Thứ Sáu, 26/04/2024 21:25:25 GMT+7

Tin đăng lúc 29-12-2019

Lượt xem: 1641

Hoá học xanh: Doanh nghiệp là “mắt xích” quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe con người

Báo Công Thương và Cục Hoá Chất (Bộ Công Thương) triển khai dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại”.
Hoá học xanh: Doanh nghiệp là “mắt xích” quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe con người
GEF/UNDP và Cục Hoá chất phối hợp thực hiện Dự án Hoá học xanh tại Việt Nam

Vai trò quan trọng của Hóa học xanh

 

Hóa học xanh (HHX) là khái niệm về sản xuất và ứng dụng các nguyên tắc, biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa hoặc loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng và phát thải các hóa chất độc hại vào môi trường. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy việc áp dụng nguyên tắc của HHX không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn, mà còn tiết kiệm rất nhiều chi phí xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến sức khoẻ con người và ô nhiễm môi trường.

 

Sau hai thập kỷ được ứng dụng, HHX đã mang lại những tác động tích cực cho xã hội và môi trường khi các lĩnh vực nghiên cứu mới như dung môi xanh, vật liệu biến tính có nguồn gốc sinh học, khoa học năng lượng thay thế, phân tử tự lắp ráp, thiết kế chất xúc tác thế hệ mới và thiết kế phân tử hướng đến giảm thiểu các rủi ro... đã được phát triển trên diện rộng.

 

Tính cấp thiết của việc triển khai HHX ở Việt Nam

 

Ngành hóa chất cơ bản và các ngành sản xuất có sử dụng hóa chất đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng một số hóa chất nguy hại trong quá trình sản xuất sản phẩm đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái. Theo cuộc điều tra diễn ra từ năm 1999 – 2000, nồng độ hóa chất trong đất, nước và sữa mẹ đo được ở Việt Nam cao hơn hầu hết các quốc gia khác. Quá trình thải bỏ hóa chất và các sự cố hoá chất diễn ra trong quá trình sản xuất (chủ yếu do công nghệ lạc hậu) đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, tạo áp lực và gánh nặng lên Chính phủ khi phải nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

 

Dù vậy, các hóa chất nguy hại bao gồm cả hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) có khả năng phát tán trong môi trường và tích lũy sinh học trong cơ thể con người, hiện vẫn đang được sử dụng trong nước. Bên cạnh đó, một số chất có khả năng tạo thành các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (các chất POPs phát sinh không chủ định, còn gọi là U-POP) trong nhưng điều kiện nhất định vẫn đang được sử dụng rộng rãi. Nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt thông tin liên quan đến việc sử dụng POPs và các chất có khả năng phân hủy thành POPs trong các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là ở những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Ngoài ra, động lực để doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghệ và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường cũng chưa được chú trọng do năng lực về tài chính và con người còn hạn chế. Tính thống nhất và khả năng thực thi các quy định liên quan đến POPs ở cả cấp trung ương và địa phương đến nay vẫn còn yếu.

 

Với mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu và áp dụng HHX, khuyến khích doanh nghiệp hạn chế sản xuất và sử dụng các hóa chất nguy hại, hướng đến phát triển các phương pháp cũng như quá trình sản xuất thân thiện với môi trường và sức khỏe con người, Cục Hoá chất - Bộ Công Thương đã triển khai dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại” (sau đây gọi tắt là Dự án HHX). Dự án HHX do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và đồng tài trợ là các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp khác.

 

Triển khai HHX trên 06 lĩnh vực chủ chốt

 

Để mang HHX đến với các doanh nghiệp, dự án đã phân tích và lựa chọn 06 ngành công nghiệp thí điểm quan trọng tại Việt Nam bao gồm mạ điện, sản xuất nhựa, dệt may, công nghiệp giấy và bột giấy, sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dung môi và sơn. Hiện nay, những ngành này đều có khả năng sử dụng một số loại hóa chất POPs, hoặc có khả năng phát sinh các chất U-POPs và sử dụng những hoá chất độc hại đã bị cấm ở một số nước như PFOS (perfluorootane sulfonate), PFAS (polyfluoroalkyl), SCCP (short chain chlorinated paraffin)...

 

Dựa trên 3 tiêu chí về mức độ sẵn sàng tham gia dự án, khả năng áp dụng HHX, khả năng lan tỏa thông điệp và lượng chất POPs sử dụng được giảm thiểu, Ban Quản lý Dự án HHX và UNDP đã lựa chọn 2 nhà máy trong hai lĩnh vực mạ và sơn để trình diễn thí điểm cách tiếp cận HHX căn cứ trên đề xuất của các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước. Hai cơ sở này sẽ minh chứng cho những lợi ích của việc áp dụng HHX như nâng cao hiệu suất, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất và giảm nhẹ nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp với môi trường cũng như sức khỏe của cộng đồng.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang