Chủ Nhật, 28/04/2024 04:12:40 GMT+7

Tin đăng lúc 04-02-2017

Lượt xem: 2037

Hơn 1,4 tỷ USD vốn FDI “đổ” vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm mới

Trong tháng đầu tiên của năm mới 2017, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hơn 1,4 tỷ USD vốn FDI “đổ” vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm mới
Vốn FDI cam kết trong tháng đầu năm 2017 tăng trở lại. Ảnh minh họa

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kể từ đầu năm tới ngày 20/1/2017, cả nước thu hút được 175 dự án FDI mới với số vốn đăng ký đạt 1,24 tỷ USD, tăng 37,8% về số dự án và tăng 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

 

Cùng với đó, còn có 76 lượt dự án đã cấp chứng nhận đầu tư từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với số vốn tăng thêm đạt 179,2 triệu USD.Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung trong tháng đầu tiên của năm mới 2017 đạt 1,42 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong khi đó, vốn giải ngân tiếp tục diễn biến tích cực, ước tính đạt 850 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào các dự án cấp mới tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động kinh doanh bất động sản.

 

Tháng đầu tiên của năm mới, 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới. Trong đó, Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 666,2 triệu USD, chiếm 54% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bắc Giang (13%); Bà Rịa – Vũng Tàu (9%); TP HCM (6%)…

 

Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 416,7 triệu USD, chiếm 34% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 347,8 triệu USD, chiếm 28%; Trung Quốc 310,1 triệu USD, chiếm 25%; Nhật Bản 56,8 triệu USD, chiếm 5%…

 

Ngoài ra, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1 đạt thấp, khoảng 15.203 tỷ đồng, bằng 5% kế hoạch năm và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 3.325 tỷ đồng, bằng 5% kế hoạch năm và giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn vị nhận nhiều vốn nhất là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

 

Vốn địa phương quản lý đạt 11.878 tỷ đồng, bằng 5% kế hoạch năm và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Nguồn Enternews.vn


Tag:FDI

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang