Thứ Ba, 30/04/2024 01:37:37 GMT+7

Tin đăng lúc 28-07-2023

Lượt xem: 654

Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVII

Chiều ngày 27/7/2023, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVII, năm 2023.
Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVII
Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự hội nghị có ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), ông Dương Quốc Trịnh - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, cùng các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh và các đại biểu đến từ 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

 

Đây là sự kiện được Bộ Công Thương tổ chức thường niên nhằm đánh giá kết quả hoạt động của ngành Công Thương, cũng như công tác khuyến công của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Đây cũng là diễn đàn để các địa phương phản ánh những khó khăn vướng mắc, những bất cập về chính sách trong quá trình triển khai công tác khuyến công, từ đó, bàn thảo, đề xuất các kiến nghị để các đơn vị có thẩm quyền giải quyết, đồng thời đưa ra các giải pháp triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và tạo điều kiện liên kết thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, công nghiệp.

 

 

Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục CTĐP phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, chính sách khuyến công đã được triển khai, đồng bộ, nhận được sự quan tâm của các ngành các cấp từ công tác điều hành chỉ đạo đến công tác triển khai thực hiện; Công tác khuyến công đã phát huy vai trò hỗ trợ, tiếp sức cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển. Để tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công, góp phần tạo động lực cho phát triển CNNT trong tình hình mới, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đề nghị các đại biểu tích cực đóng góp ý kiến, tập trung thảo luận, trao đổi vào bốn số nội dung cơ bản gồm:

 

Thứ nhất, đánh giá khách quan các kết quả đạt được về công tác khuyến công trong năm 2022 và 6 tháng năm 2023 của khu vực phía Bắc; đánh giá những hạn chế tồn tại trong quá trình thực hiện; xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan; trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan để từ đó xác định các giải pháp khắc phục.

 

Thứ hai, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trước mắt, bám sát diễn biến tình hình của cơ sở CNNT để triển khai hiệu quả các đề án khuyến công và hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm.

 

Thứ ba, trao đổi những kinh nghiệm, bài học có giá trị từ thực tiễn tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn.

 

Thứ tư, thảo luận, đề xuất với Bộ Công Thương những giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.

 

Đặc biệt, đề xuất những vấn đề chung, quan điểm về đổi mới cơ chế chính sách để chuẩn bị cho việc xây dựng Nghị định mới quy định về hoạt động khuyến công hiện đã được Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương tại Nghị quyết số 26/2013/NQ-CP ngày 27/02/2023.

 

 

Theo báo cáo kết quả hoạt động khuyến công năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 từ Cục Công Thương địa phương, các đề án triển khai trong năm 2022 phù hợp với mục tiêu Chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) giai đoạn 2021-2025; tổ chức thực hiện sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đúng chế độ và đạt hiệu quả cao, giúp các doanh nghiệp, cơ sở tháo gỡ khó khăn, bắt nhịp với sự phát triển trong tình hình mới, tiếp tục góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Hoạt động khuyến công được triển khai đa dạng, trong đó các nội dung về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm CNNT tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh, đã khuyến khích các cơ sở thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tại địa phương…

 

Cụ thể, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2022 của 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc là 170,4 tỷ đồng, đạt 95,2% so với kế hoạch năm, trong đó, tổng kinh phí thực hiện KCQG là 79,5 tỷ đồng, đạt 98,3% so với kế hoạch (80,9 tỷ đồng) và chiếm 46,7% kinh phí khuyến công thực hiện toàn vùng. Kinh phí KCĐP thực hiện là 90,9 tỷ đồng, đạt 92,6% so với kế hoạch (98,2 tỷ đồng) và chiếm 53,3% kinh phí khuyến công toàn vùng.

 

Bước sang năm 2023, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, ngành Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống khuyến công từ trung ương đến địa phương bám sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, thực trạng và nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn để tập trung tổ chức thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công ngay sau khi được phê duyệt, giao kinh phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng giải quyết khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

 

 

Năm 2023, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 177,2 tỷ đồng, thấp hơn 1,07% so với năm 2022 (179,1 tỷ đồng), trong đó, kinh phí KCQG giao theo kế hoạch là 82,6 tỷ đồng, chiếm 46,6% kinh phí khuyến công toàn vùng; kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) giao theo kế hoạch là 94,6 tỷ đồng, chiếm 53,4% kinh phí khuyến công toàn vùng.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh phí khuyến công toàn vùng đã thực hiện đạt 53,2 tỷ đồng, đạt 30,02% kế hoạch năm, cao hơn 131,1% so với cùng kỳ; trong đó, Kinh phí KCQG ước thực hiện 34,1 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch năm; kinh phí KCĐP ước thực hiện 19,1 tỷ động đạt 20,2% kế hoạch năm.

 

Trong những tháng cuối năm, để hoàn thành kế hoạch khuyến công, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, đối với việc triển khai các nội dung hoạt động khuyến công, tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, phát triển sản phẩm CNNT, các nội dung giúp cơ sở CNNT tiếp cận với chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng…

 

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các tham luận của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, tác động của công tác khuyến công đối với cơ sở CNNT trong giai đoạn hiện nay và đề xuất, kiến nghị đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công...

 

Công Du


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang