò hết sức to lớn trong việc phát triển đất nước. Trong 10 năm qua, ngành công nghiệp nói chung và cơ khí - tự động hóa nói riêng được coi là xương sống của nền kinh tế. Hiện Việt Nam có hơn 25.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, trong đó có khoảng 1/3 doanh nghiệp nội địa, xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD mỗi năm.

 

Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các DN trong lĩnh vực này như: Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đối với hoạt động nghiên cứu, làm chủ, phát triển và tạo ra công nghệ; tối đa 50% kinh phí đối với hoạt động hoàn thiện công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia; tối đa 100% kinh phí đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực đối với đơn vị trực tiếp tham gia dự án; hỗ trợ hoạt động thương mại hóa sản phẩm và phát triển thị trường, hoạt động xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ về tín dụng, ưu đãi một số loại thuế; hỗ trợ tối đa 30% kinh phí mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, thiết bị đo kiểm, phân tích; các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tín dụng …

 

Theo đánh giá của nhiều DN, các chính sách nói trên đã tạo không ít cơ hội để họ có thể tận dụng mọi nguồn lực của mình và phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, chất lượng và giá thành sản phẩm, nhằm nâng cao năng lực đổi mới, làm chủ công nghệ. Nhờ vậy, doanh thu của DN tăng lên đáng kể, đồng thời giúp sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh được với các phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, hướng đến cung cấp sản phẩm cho những DN Hàn Quốc, Nhật Bản.

 

 

Chính Phủ sẽ có nhiều hỗ trợ giúp các DN CNHT có bước tiến nhanh chóng

 

Điển hình có thể kể đến các dự án đã nghiên cứu thành công thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao như: Dự án “Hoàn thiện thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế” do Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt chủ trì thực hiện. Doanh nghiệp đã sản xuất được các dây chuyền sản xuất linh hoạt nhà thép nhẹ tiền chế cho nhà dân dụng và nhà công nghiệp; chuyển giao được một số dây chuyền cho các đối tác trong và ngoài nước như Úc, Bờ Biển Ngà, Đài Loan (Trung Quốc), giúp doanh thu của doanh nghiệp tăng hơn 20%.

 

Dự án “Nghiên cứu đổi mới công nghệ thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất cáp điện” do Công ty TNHH Công nghiệp Quang Nam chủ trì thực hiện đã chế tạo thành công hệ thống thiết bị sản xuất dây cáp điện, chất lượng tương đương của Hàn Quốc, châu Âu, giá thành bằng 50% nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện của Việt Nam có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Hay, dự án “Nghiên cứu đổi mới công nghệ chế tạo một số sản phẩm điển hình từ hợp kim nhôm và hợp kim kẽm nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, tham gia thị trường quốc tế” đã giúp Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô xe máy Hưng Yên đổi mới và hoàn thiện chuỗi công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình từ hợp kim kẽm, hợp kim nhôm, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hướng tới thị trường quốc tế.

 

Theo chia sẻ từ đại diện của Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô xe máy Hưng Yên, trước đây, các doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực này, đa số vẫn chưa sản xuất được những sản phẩm hoàn chỉnh để cung ứng ra thị trường. Mỗi năm, doanh nghiệp phải nhập một số lượng không nhỏ các sản phẩm từ Đài Loan, Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp thường mất hàng tháng để hoàn thiện đơn hàng cho khách. Tuy nhiên, sau khi Công ty sản xuất thành công một số sản phẩm cuối ra thị trường từ hợp kim nhôm và kẽm, thời gian giao hàng có thể diễn ra trong ngày vì doanh nghiệp chủ động được nguồn cung. Sản phẩm của Công ty làm ra được khách hàng hài lòng và đánh giá cao về chất lượng, thời gian giao hàng nhanh hơn, chi phí vận chuyển rẻ hơn. Kể từ khi thực hiện thành công dự án đổi mới và hoàn thiện chuỗi công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình từ hợp kim kẽm, hợp kim nhôm, Công ty đã có thêm nhiều đơn hàng từ các DN lớn và đã có những bước tiến nhảy vọt, nhất là về doanh thu, dự kiến tăng từ 35 - 40%, một con số tương đối ấn tượng cho mọi doanh nghiệp.

 

Được biết, trong giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa để có nhiều doanh nghiệp đạt được bước tiến nhanh chóng, cũng như đem lại những đóng góp lớn lao cho kinh tế - xã hội nước nhà giai đoạn mới, đặc biệt là thông qua đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao.

 

Có thể thấy, với việc hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp CNHT lĩnh vực cơ khí – tự động hóa nói riêng nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng hiệu quả những công nghệ cao, tiên tiến trên thế giới đã không chỉ giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa trong quá trình hội nhập mà còn góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

 

Minh Vũ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang