Thứ Bẩy, 27/04/2024 01:38:27 GMT+7

Tin đăng lúc 04-12-2017

Lượt xem: 3531

Khai thác tài nguyên - chưa được như kỳ vọng

Tài nguyên, khoáng sản là một trong những ngành mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, nhưng hầu như đến từ khai thác dầu khí với tỷ lệ trên 95%, trong khi đó những loại khoáng sản không tái tạo khác chỉ chiếm chưa đầy 4%. Đây chính là điều bất cập cần có giải pháp tháo gỡ triệt để.
Khai thác tài nguyên - chưa được như kỳ vọng
Phát triển công nghệ sản xuất năng lượng sạch ở Ninh Thuận để đảm bảo an ninh năng lượng

Thực trạng buồn

 

Theo đánh giá quốc tế và số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã khai thác nhiều loại khoáng sản ở quy mô lớn, nên trong tương lai gần sẽ có nhiều loại khoáng sản rơi vào tình trạng cạn kiệt. Vậy mà đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản lại rất khiêm tốn. Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy (giai đoạn 2011- 2013), số thu thuế tài nguyên (không kể dầu khí) đạt 0,9 - 1,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2015, số thu thuế tài nguyên đạt 11.129 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,22% tổng số thu ngân sách nhà nước. Tại nhiều địa phương, số thu thuế tài nguyên thậm chí không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản. Ví dụ năm 2016, Yên Bái thu được khoảng trên 100 tỷ đồng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường (đối với khoáng sản), tuy nhiên, nguồn thu này còn thấp, chưa tương xứng với quy mô khai thác, sự xuống cấp của hạ tầng, ảnh hưởng môi trường...

 

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính), chính sách thuế tài nguyên còn tồn tại nhiều bất cập như: Tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế và trốn thuế; thuế được tính dựa trên sản lượng tính thuế, giá tính thuế và thuế suất (mà sản lượng tính thuế do doanh nghiệp tự tính toán và kê khai giá bán); Thuế tài nguyên chủ yếu do UBND tỉnh quy định và có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương; Việc kiểm soát sản lượng khai thác và giá tính thuế hiện này còn rất yếu; Sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên - môi trường chưa hiệu quả; Nạn khai thác và xuất khẩu trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương gây thất thu ngân sách. Ông Emanuel Bria - Viện Quản trị tài nguyên Hoa Kỳ nhận định, các số liệu về số thu thuế tài nguyên cho thấy mức độ thất thu ngân sách từ khai thác tài nguyên ở Việt Nam khá cao. Đối với nhiều quốc gia, tỷ lệ thất thu trong khai thác tài nguyên là 5 - 25% GDP. Nếu lấy tỷ lệ thấp nhất là 5% GDP, hàng năm ngân sách của Việt Nam có thể mất tới 1 tỷ USD do các kẽ hở của chính sách thuế tài nguyên và quản lý thu chưa tốt.

 

Việt Nam không phải quốc gia giàu tài nguyên, đến nay hầu hết các mỏ khoáng sản được phát hiện đều đã và đang được khai thác với mục tiêu không gì khác hơn là lấy quặng để xuất khẩu. Mỗi năm, có hàng chục triệu tấn quặng thô được đưa lên tàu chở ra nước ngoài và mặc dù doanh số xuất khẩu khá lớn (trên 1 tỷ USD), nhưng phần nộp trực tiếp vào ngân sách quốc gia thì không đáng kể. Số liệu thống kê của Chính phủ cho thấy, thu ngân sách từ thuế tài nguyên đánh trên các loại khoáng sản kim loại và phi kim loại (trừ dầu khí), bình quân trong vài năm trở lại đây chỉ khoảng trên 450 tỷ đồng/năm. Qua đó cho thấy, hiệu quả mang lại đối với nền kinh tế từ việc khai thác tài nguyên chủ yếu chỉ là xuất khẩu dưới dạng thô là không nhiều. Đây là sự lãng phí lớn nếu tiếp tục kéo dài sẽ không còn cơ hội sửa chữa. Đó còn chưa tính đến những thiệt hại mà hoạt động khác gây ra cho môi trường.

 

Có phát huy tác dụng?

 

 

Ngành Dầu khí khai thác dầu trên thềm lục địa

 

Mặc dù, Pháp lệnh Thuế Việt Nam không chỉ được ban hành mà cũng đã sửa đổi, trong đó quy định khung thuế suất đối với việc khai thác các loại tài nguyên, khoáng sản với mức tối đa lên đến 20 - 30% cho các loại khoáng sản kim loại, phi kim loại và dầu khí. Nhưng trong thực tế, hoạt động này thường chỉ chịu một khoản thuế khiêm tốn 3 - 5%, là mức thấp nhất trong khung thuế suất. Đáng nói hơn, một trong những mục tiêu chính của Luật Thuế tài nguyên là thúc đẩy sử dụng tài nguyên, khoáng sản tiết kiệm và hiệu quả, nhưng khung thuế suất cũng như các mức thuế cụ thể chỉ áp dụng chung cho hoạt động khai thác, mà không phân biệt mục tiêu khai thác để làm nguyên liệu sản xuất hay xuất khẩu trực tiếp. Như chúng ta đã biết, đưa khoáng sản vào chế biến sẽ hiệu quả hơn. Rõ ràng, quy định như vậy là gián tiếp khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu dưới dạng thô và không có lợi cho phát triển công nghiệp chế biến, nhất là đối với những sản phẩm mà xuất khẩu trực tiếp được đánh giá hơn so với bán cho các cơ sở công nghiệp (ví như than đá). Ngoài ra, luật cũng không có tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả khai thác, do thuế chỉ được tính trên lượng tài nguyên khai thác được mà không tính đến tỷ lệ thu hồi. Hiện nay tỷ lệ thất thoát trong hoạt động khai thác khoáng sản nói chung rất lớn, đến 40 - 45%. Thiệt hại này chủ yếu do công nghệ khai thác lạc hậu và manh mún. Đây là sự lãng phí rất lớn.

 

Dù sao, Luật Thuế tài nguyên cũng khắc phục được một số nhược điểm của Pháp lệnh Thuế tài nguyên như: Thuế được căn cứ trên sản lượng tài nguyên khai thác, thay vì tính theo sản lượng thương phẩm (nghĩa là số thực bán); Danh mục các loại tài nguyên chịu thuế được quy định khá chi tiết và không còn chung chung, nhờ đó sẽ hạn chế được tình trạng lách luật hoặc suy diễn luật; Đồng thời, danh mục mới còn được bổ sung một số loại tài nguyên như đá, cát sỏi và các loại vật liệu dùng sản xuất gạch ngói, gạch ốp lát, xi măng, thủy tinh... mà trước đây chưa được đề cập trong Pháp lệnh Thuế tài nguyên.

 

Áp dụng thuế suất theo hướng “bám sàn” như trong nghị định hướng dẫn, chắc chắn sẽ không thể khắc phục được tình trạng lãng phí, sử dụng kém hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và xu hướng xuất khẩu dưới dạng thô. Tăng thuế có thể làm ngân sách thất thu trong ngắn hạn, nhưng thiệt hại đó không đáng kể so với hiệu quả to lớn sẽ thu được trong tương lai (khi năng lực và trình độ của ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam phát triển). Vì vậy, Luật Thuế tài nguyên ra đời, mục tiêu chính không phải tăng nguồn thu ngân sách, mà chủ yếu nhằm bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế bền vững về lâu dài. Đây cũng là kỳ vọng của nhiều chuyên gia kinh tế và nhà khoa học./.

 

 Anh Thư


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang