Chủ Nhật, 28/04/2024 00:48:00 GMT+7

Tin đăng lúc 11-11-2023

Lượt xem: 990

Hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản phẩm Sâm Bố Chính

Đã từ lâu, những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời đối với sức khỏe con người của Sâm Bố Chính đã được cả Đông - Tây y ghi nhận. Từ một loại dược liệu đặc biệt tại Quảng Bình, Doanh nhân Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH Cổ phần V-GINSENG (xã Vô Tranh, huyện Phú Lương) đã đem giống cây này về trồng tại Thái Nguyên. Sau nhiều năm cố gắng, đến nay, sản phẩm Sâm Bố Chính của V-GINSENG đã khẳng định được tên tuổi, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản phẩm Sâm Bố Chính
Doanh nhân Nguyễn Thị Hằng bên các sản phẩm từ Sâm Bố Chính tại gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên

Doanh nhân Nguyễn Thị Hằng sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thái Bình. Đầu năm 2002, chị quyết định rời quê hương để lên mảnh đất miền núi thuộc huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) lập nghiệp. Chia sẻ về việc “bén duyên” với cây Sâm Bố Chính, chị Hằng cho biết: “Tôi có đam mê đặc biệt với những nguồn dược liệu hữu cơ, có giá trị dinh dưỡng cao cho sức khỏe người sử dụng. Bản thân có bệnh lý nền nhưng sau khi sử dụng sâm thấy mình khỏe ra và chi phí mua Sâm Bố Chính vừa với túi tiền, nên tôi đã quyết định tìm tòi, dày công nghiên cứu và quyết tâm phải đem bằng được giống Sâm Bố Chính về trồng trên vùng đồi Thái Nguyên”.

 

Năm 2015, khi tỉnh Thái Nguyên đang đặt trọng tâm vào canh tác cây chè, đinh lăng, ba kích…, Doanh nhân Nguyễn Thị Hằng đã mạnh dạn đưa giống sâm quý này từ Quảng Bình về trồng. Khi mới bắt đầu trồng thử nghiệm, chị Hằng chỉ trồng trên vài sào đất. Về sau, nhận thấy cây Sâm Bố Chính hợp với chất đất, phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, bước sang năm 2018, nữ Doanh nhân Nguyễn Thị Hằng đã quyết định mở rộng diện tích trồng lên trên 10ha.

 

Đến nay, các sản phẩm từ Sâm Bố Chính đã được tiêu thụ trên thị trường. Đặc biệt, với hơn 10ha diện tích trồng sâm của Công ty TNHH Cổ phần V-GINSENG đã cho sản lượng thu hoạch đạt hơn 02 tấn/ha (thời gian bắt đầu trồng sâm đến khi thu hoạch mất khoảng 18 – 24 tháng), giá bán sản phẩm dao động từ 500 – 700 ngàn đồng/kg. Hiện Công ty đang tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 08 – 10 triệu đồng/người/tháng, qua đó góp phần phát triển kinh tế trên mảnh đất Thái Nguyên.

 

Cuối năm 2022, với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng, cũng như đa dạng hóa sản phẩm làm ra từ Sâm Bố Chính, để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và hướng tới mở rộng xuất khẩu, dưới sự dẫn dắt của Doanh nhân Nguyễn Thị Hằng, Công ty TNHH Cổ phần V-GINSENG đã quyết định mở rộng quy mô sản xuất, cũng như đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất. Tuy nhiên, với số vốn đầu tư lớn nên Công ty đã gặp phải khó khăn trong việc xoay xở tài chính.

 

Thấu hiểu được những khó khăn của các cơ sở, doanh nghiệp, đồng thời thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, sau khi nghiên cứu, khảo sát kĩ lưỡng, đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (TTKC) đã quyết định thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến nông sản” cho Công ty TNHH Cổ phần V-GINSENG. Thông qua sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công, TTKC Thái Nguyên mong muốn sẽ khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững, tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương.

 

Tổng nguồn vốn kinh phí của Công ty đầu tư, mua sắm hệ thống máy móc gồm: Máy chiết xuất; Máy sấy nóng; Máy chiết rót; Máy đóng nắp và máy dán tem là hơn 410 triệu đồng. Trong đó, TTKC Thái Nguyên hỗ trợ hơn 170 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023. Sau khi ứng dụng hệ thống máy móc mới, hiệu quả đem lại cho Công ty V-GINSENG là rất lớn.

 

 

Cây Sâm Bố Chính được trồng tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

 

“Hệ thống máy móc hiện đại có sự hỗ trợ từ TTKC Thái Nguyên đã giúp doanh nghiệp chúng tôi hoàn thiện quy trình sản xuất, đồng thời cho hiệu năng sản xuất cao. Quá trình sử dụng, Đơn vị thấy rằng, hệ thống máy móc này có rất nhiều ưu điểm. Nổi bật như, máy chiết xuất tạo ra hàm lượng chiết xuất dung dịch cao hơn, tiết kiệm điện năng và chi phí sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm so với chiết xuất thủ công trước đây. Đối với máy sấy nóng, nhờ sự bốc hơi nhanh của nước ở nhiệt độ cao nên sản phẩm được làm khô nhanh hơn, sấy được đa dạng nguồn nguyên liệu; sản phẩm đạt chất lượng đồng đều, tiết kiệm nhiên liệu và thời gian sấy. Riêng máy chiết rót có tính năng ổn định cao, thao tác vận hành đơn giản, bền bỉ, ít xảy ra hỏng hóc. Đồng thời hạn chế tình trạng đổ, tràn ra bên ngoài, căn chỉnh được lượng chiết như mong muốn và độ hao hụt gần như bằng không. Mặt khác, đối với máy đóng nắp được vận hành hoàn toàn tự động, cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, hoạt động bền bỉ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn máy dán tem vận hành hoàn toàn tự động, qua đó giúp cải thiện quy trình sản xuất, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất lao động…”, Doanh nhân Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH Cổ phần V-GINSENG khẳng định.

 

Đánh giá về tính hiệu quả của Đề án, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc TTKC Thái Nguyên cho biết: “Tiếp theo các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về khuyến công, năm 2023 này, Trung tâm đã thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến nông sản” cho Công ty TNHH Cổ phần V-GINSENG. Đến nay, doanh nghiệp đã đã hoàn thiện hệ thống máy móc trong quy trình sản xuất các sản phẩm từ Sâm Bố Chính và đang có những bước phát triển tích cực. Các sản phẩm của V-GINSENG làm ra đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm và được đông đảo khách hàng tin dùng, đón nhận. Đặc biệt, với công suất hoạt động ổn định, hàng năm sẽ đem lại lợi nhuận cao cho Công ty, đồng thời đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Bên cạnh đó, nhờ sức tiêu thụ của thị trường tăng mạnh nên Công ty V-GINSENG đã có điều kiện liên kết với bà con trong vùng phát triển diện tích trồng Sâm Bố Chính lên 20ha và bao thầu toàn bộ đầu ra của cây sâm, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương”.

 

Được biết, Đề án “hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chế biến nông sản” cho Công ty TNHH Cổ phần V-GINSENG chỉ là một trong nhiều đề án mà TTKC Thái Nguyên đã triển khai trong kế hoạch khuyến công năm 2023. Trước đó, các đề án ứng dụng máy móc thiết bị cho các đơn vị như: Hỗ trợ Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Đức Mạnh mua mới máy cắt CNC Fiber Laser; Hỗ trợ cho Tổ hợp tác Chè xóm Phả Lý đầu tư mới 76 máy vò chè Inox; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất vật liệu xây dựng cho Công ty TNHH Sáng Linh Thái Nguyên; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến lâm sản cho Hộ kinh doanh Lê Thanh Tịnh… đã hoàn thành. Theo đánh giá của các đơn vị được thụ hưởng, sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển.

 

Ninh Tuấn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang