Thứ Hai, 29/04/2024 08:38:18 GMT+7

Tin đăng lúc 14-04-2022

Lượt xem: 930

Kết nối 50 doanh nghiệp thời trang Việt Nam - châu Phi

Ngày 14 và 15/4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp Thương vụ Việt Nam tại các nước khu vực châu Phi tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam - châu Phi 2022.
Kết nối 50 doanh nghiệp thời trang Việt Nam - châu Phi
50 doanh nghiệp thời trang Việt Nam - châu Phi sẽ được kết nối giao thương

Sự kiện dự kiến thu hút trên 50 doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước châu Phi sản xuất, kinh doanh về chuyên ngành thời trang (dệt may, da giày...) tham dự.

 

Với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng cao trong khi sản xuất nội khối chưa phát triển, châu Phi được nhận định là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng hoá của Việt Nam, trong đó có hàng dệt may, da giày, phụ kiện thời trang.

 

Mặt khác, dân số và thu nhập của người dân châu Phi ngày càng tăng, lục địa này sẽ trở thành thị trường tiêu thụ đầy triển vọng cho mặt hàng dệt may, da giày. Các nước châu Phi, nhất là Nam Phi, Nigeria, Kenya là những nước có nhu cầu lớn về hàng dệt may, giày dép.

 

Mặc dù Việt Nam là một trong 8 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới, song giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này sang châu Phi còn khá khiêm tốn. Theo đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng xuất khẩu mặt hàng thời trang vào châu Phi, bởi có nhiều lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động thấp, tay nghề tốt, năng suất và chất lượng cao.

 

Ngoài việc xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét khả năng đầu tư tại một số thị trường lớn tại châu Phi để tận dụng nguồn nhân công và nguyên liệu giá rẻ sẵn có, nhất là bông để sản xuất hàng dệt may phục vụ nhu cầu nước sở tại và xuất khẩu.

 

Dù tiềm năng xuất khẩu được đánh giá còn lớn nhưng đại diện Thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia châu Phi khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong giao thương với đối tác, tình trạng lừa đảo trong giao dịch đã xảy ra. Đối tượng chấp nhận bất cứ giá chào hàng nhập khẩu nào từ doanh nghiệp Việt Nam hoặc đối tượng chào hàng xuất khẩu sang Việt Nam với giá thấp sau đó yêu cầu trả 1 khoản phí/ đặt cọc rồi chiếm dụng…

 

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần quan tâm tới tập quán kinh doanh, thời gian, đặc biệt là ngôn ngữ để có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

 

Để nắm được những thông tin về nhu cầu thị trường cũng như tập quán kinh doanh, việc tham gia Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam - châu Phi 2022 là cơ hội tốt để doanh nghiệp tìm hiểu thị trường cũng như tìm những đối tác tin cậy để tăng cường xuất khẩu hàng dệt may, giày dép vào khu vực châu Phi.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang