Thứ Bẩy, 27/04/2024 01:24:24 GMT+7

Tin đăng lúc 19-08-2022

Lượt xem: 1848

Khai mạc Hội nghị Khuyến công các tỉnh thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XII, năm 2022

Chiều ngày 18/8/2022 tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022. Các ông: Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; Võ Đình Vinh - Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận đồng chủ trì hội nghị, cùng sự tham dự của trên 200 đại biểu.
Khai mạc Hội nghị Khuyến công các tỉnh thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XII, năm 2022

 

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện hoạt động khuyến công của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên (MT-TN) trong năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, đồng thời đề ra phương hướng, biện pháp để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2022, định hướng phát triển công tác khuyến công năm 2023, đề ra các biện pháp để hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả; đẩy mạnh liên kết hợp tác, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao tỉ trọng công nghiệp.

 

Đây cũng là dịp để các địa phương tăng cường gặp gỡ, trao đổi, rút ra những bài học trong công tác khuyến công, đẩy mạnh liên kết hợp tác, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để các cơ sở công nghiệp nông thôn có cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, góp phần nâng cao tỷ trọng công nghiệp.

 

Theo báo cáo của Cục Công thương địa phương, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2021 của cả nước là 258,75 tỷ đồng; tổng kinh phí thực hiện 234,01 tỷ đồng. Trong đó: Khuyến công quốc gia (KCQG) được phê duyệt là 75,64 tỷ đồng, chiếm 29,23% tổng kinh phí khuyến công cả nước (thực hiện 75,23 tỷ đồng, đạt 99,45% kế hoạch); Kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) là 183,1 tỷ đồng, chiếm 70,77% tổng kinh phí khuyến công cả nước, thực hiện 158,79 tỷ đồng, đạt 86,72% kế hoạch.

 

Đối với 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2021 là 48,79 tỷ đồng, đạt 95,24% so với kế hoạch năm (51,23 tỷ đồng). Trong đó, KCQG có tổng kinh phí thực hiện là 11,07 tỷ đồng, đạt 99,37% so với kế hoạch là 11,14 tỷ đồng, chiếm 14,71% tổng kinh phí thực hiện KCQG toàn quốc năm 2021 (75,23 tỷ đồng) và chiếm 22,68% kinh phí khuyến công toàn vùng.

 

Còn KCĐP có tổng kinh phí thực hiện là 37,73 tỷ đồng, đạt 94,11% so với kế hoạch là 40,09 tỷ đồng, chiếm 23,76% tổng kinh phí thực hiện KCĐP của cả nước năm 2021 (158,79 tỷ đồng) và chiếm 77,32% kinh phí khuyến công toàn vùng. Một số địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá trong khu vực cho hoạt động khuyến công là Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Bình,... Địa phương có sự quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ kinh phí đối với năm 2021 là Gia Lai, Quảng Ngãi.

 

Năm 2022, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN là 72,8 tỷ đồng, cao hơn 42,11% so với kế hoạch năm 2021 (51,23 tỷ đồng), trong đó, kinh phí KCQG giao theo kế hoạch 29,21 tỷ đồng, chiếm 20,86% tổng kinh phí KCQG năm 2022 (140 tỷ đồng); kinh phí KCĐP giao theo kế hoạch 43,59 tỷ đồng, chiếm 23,06% tổng kinh phí KCĐP đã được giao kế hoạch năm 2022 (189 tỷ đồng).

 

Trong 7 tháng đầu năm 2022, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 20,7 tỷ đồng, đạt 28,44% kế hoạch năm, so với tỷ lệ thực hiện 7 tháng đầu năm 2021 cao hơn 62,15%. Trong đó, kinh phí KCQG đã triển khai thực hiện 3,54 tỷ đồng đạt 12,11% kế hoạch năm; kinh phí KCĐP 17,17 tỷ đồng đạt 39,38% kế hoạch năm.

 

Nguồn kinh phí khuyến công được thực hiện tập trung vào 6 nội dung chính gồm: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT);  Hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT; Hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT; Hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển CNNT, công tác truyền thông; Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.

 

Trong đó, phân bổ nhiều nhất cho hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở CNNT với tổng kinh phí hỗ trợ năm 2022 theo kế hoạch là 47,26 tỷ đồng.

 

 

Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu tại hội nghị

 

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết, trong thời gian qua, chính sách khuyến công đã được triển khai thực hiện đồng bộ nghiêm túc, hoạt động khuyến công đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn; hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Cục trưởng Ngô Quang Trung cho rằng, hiện nay, tình hình kinh tế trong nước đã có bước phục hồi nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là chi phí sản xuất tăng cao tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, tác động đến kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động khuyến công nói riêng. Do vậy, Cục trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công Thương. Đồng thời bám sát vào chương trình phát triển kinh tế của từng địa phương; rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi bổ sung; kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy hoạt động công tác khuyến công đảm bảo xuyên suốt.

 

Trong những tháng cuối năm, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành 100% các đề án KCQG và KCĐP được giao năm 2022; bảo đảm xây dựng, đăng ký các đề án, nhiệm vụ khuyến công quốc gia năm 2023 đúng thời hạn, có chất lượng; tập trung xây dựng các đề án nhóm, phấn đấu xây dựng được đề án điểm; hoàn thành các chỉ tiêu về số dự án và doanh thu tư vấn phát triển công nghiệp; 100% các địa phương cử cán bộ chuyên trách về hoạt động khuyến công tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức…

 

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động khuyến công; đồng thời, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khuyến công năm 2022.

 

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022 và Lễ tôn vinh, trao Giấy chứng nhận Sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022.

 

Quỳnh Anh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang