Thứ Bẩy, 27/04/2024 13:07:48 GMT+7

Tin đăng lúc 24-11-2023

Lượt xem: 2058

Hyosung Việt Nam: Cánh chim “Đại bàng” thúc đẩy ngành CNHT Dệt May phát triển

Từ nhiều năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) luôn được Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương, cùng chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm và khuyến khích đầu tư phát triển theo hướng bền vững. Hàng loạt cơ chế chính sách được ban hành đã giúp cho các doanh nghiệp CNHT phát triển mạnh mẽ. Điều này chính là nhân tố quan trọng giúp cho Công ty TNHH Hyosung Việt Nam hoạt động hiệu quả, vươn lên trở thành cánh chim “Đại bàng” trong ngành CNHT Dệt May nước nhà.
Hyosung Việt Nam: Cánh chim “Đại bàng” thúc đẩy ngành CNHT Dệt May phát triển
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thăm quan Nhà máy sản xuất Sợi của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam

Theo các chuyên gia kinh tế trong nước nhận định, đối với ngành Dệt May, Việt Nam mới chỉ cung cấp được 0,2% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu xơ sợi, 15 – 16% nhu cầu về vải, còn lại phải nhập khẩu từ các quốc gia như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan… Sản phẩm sợi và vải sản xuất nội địa chưa đa dạng, chất lượng chưa cao, vậy nên chỉ sử dụng được 20–25% sản lượng cho ngành May xuất khẩu. 

 

Trước bối cảnh đó, để tạo thêm động lực cho ngành CNHT Dệt May phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Trong đó, dệt may và da giày là hai trong số 06 lĩnh vực nằm trong danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển của Việt Nam. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí các hoạt động nghiên cứu và phát triển; Hỗ trợ 50–75% đối với hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp CNHT dệt may - da giày cũng được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu, thuế đất…​Trước những ưu đãi về phát triển lĩnh vực CNHT trong ngành Dệt May mà Chính phủ Việt Nam đem lại, năm 2017, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam đã đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất vải sợi mành, sợi spandex, sợi nylon, sợi polyester… với nhiều tính năng đa đạng để phục vụ cho ngành May mặc trong nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới. 

 

Hiện nay, nhà máy sản xuất sợi của Hyosung Việt Nam được đặt tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, có tổng diện tích gần 68ha và đang tạo việc làm cho hơn 4.800 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8 –10 triệu đồng/người/tháng.​ Chia sẻ về quyết định của Hyosung Việt Nam khi chọn tỉnh Đồng Nai là điểm đến đầu tư nhà máy sản xuất xơ sợi, ông Kim Kyung Hwan – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam cho biết: “Vì quy mô của dự án là rất lớn, vậy nên khi lựa chọn địa điểm để đầu tư nhà máy, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng và đưa ra tiêu chí đánh giá về môi trường đầu tư, chính sách đãi ngộ của Chính phủ và địa phương, dư địa phát triển kinh tế, khả năng cung ứng nguồn nhân lực và vị trí địa lý. Theo đó, Đồng Nai là địa phương đã đáp ứng được đầy đủ những yếu tố đó. Đặc biệt, sự phát triển của Hyosung Việt Nam hôm nay luôn có sự quan tâm và hỗ trợ hết mình của các cấp lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi đánh giá cao sự sẵn sàng của Ban lãnh đạo tỉnh, cùng các ban ngành, địa phương trong việc chủ động giúp đỡ nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh…”.

 

 

Sản xuất sợi vải tại Hyosung Việt Nam

 

​Trải qua 06 năm đầu tư tại tỉnh Đồng Nai, Hyosung Việt Nam đã trở thành cánh chim “Đại bàng” của ngành CNHT Dệt May trong nước, khi đã cung ứng nhiều loại xơ sợi chất lượng cao phục vụ may mặc xuất khẩu. Đơn cử như đối với loại xơ sợi Nylon, Công ty đã phát triển sản phẩm có nhiều tính năng đa dạng, chất lượng vượt trội và đang nhận được sự yêu quý của tất cả các khách hàng. 

 

Đặc biệt, dựa trên nền tảng của TOPLON (một loại sợi dùng trong vật liệu công nghiệp và đồ thể thao cao cấp), Hyosung đang cung cứng cho thị trường loại sợi để làm ra những loại vải nhẹ và tinh tế, đem đến cảm giác tuyệt vời cho người sử dụng như: Vi sợi Micro-denier (sợi có kích thước siêu nhỏ, nâng cao độ mềm mại cho sản phẩm); Sợi liên hợp N/P (MIPAN XF); Sợi kháng khuẩn (MIPAN magicsilver nano); Sợi liên kết (MIPAN glurex); Sợi CD (MIPAN phối màu); Sợi có độ bền cao (ứng dụng quần áo leo núi, thể thao mô tô, quần áo bảo hộ lao động, thể thao mạo hiểm); Sợi rỗng (MIPAN khí). 

 

Ngoài ra, Hyosung Việt Nam còn cung cấp cho thị trường dệt may trong nước và xuất khẩu ra thế giới các loại sơ sợi Nylon được làm từ các vật liệu tái chế (được chứng nhận Tiêu chuẩn tái chế toàn cầu-GRS), đảm bảo thân thiện và an toàn với môi trường.​Đặc biệt, nhờ sản xuất trên quy trình, dây chuyền và máy móc hiện đại bậc nhất trên thế giới, kết hợp với đội ngũ người lao động chuyên nghiệp, mang trong mình nhiệt huyết nên các sản phẩm xơ sợi do Hyosung tạo ra đã đạt đến ngưỡng hoàn hảo. Giờ đây, với năng lực sản xuất lớn, lên tới hàng trăm nghìn tấn sợi/năm, Hyosung đã trở thành một trong những doanh nghiệp CNHT lớn nhất Việt Nam phục vụ cho ngành Dệt May trong nước và thị trường thế giới.​

 

Ông Kim Kyung Hwan – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam khẳng định: Nhà máy sản xuất xơ sợi Hyosung đi vào hoạt động đã không chỉ tạo ra lượng lớn việc làm cho lao động trong khu vực, gia tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, mà còn góp phấn phát triển mạnh mẽ ngành CNHT Dệt May Việt Nam. Với mục tiêu hoạt động sản xuất dài lâu, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, đổi mới hệ thống máy móc hiện đại, cũng như kết nối chuyển giao công nghệ phụ trợ, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành phụ trợ dệt may… nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng và là bến đỗ cho các doanh nghiệp CNHT tới đầu tư”.​

 

“Đặc biệt, trong thời gian ngắn tới đây, Hyosung Việt Nam sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam với dự án Nhà máy sản xuất Sợi và Vật liệu Carbon (tại KCN Phú Mỹ II, phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với tổng số vốn đầu tư khoảng 560 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 1, Hyosung Việt Nam dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong tháng 2/2025; Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong tháng 12/2028 và giai đoạn 3 sẽ hoàn thành trong tháng 12/2031. Mục tiêu của dự án là sản xuất sợi Carbon với công suất thiết kế 21.600 tấn/năm” – ông Kim Kyung Hwan – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam cho biết thêm.​

 

Có thể khẳng định rằng, sau nhiều năm hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, Hyosung Việt Nam cùng với cộng đồng doanh nghiệp CNHT đã góp phần mang lại sự phát triển ngoạn mục của tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, theo một báo cáo mới đây của Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã sản xuất được gần 860 ngàn tấn sợi các loại, tăng gần 05% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm sợi sản xuất tại Đồng Nai được tiêu thụ tại thị trường nội địa trong nước và xuất khẩu gần 80%. Những nhà máy sản xuất sợi lớn ở Đồng Nai đóng góp quan trọng cho ngành CNHT Dệt May trong nước phải kể tới như Hyosung Việt Nam, Formosa… Đây cũng là hai doanh nghiệp đang dẫn đầu các công ty nước ngoài đầu tư vào tỉnh với số vốn hàng tỷ USD. Những tín hiệu tích cực này đã tạo hiệu ứng lan tỏa đưa Đồng Nai tiếp tục trở thành điểm sáng trong thu hút FDI và trở thành một trong những cứ điểm của ngành CNHT của Việt Nam.​

 

Lê Tuấn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang