Thứ Bẩy, 27/04/2024 02:18:17 GMT+7

Tin đăng lúc 05-05-2014

Lượt xem: 9672

Hướng đi mới hiệu quả cho ngành cơ khí Nam Định

Nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn, vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1), thuộc Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương đã phối hợp với Công ty TNHH Việt Thắng (cụm công nghiệp Quỳnh Côi – Nam Trực – Nam Định) xây dựng, triển khai "Mô hình trình diễn kỹ thuật chế tạo các kết cấu thép phi tiêu chuẩn” phục vụ các công trình khai thác mỏ, giao thông.
Hướng đi mới hiệu quả cho ngành cơ khí Nam Định

Cơ sở đầu tư

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp cơ khí Nam Định phát triển rất mạnh, trong đó nổi tiếng như làng cơ khí Vân Chàng, Đồng Côi… , sản phẩm của các làng nghề này đã được tiêu thụ rộng rãi trên khắp cả nước. Tận dụng những lợi thế về nguồn lao động cũng như các điều kiện thuận lợi khác, Công ty Việt Thắng  được thành lập năm 2002, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cơ khí nông cụ, phục vụ tiêu dùng và cho ngành xây dựng dân dụng, giao thông, khai thác mỏ. Nhờ sự cần cù, chịu khó và năng động, nắm bắt thời cơ kịp thời, tập trung mọi nguồn lực đầu tư nên Công ty ngày càng phát triển. Tính từ năm 2007 đến nay, hàng năm Công ty đã sản xuất ra hàng trăm bộ linh kiện, các loại sản phẩm, phụ kiện  phục vụ ngành xây dựng dân dụng như giàn giáo cốt pha; phục vụ ngành khai thác mỏ; lan can hộ lan của cầu đường; bulon đai ốc vít cho ngành điện. Doanh thu hàng năm đạt hơn 50 tỷ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân trên 3.500.000đ/người/tháng.

Ông Lê Văn Thắng - Giám đốc Công ty TNHH VIệt Thắng 

Năm 2011, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt thành lập Cụm công nghiệp Đồng Côi, theo đó, các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh trên địa bàn phải di dời tới địa điểm mới. Thực hiện chủ trương này, Công ty Việt Thắng đã di dời đến Cụm công nghiệp Đồng Côi, đồng thời đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất cơ khí, nhằm mở rộng và nâng cao năng lực của Công ty, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhu cầu thị trường tiêu dùng. Nhà máy có công suất 4.000 tấn sản phẩm/năm với tổng mức kinh phí đầu tư lên đến 21.185.000.000 đồng. Nhận rõ đây là đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đáp ứng những tiêu chí cần thiết theo qui định hoạt động khuyến công, do vậy để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển năng lực sản xuất, IPC1 đã hỗ trợ kinh phí 226,3 triệu đồng (từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2013) giúp Công ty đầu tư mua máy móc thiết bị hạ tầng cho sản xuất và xây dựng “Mô hình trình diễn kỹ thuật chế tạo các kết cấu thép phi tiêu chuẩn”, phục vụ các công trình khai thác mỏ, giao thông. Ngoài việc hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho Công ty Việt Thắng, thông qua mô hình trình diễn này, sẽ làm điển hình khuyến khích và nhân rộng ra các doanh nghiệp khác trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương, và các chủng loại sản phẩm cơ khí cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nguyên lý và qui trình hoạt động

Theo ông Lê Văn Thắng, giám đốc công ty TNHH Việt Thắng cho biết, “Mô hình trình diễn kỹ thuật chế tạo các kết cấu thép phi tiêu chuẩn” dựa trên cơ sở ứng dụng máy đột dập li hợp trong chế tạo các kết cấu thép phi tiêu chuẩn. Đây là thiết bị đột dập khá hiện đại và hiệu quả trong sản xuất cơ khí chế tạo. Máy có thể dùng để dập thể tích nóng, nguội, cắt phôi tấm, phôi thanh, đột lỗ, chồn, chấn và nhiều chức năng khác.

Máy đột dập li hợp trong chế tạo các kết cấu thép phi tiêu chuẩn

Máy đột dập li hợp trong chế tạo các kết cấu thép phi tiêu chuẩn

Các công việc thực hiện trên máy đột ly hợp có rất nhiều tính năng ưu việt như: Quá trình làm việc của máy êm, thân máy cùng với trục khuỷu và thanh truyền có độ cứng vững tốt, dẫn hướng êm, có độ chính xác cao, tốc độ nhanh, có thể đẩy phôi tự động được, thao tác đơn giản, chất lượng sản phẩm cao tiết kiệm được vật liệu, năng suất lao động cao, cơ khí hóa và tự động hóa quá trình đột dập. Việc sử dụng máy đột ly hợp vào mô hình sản xuất làm cho tổng mức đầu tư cao hơn nhiều so với dây chuyền sản xuất truyền thống nhưng năng suất lao động của doanh nghiệp sẽ tăng lên gấp 2 lần so với ban đầu. Sản phẩm làm ra cũng đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, chủng loại, nguyên liệu, kích thước định hình và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác theo yêu cầu của khách hàng. Nếu trước đây, để hoàn thiện một sản phẩm cơ kim khí phải sử dụng tới 10-12 nhân công làm việc với thời gian dài mới hoàn thành được sản phẩm, nay khi sử dụng máy đột dập ly hợp trong dây chuyền sản xuất, chỉ cần 4 người đã hoàn thành được công việc. Với công nghệ mới này, người kỹ sư công nghệ chỉ cần điều chỉnh các thông số kĩ thuật của sản phẩm, theo đơn đặt hàng của khách hàng là xây dựng các bước công nghệ cho tổ trưởng từng nhóm để triển khai sản xuất.

Cùng với đó, sản phẩm đầu ra của Công ty đã “bám chắc” vào các doanh nghiệp lớn trong nước như: Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, các công ty xây dựng công trình giao thông, các tổng công ty xây dựng …đây cũng là những điều kiện đảm bảo cho hiệu quả kinh tế lâu dài của mô hình.

Sản phẩm do công ty sản xuất chất lượng cao, mẫu mã đa dạng

“Mô hình chế tạo các kết cấu thép phi tiêu chuẩn” của công ty Việt Thắng được triển khai và đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định từ 3.500.000đồng - 4.500.000đồng/người/tháng, giúp doanh nghiệp tăng trưởng đáng kể về năng suất lao động, doanh thu, lợi nhuận, hạn chế tình trạng người lao động quê thiếu việc làm phải di cư ra các thành phố lớn tìm việc, góp phần đáng kể vào ngân sách Nhà Nước.

Những năm qua, huyện Nam Trực cũng đã chú trọng thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia và Quỹ Khuyến công của Tỉnh. Nhiều hình thức khuyến công được triển khai linh hoạt như: Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động trong các doanh nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm trong nước… Nhờ đó, các doanh nghiệp có thêm kinh phí để đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh. Để nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công, UBND huyện đã phối hợp với Sở Công thương, IPC1 chỉ đạo phòng Công thương huyện, UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp và Trung tâm dạy nghề trên địa bàn Huyện chọn các xã có nghề truyền thống, hỗ trợ kinh phí để khôi phục nghề cũ, phát triển nghề mới và nhân rộng ra các xã lân cận. Thực hiện giải quyết vấn đề “tam nông”, một mục tiêu hàng đầu được Đảng và Nhà Nước đặt biệt quan tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam.

 

                                                                                                                                                                                                                                 Vi Thu


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang