Thứ Bẩy, 04/05/2024 17:42:03 GMT+7

Tin đăng lúc 01-02-2017

Lượt xem: 2604

Hội nhập: Sẽ ra rìa nếu không cải cách thể chế!

Những động lực để cải cách kinh tế trong 30 năm qua đã tới hạn nhưng những động lực mới cho cải cách tiếp theo vẫn chưa tìm thấy. Do vậy, cần phải thay đổi cách điều hành kinh tế. Cần một hệ điều hành mới bền vững, bao dung và dài hạn hơn chứ không phải là tăng trưởng ngắn hạn, vốn gây ra nhiều phí tổn cho nền kinh tế.
Hội nhập: Sẽ ra rìa nếu không cải cách thể chế!
Điều hành kinh tế năm 2017 cần nhiều "đột phá", đi theo hướng tái cơ cấu kinh tế

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,43% (thấp hơn mục tiêu của Quốc hội giao là 6,7%). Đồng thời, mức tăng trưởng xuất khẩu dự báo là 7,2%. Thặng dư thương mại đạt 1,8 tỷ USD được giải thích do nhập khẩu tăng trưởng chậm và giá dầu phục hồi.

 

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế Vĩ mô (CIEM), cho biết việc đưa ra các dự báo kinh tế của CIEM chủ yếu để gợi ý cho công tác điều hành chính sách, bởi rất khó xác định các chỉ số trước những bất định của tình hình kinh tế.

 

Không chạy theo tăng trưởng

 

Trước băn khoăn năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu thấp đi, thâm hụt ngân sách ít đi, đầu tư ít đi, cơ sở nào để tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt mục tiêu, đại diện CIEM cho rằng năm 2017 cần thay đổi điều hành chính sách. Nếu vẫn giữ nguyên cách điều hành, giữ nguyên thiếu chuẩn bị… rõ ràng câu chuyện tăng trưởng năm nay rất khó để đạt các mục tiêu.

 

Ông Dương nhấn mạnh, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển, cải cách khuôn khổ pháp lý… Đây là cách để giải quyết bất định liên quan đến bối cảnh tăng trưởng kinh tế và bất định liên quan đến hội nhập.

 

Đi sâu vào một số vấn đề cần lưu tâm trong năm 2017, ông Dương cho rằng có hai vấn đề chính. Vấn đề đầu tiên là nền tảng cho tăng trưởng, nền tảng khu vực công mà tiên quyết nhất là câu chuyện ngân sách và phát hành trái phiếu Chính phủ.

 

Nhìn lại năm 2016, thâm hụt ngân sách rất lớn, ngay cả khi dự báo tăng trưởng thấp, Chính phủ không có biện pháp hữu hiệu để giảm chi ngân sách. Dự toán thu ngân sách không được điều chỉnh dù đầu năm qua nhìn rõ khó khăn của nền kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là tình trạng giảm sút của ngành khai khoáng và dầu mỏ.

 

Đặc biệt, đại diện CIEM cho rằng vấn đề tăng thâm hụt ngân sách “nguy hiểm” khi ảnh hưởng tới nền tảng khu vực công và ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế. Chính phủ đã phát hành 250.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đầu năm 2016, hoàn thành trong 9 tháng. Việc bổ sung trái phiếu trong quý IV làm tăng bất định đối với khu vực tư nhân khi Chính phủ tham gia thị trường vốn cạnh tranh với khu vực này.

 

Đại diện CIEM cũng khuyến cáo: “Nếu phải lựa chọn giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách, nên lựa chọn ưu tiên giữ thâm hụt ngân sách thấp. Không nên chạy theo tăng trưởng”.

 

Bàn về chính sách tỷ giá, đại diện CIEM cho rằng không nên đặt mục tiêu quá cứng với điều hành tỷ giá và không đặt mục tiêu tăng xuất khẩu quá cao. Trong năm 2016, cách tính tăng trưởng xuất khẩu chưa bỏ qua phần tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền khác. Khi đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ở mức 12% (không chỉ 8,4% như kết quả báo cáo). Như vậy, Ngân hàng Nhà nước có thêm điều kiện để linh hoạt nhiều hơn với các mục tiêu khác.

 

Ngoài ra, đại diện CIEM khuyến cáo cần tăng khả năng miễn nhiễm với các tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư như kinh nghiệm thông tin đổi tiền thời gian qua.

 

2017: cần nhiều “đột phá”

 

Trước những vấn đề được đặt ra đối với tăng trưởng kinh tế năm 2017, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng điều hành kinh tế năm 2017 cần nhiều “đột phá”, theo hướng tái cơ cấu kinh tế. Nếu không cải cách thể chế mạnh mẽ, Việt Nam sẽ bị ra rìa trong tiến trình hội nhập.

 

Theo Ts. Nguyễn Đình Cung, những động lực để cải cách trong 30 năm qua đã tới hạn nhưng những động lực mới cho cải cách tiếp theo vẫn chưa tìm thấy. “Cần phải thay đổi cách điều hành kinh tế. Cần một hệ điều hành mới bền vững, bao dung và dài hạn hơn chứ không phải là tăng trưởng ngắn hạn, vốn gây ra nhiều phí tổn cho nền kinh tế” – ông Cung cho biết.

 

Lấy ví dụ về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên tới 8.000 đồng/lít vừa qua, ông Cung bày tỏ lo ngại: Năm 2017 có lẽ chưa tạo ra được thay đổi. Theo ông Cung, vấn đề thu ngân sách có lẽ sẽ ảnh hưởng tới việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.

 

Ông Cung cho rằng năm 2017 chưa tạo ra được sự thay đổi gì thì ngay đầu năm Bộ Tài chính đã đưa ra Dự thảo tăng thuế môi trường đánh vào xăng dầu, dự kiến tăng mức thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng dầu lên 3.000 – 8.000 đồng/lít so với khung thuế cũ là 1.000 – 4.000 đồng/lít.

 

“Đây là cách điều hành chỉ nhìn vào việc thuận lợi trong quản lý của bộ máy chứ chưa nhìn về việc kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng cho thị trường, doanh nghiệp”, Ts. Cung đánh giá.

 

Ông Cung ví dụ ở nước Đức, giá điện không thu từ doanh nghiệp mà thu từ người dân trả cuối cùng. Giá điện nước này có 4 – 5 cấu phần; giá thành sản xuất, thuế môi trường, trợ cấp, tính vào giá người tiêu dùng cuối cùng phải trả và phần này doanh nghiệp không phải trả. Ở Việt Nam, chúng ta không thấy giảm chi phí cho doanh nghiệp, đây là yếu tố quyết định để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cạnh tranh, phát triển.

 

Ngoài ra, nhìn về quá trình hội nhập, ông Cung cho rằng, kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO tới nay, hội nhập đã mang lại nhiều cơ hội nhưng các doanh nghiệp FDI đang hưởng lợi nhiều hơn. Ví dụ rõ nhất là xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI vẫn đang chiếm tỉ trọng lớn. Nút thắt của vấn đề này, theo ông Cung, chính là từ cải cách thể chế chưa được như mong muốn.

 

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định: Những cải cách từ khi gia nhập WTO đã mang lại cơ hội và lợi nhuận cho các doanh nghiệp nước ngoài tới 80%.

 

Do vậy, “Nếu không có cải cách từ bên trong, chắc chắn tỉ lệ này vẫn được giữ nguyên và các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nền kinh tế không được hưởng lợi như lẽ ra phải được” – Ts. Võ Trí Thành đánh giá.

 

Theo ông Thành, vấn đề lao động và năng suất sử dụng vốn (TFP) đã được đưa ra trong nhiều báo cáo, có số liệu rõ hơn, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Các năm 2016 – 2017, dư âm của một Chính phủ điều hành thúc đẩy tăng trưởng, nền kinh tế thiên về đầu tư tư nhân cũng được xác lập nhưng chưa cao, chưa rõ. Trong khi đó, các địa phương vẫn được phân bổ vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả sử dụng kém, chi thường xuyên chiếm đa số so với chi đầu tư phát triển.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang