Thứ Sáu, 26/04/2024 09:26:35 GMT+7

Tin đăng lúc 16-06-2016

Lượt xem: 5925

Kết nối kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ

Nhằm mục đích kết nối toàn diện cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới tương lai hội nhập toàn cầu, ngày 15/6/2016, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.Hồ Chí Minh (ITPC) cùng Công ty Reed Tradex (Thái Lan) đã ký hợp tác đồng tổ chức các triển lãm quốc tế và kết nối kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Kết nối kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ
Lễ ký hợp tác đồng tổ chức các triển lãm quốc tế và kết nối kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Theo đó, sẽ có hơn 500 thương hiệu đến từ 25 quốc gia tham gia các triển lãm: “Metalex Vietnam 2016”, “Triển lãm Liên minh các doanh nghiệp (DN) ngành CNHT”, “Nepcon Vietnam 2016” và “Triển lãm sản phẩm CNHT Việt Nam – ICSV 2016” tổ chức tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn, quận 7, TP. Hồ Chí Minh từ ngày 6-8/10/2016. Các triển lãm sẽ tập trung vào việc trình diễn những máy móc công cụ, sáng chế và công nghệ mới cho việc sản xuất, đồng thời góp phần hoàn thiện chu trình công nghệ cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhằm xúc tiến kết nối các nhà sản xuất linh kiện trong nước với khách mua hàng Nhật Bản và các nước khác.

 

Ông Isara Burintramart - Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex cho biết: Tính đến đầu năm 2016, đã có hơn 16.300 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 238 tỷ USD, điều này cho thấy Việt Nam đang là điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

 

Trưởng đại diện JETRO TP. Hồ Chí Minh - ông Hirotaka Yasuzumi cho biết, theo kết quả khảo sát của JETRO vào năm 2015, tỷ lệ chi phí nhân công trong chi phí sản xuất của các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam là 19% và tỷ lệ nguyên vật liệu tới 58%. Do đó, muốn giảm chi phí sản xuất một cách hiệu quả nhất phải tập trung vào việc đẩy mạnh các nguồn cung ứng nội địa.

 

Tuy nhiên, hiện nay Nghị định về phát triển CNHT mới được Chính phủ Việt Nam ban hành cuối năm 2015 vẫn chưa đem lại kết quả. Hơn nữa, những DN trong ngành CNHT là các DN vừa và nhỏ nhưng do các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng DN này không được thông báo rộng rãi cho nên hiệu quả không cao. Mấu chốt là ở chỗ, hầu hết DN nhỏ và vừa trong nước đều thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị,... nhưng việc tiếp cận vốn tại các ngân hàng và các tổ chức tín dụng thì vô cùng khó khăn đối với họ. Các DN vừa và nhỏ của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cạnh tranh rất lớn, sẽ có rất nhiều DN phải rút khỏi thị trường nếu không được hỗ trợ ngay từ bây giờ", ông nhấn mạnh.

 

Ông Yasuzumi cũng cho biết thêm: Hơn 10 năm qua, JETRO đã triển khai nhiều cuộc triển lãm CNHT, đặc biệt ở miền Nam, nhưng số lượng gương mặt DN mới xuất hiện chưa nhiều. Vì vậy, Triển lãm lần này sẽ ưu tiên các DN Viêt  Nam mới, chưa từng tham dự các sự kiện Business Alliance trước đây và không chỉ có Tp.HCM mà còn từ các tỉnh lân cận.

 

Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) thì hiện nay Thành phố đang xây dựng và củng cố những chính sách phát triển ngành CNHT, cụ thể là thúc đẩy quá trình nội địa hóa các sản phẩm công nghệ cao bằng các giải pháp như hình thành và phát triển  thị trường (chợ) CNHT sản phẩm công nghệ cao trong Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp của Tp.HCM. Song song với đó, thực hiện các giải pháp như: Giảm các loại thuế linh kiện nhập khẩu, cấp vốn và tạo điều kiện đổi mới công nghệ tại những cơ sở sản xuất, kêu gọi đầu tư FDI vào sản xuất trong các ngành CNHT tại thành phố…

 

Được biết, các sự kiện triển lãm trên dự kiến sẽ thu hút khoảng trên 10,000 lượt khách tham quan tới từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển, đồng thời giao lưu, chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ./.

 

Như Quỳnh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang