Thứ Năm, 16/05/2024 14:47:58 GMT+7

Tin đăng lúc 08-08-2023

Lượt xem: 855

Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam

Ngày 7/8, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), số 7, Đại lộ Khoa học, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” – Đây là sự kiện khoa học được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam (1993 – 2023).
Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam
Các nhà khoa học trao đổi, thảo luận các nội dung chuyên môn tại Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”

Sự kiện vươn tầm quốc tế

 

Dự Hội nghị, ngoài Lãnh đạo và các Sở, ngành của tỉnh Bình Định còn có đại diện các cơ quan Trung ương: Ông Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH & CN; ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao).

 

Hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” là Hội nghị khoa học quốc tế, đã tập hợp gần 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học giả trẻ từ Việt Nam, châu Á - Thái Bình Dương và các vùng khác trên thế giới, trong đó có GS. Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam; GS. Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp; GS. Gerard 't Hooft (ĐH Utrecht, Hà Lan), Giải Nobel Vật lý năm 1999; GS. Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago, Mỹ)…, nhằm chia sẻ kiến thức, trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận về các tiến bộ mới nhất trong các ngành khoa học này. Đồng thời, cung cấp một diễn đàn học thuật để các nhà khoa học trong nước và quốc tế hợp tác khoa học, tham gia trao đổi thảo luận về các khám phá mới nhất trong lĩnh vực vật lý hạt cơ bản, vật lý năng lượng cao và thiên văn học, tạo điều kiện cho sự hợp tác khoa học, truyền cảm hứng cho các hướng nghiên cứu mới và tạo điều kiện phát triển cho các tài năng trẻ trong cộng đồng khoa học thuộc lĩnh vực này.

 

Thiết thực, nâng tầm kiến thức, tạo cảm hứng nghiên cứu khoa học

 

Hội nghị có 31 phiên họp với các phiên toàn thể và các phiên chuyên đề chuyên sâu về vật lý thiên văn, vật lý năng lượng cao, với gần 200 nhà khoa học tham dự, cùng các diễn giả quốc tế, như: GS. Gerard 't Hooft (Giải Nobel Vật lý 1999); GS. David E. Kaplan, Johns Hopkins University (Mỹ); GS. Joachim Kopp, Johannes Gutenberg University Mainz (Đức); GS. Celine Boehm, Sydney University (Australia); GS. Đàm Thanh Sơn, Chicago University (Mỹ); GS. Jacques Laskar, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS)… Kết thúc Hội nghị, đoàn đại biểu đại diện các nhà khoa học sẽ đến Thủ đô Hà Nội diện kiến Chủ tịch nước vào ngày 12/8/2023.

 

 

GS Gerard 't Hooft (ĐH Utrecht, Hà Lan), đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999 (bên phải) trò chuyện GS Trần Thanh Vân tại Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” 

 

Giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam khẳng định: Hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” là nơi tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ tham gia, cung cấp cho họ cơ hội trình bày các ý tưởng và tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học đã thành đạt trong lĩnh vực này. Từ đó, tạo điều kiện và cơ hội hợp tác khoa học, phát triển cho các nhà khoa học trẻ trong cộng đồng khoa học cơ bản để trao đổi kiến thức và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vật lý hạt và thiên văn học. Hội nghị còn là hoạt động đánh dấu hành trình 30 năm của Hội Gặp gỡ Việt Nam trong việc thúc đẩy sự trao đổi khoa học giữa Việt Nam và cộng đồng khoa học quốc tế.

 

Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng KH&CN cho rằng: tại Hội nghị này, các nhà khoa học sẽ thảo luận, tìm ra các giải pháp để khoa học đóng góp nhiều nhất cho phát triển KT-XH. Đồng thời, mong các nhà khoa học quốc tế có thể đưa ra nhiều gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý về cách thức, lộ trình và những kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển cho Việt Nam về phát triển và phát triển bền vững.

 

Tầm nhìn mới của Hội Gặp gỡ Việt Nam

 

Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ (NGO), hoạt động phi lợi nhuận, được thành lập theo Luật Hội đoàn 1901 tại Pháp từ năm 1993 trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về các Tổ chức Gặp gỡ Moriond (57 năm, từ 1966) và Gặp gỡ Blois (34 năm, từ 1989). Mục đích chính của Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam là kết nối hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ để đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục bậc cao của Việt Nam.

 

 

Đông đảo các nhà khoa học quốc tế tham dự Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”

 

Năm 2012, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam trở thành đối tác chính thức của tổ chức UNESCO. Người sáng lập và đồng thời là Chủ tịch Hội từ khi thành lập đến nay là GS. Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp), giáo sư ưu tú của Đại học Paris XI (Orsay, Pháp), Giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS).

 

Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành - ICISE được khởi công xây dựng ngày 11/12/2011 và khánh thành đưa vào hoạt động ngày 12/8/2013. Với các hoạt động tích cực đóng góp cho khoa học Việt Nam và khoa học thế giới, Trung tâm ICISE đã nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng quốc tế bảo trợ cấp cao về khoa học gồm 8 nhà khoa học đạt giải Nobel.

 

 

Các nhà khoa học về dự Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” chụp ảnh lưu niệm

 

Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã thành lập pháp nhân Công ty TNHH Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) hoạt động không vì lợi nhuận, phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.

 

ICISE đã, đang và sẽ trở thành điểm đến của khoa học và là điểm sáng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả khu vực Đông Nam Á, nâng cao vị thế và hình ảnh của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, đẩy mạnh thêm cố gắng của Chính phủ về phát triển khoa học và đào tạo.

 

Văn Thuận


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang