Thứ Sáu, 26/04/2024 20:14:50 GMT+7

Tin đăng lúc 28-09-2015

Lượt xem: 12318

Khai khoáng: Thực trạng và giải pháp

Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản là một trong những ngành công nghiệp quan trọng đối với mỗi quốc gia, nó tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định đáp ứng mọi nhu cầu trong nước, phần nào giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giúp cho quốc gia sử dụng hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là những nước nghèo và chậm phát triển như Việt Nam.
Khai khoáng: Thực trạng và giải pháp
Sàng quặng apatit loai 1

Công nghiệp khai khoáng và những bất cập

 

Hiện nay, công nghiệp khai khoáng ở nước ta chỉ tập trung chủ yếu là khai thác than ở Quảng Ninh, sắt ở Trại Cau (Thái Nguyên), đồng ở Sinh Quyền (Lào Cai), vàng Bồng Miêu, titan ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Bình Thuận..., còn ở các địa phương khác thì khai thác chế biến quy mô rất nhỏ như chì, kẽm, thiếc, antimoan, crôm… và một số nguyên liệu khoáng như đá vôi, đá trắng, cao lanh… Những cơ sở nhỏ thường không đem lại nguồn thu cho ngân sách nhiều do sản lượng thấp, sản phẩm thô, công nghệ lạc hậu và khai thác chế biến không hiệu quả. Một số dự án lớn đang được triển khai như: Titan Bình Định, Bình Thuận, sắt Quý Xa, sắt Thạch Khê… đang ít nhiều gặp phải các vấn đề về môi trường, công nghệ chế biến, nguồn vốn và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, công nghiệp khai khoáng là ngành đòi hỏi đầu tư dài hạn lại chịu nhiều rủi ro. Dài hạn là vì trước khi đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến ra sản phẩm, các dự án liên quan đến khai khoáng còn phải trải qua giai đoạn điều tra, thăm dò địa chất để đánh giá hàm lượng và trữ lượng của mỏ. Tiếp theo là công tác thiết kế khai trường và nhiều công đoạn khác, hoặc gặp rủi ro khi chính sách có thể thay đổi hay liên quan đến thuế tài nguyên, nhiều khoản lệ phí thu theo quy định của địa phương (mỗi nơi mỗi kiểu thu). Ví dụ, với quặng sắt thì thuế tài nguyên có tỉnh thu 45.000đ/tấn, có tỉnh thu 10.000đ/tấn (tùy thuộc vào giá tính thuế do tỉnh quy định), hay ngoài lệ phí tài nguyên, có tỉnh còn thu phí giao thông 60.000đ/tấn. Các mức thu thuế và lệ phí trên hoàn toàn có thể thay đổi theo hướng tăng lên khiến chi phí của nhà đầu tư luôn phải chịu những biến động khó lường. Chưa hết, rủi ro tiếp theo là từ công tác địa chất, ngành đánh giá theo số liệu dự báo về trữ lượng và hàm lượng bình quân của tài nguyên khoáng sản mà mỗi cấp độ dự báo chính xác càng cao thì chi phí càng lớn. Để có số liệu đi đến quyết định cuối cùng thì nhà đầu tư đã phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để làm công tác địa chất, quyết định đó có thể là tài nguyên không đủ để đầu tư khai thác công nghiệp và chịu thua lỗ chi phí làm địa chất. Hoặc trữ lượng tài nguyên không đạt được con số kỳ vọng, chi phí làm địa chất phân bổ sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, sản phẩm sẽ không cạnh tranh và hiệu quả thu được không cao. Và, còn một loại rủi ro rất lớn đến từ thị trường, tác động suốt cả tuổi đời của dự án. Hai loại rủi ro sau thì bất cứ một nhà đầu tư nào tham gia vào ngành công nghiệp khai thác tài nguyên cũng phải chấp nhận. Nó có thể được giảm thiểu nếu Nhà nước có một quy hoạch rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch đó trên toàn quốc, cẩn trọng trước sự “xé rào” của nhiều địa phương, thay vì để các nhà đầu tư tự tìm hiểu và tham gia vào các dự án ở mỗi nơi mỗi cách, trên một nền chính sách cấp tỉnh thiếu nhất quán, đồng bộ và đặt mục tiêu thu ngân sách địa phương làm tiêu chí hàng đầu.

 

Ngoài ra, mỗi khi giá cả của các nguyên liệu cơ bản tăng chóng mặt, thì thị trường ngành khai khoáng Việt Nam cũng trở nên sôi động. Trung Quốc tích cực  mua các loại nguyên liệu thô và việc khai thác lậu, xuất lậu sang Trung Quốc diễn ra hàng ngày. Những tháng cao điểm, quặng sắt xuất khẩu từ các cảng đạt từ 70.000 – 100 tấn/tháng. Tuy nhiên, ở địa phương, sự sôi động đó chỉ dừng lại ở khâu cấp phép khai thác đối với điểm mỏ cho các doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp chỉ tranh thủ khai thác lậu tại địa phương mà sản phẩm chủ yếu là nguyên liệu thô, nhằm xuất khẩu kiếm lời, trong khi đó ngân sách địa phương cũng chẳng thu được bao nhiêu do giá trị thương mại của sản phẩm thô xuất khẩu không lớn, chưa kể những bất cập về buông lỏng quản lý xuất khẩu, giá tính thuế xuất khẩu, gian lận trong khai báo thuế tài nguyên… Công tác điều tra đánh giá nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia cũng như những điểm mỏ do địa phương quản lý không được coi trọng và theo đó, công tác quy hoạch phát triển ngành khai khoáng của địa phương hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Các điểm mỏ thì bị xé nhỏ, cấp phép tràn lan cho các doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm kỹ thuật công nghệ, không có tiềm lực tài chính, không có đánh giá địa chất đầy đủ để có thể quyết định đầu tư chế biến sâu các sản phẩm có giá trị thương mại cao hơn sản phẩm thô… Tất cả chỉ dừng ở phân chia quyền sở hữu mỏ, hoặc khai thác thổ phỉ để xuất khẩu quặng thô; Công tác điều tra đánh giá tổng thể nguồn nguyên liệu để làm cơ sở đầu tư không có, quy hoạch phát triển ngành trên cơ sở nguồn nguyên liệu địa phương cũng không, bản thân các điểm mỏ đã bị xé lẻ cấp cho các doanh nghiệp khác nhưng lãnh đạo của các địa phương luôn ra điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh phải chế biến sâu. Các dự án đầu tư vào khai thác quặng sắt, địa phương yêu cầu dự án đầu tư phải làm ra sản phẩm gang hoặc phôi thép, thép thành phẩm mới được chấp thuận mà không phải tỉnh nào cũng đủ điều kiện để làm.

 

Một số giải pháp căn cơ

 

Muốn phát triển công nghiệp khai khoáng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn các địa phương, nên chăng, thứ nhất: Các dự án khai thác mỏ, cần thực hiện theo đúng Luật Khoáng sản và theo cam kết của các doanh nghiệp, nếu dự án không triển khai đúng tiến độ sẽ bị thu hồi; các dự án hết hạn sẽ không được gia hạn. Thứ hai: Với thực trạng khá lộn xộn ở nhiều địa phương như hiện nay, thì việc cấp phép mỏ mới cho các doanh nghiệp nên dừng để tập hợp, quy hoạch lại các điểm mỏ, lập danh sách theo nhóm nguyên liệu và tổ chức đấu thầu theo nhóm. Thứ ba: Lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong ngành khai khoáng, có dự án đầu tư chế biến và có khả năng tiêu thụ sản phẩm. Thứ tư: Yêu cầu nhà đầu tư lập đề án và triển khai đánh giá thăm dò địa chất, quy hoạch các điểm mỏ làm nguồn nguyên liệu và báo cáo kết quả đánh giá thăm dò địa chất. Với kết quả thăm dò địa chất, nếu nhà đầu tư tiếp tục dự án thì yêu cầu lập dự án khả thi về chế biến, lựa chọn sản phẩm, quy mô, công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường. Thứ năm: Nhà đầu tư triển khai dự án đã được phê duyệt, UBND tỉnh giám sát tiến trình thực hiện dự án. Thứ sáu: Công nghiệp khai khoáng là ngành non trẻ, đầu tư vào các dự án khai khoáng là rất lớn, hiệu quả kinh tế lại không cao, giá cả quốc tế luôn biến động giảm khiến hiệu quả dự án giảm… vì thế, nên thu thuế tài nguyên theo dự án được duyệt và Nhà nước thu thuế tài nguyên cho một, hai, hoặc ba năm đầu tiên ngay trước khi cấp phép khai thác. Từ các năm sau sẽ thu theo từng năm.…

 

Hy vọng, với một số giải pháp trên được chỉ ra, sẽ góp phần mang lại cho ngành công nghiệp khai khoáng nước nhà những tín hiệu vui, đó là: Nguồn nguyên liệu vốn ít ỏi, phân tán được đánh giá đúng trữ lượng, được tập trung sử dụng hiệu quả; nguồn nguyên liệu tập trung sẽ giúp cho việc lựa chọn công nghệ, quy mô lớn và giảm chi phí sản xuất; Nguyên liệu được chế biến sâu, không còn xuất thô, giá trị thương mại cao hơn, tận thu sử dụng có hiệu quả. Theo đó, các dự án đảm bảo có nguồn bao tiêu sản phẩm, tránh được những tác động về biến động giá trên thị trường.

    

  Anh Thư


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang