Thứ Năm, 02/05/2024 15:01:30 GMT+7

Tin đăng lúc 26-08-2016

Lượt xem: 4269

Khai mạc Triển lãm – Hội chợ Hàng thủ công mỹ nghệ 2016

Sáng 26/8, Bộ Công Thương, UBND TP.Hà Nội, phối hợp tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm – Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ 2016, đây là hoạt động nằm trong Chương trình Khuyến công quốc gia.
Khai mạc Triển lãm – Hội chợ Hàng thủ công mỹ nghệ 2016
Cắt băng khai mạc Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ 2016. Ảnh Nguyễn Hoa

Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng…, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có nghệ nhân được vinh danh.

 

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc. Ảnh Nguyễn Hoa

 

Với quy mô hơn 2000m2 triển lãm và 200 gian hàng đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước với 100% sản phẩm trưng bày là hàng thủ công mỹ nghệ và hàng hóa Việt Nam, không có hàng hóa xuất xứ nước ngoài, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ các địa phương. Triển lãm – Hội chợ diễn ra là sự kiện lớn của ngành Thủ công mỹ nghệ nhằm giới thiệu những thành quả, đóng góp của các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, quảng bá tinh hoa hình ảnh sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam, góp phần quan trọng đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ, văn hóa và lịch sử của Việt Nam ra thế giới, đây là nơi giao lưu, học hỏi, liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và các nhà phân phối.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng - trưởng ban chỉ đạo chương trình phát biểu khai mạc. Ảnh: Như Trang

 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Cần giữ gìn, bảo tồn và phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ - nơi hội tụ của những tinh hoa văn hóa truyền thống được bồi đắp trường tồn qua suốt chiều dài lịch sử đất nước, dân tộc. Việc tôn vinh những làng nghề truyền thống, những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc của các thế hệ cha truyền con nối được coi là báu vật nhân văn sống; đồng thời, vinh danh những nghệ nhân, những thợ giỏi đã có công xây dựng, phát triển nghề cũng như lưu truyền các tác phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam là việc làm vô cùng ý nghĩa.

 

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng nhấn mạnh: Bộ Công Thương tin tưởng rằng, Triển lãm - Hội chợ sẽ là cầu nối hữu hiệu để các nghệ nhân, làng nghề, doanh nghiệp trao đổi, hợp tác đầu tư với đối tác trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ bền vững cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.

 

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm của các nghệ nhân. Ảnh Báo điện tử Chính phủ

 

Anh Quách Văn Thảo – Chủ cơ sở nông sản xanh Thảo Trang tại Ninh Thuận là một trong những cơ sở tham gia gian hàng tại Triển lãm – Hội chợ lần này cho biết “Tỉnh Ninh Thuận có mặt hàng nổi tiếng nhất là nho, táo, hành, tỏi, dệt thổ cẩm…, cơ sở của tôi đem sản phẩm của mình tới trưng bày ở đây với mục đích chủ yếu là quảng bá cho người dân tại Hà Nội được biết đến những sản phẩm của địa phương mình, vì đây được coi là sản phẩm du lịch đặc thù của Ninh Thuận. Rất cảm ơn Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương, cụ thể là Trung tâm Khuyến công khu vực 1 đã hỗ trợ 100% kinh phí gian hàng để cho chúng tôi có cơ hội quảng bá sản phẩm của tỉnh mình tới người tiêu dùng”.

 

Hội chợ - Triển lãm thu hút đông đảo khách hàng tới tham quan. Ảnh Nguyễn Hoa

 

Ngay sau Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi thăm các gian hàng, nơi trưng bày những sản phẩm tranh cát Ý Lan, điêu khắc đá của nghệ nhân Nguyễn Long Bửu, tranh thêu tay của các nghệ nhân Huế, chạm bạc Thái Bình, đúc đồng Nam Định… Nói chuyện với các nghệ nhân, Phó Thủ tướng tỏ ý khen ngợi các sản phẩm do chính các nghệ nhân sáng tạo, thể hiện sự tìm tòi, nghiên cứu mẫu mã, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ Việt mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

 

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc hỗ trợ phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng cũng chính là cách để phát triển các làng nghề, các ngành nghề kinh tế nông thôn. Thông qua đó, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người nông dân, đồng thời nâng cao thu nhập, phát triển mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội vùng nông thôn một cách bền vững. Song, các địa phương, trong đó là các nghệ nhân cần chú ý tới công tác bảo đảm môi trường, phải ưu tiên đầu tư xây dựng các trạm, khu xử lý nước thải, chất thải.

 

Một gian hàng của Công ty cổ phần gốm Chu Đậu. Ảnh Nguyễn Hoa

 

Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ 2016 sẽ diễn ra đến hết ngày 29/8, tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội (khu di tích Hoàng Thành Thăng Long), số 9 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang