Thứ Sáu, 03/05/2024 23:58:36 GMT+7

Tin đăng lúc 31-08-2016

Lượt xem: 2481

“Không vì thu hút đầu tư mà đánh đổi môi trường”

Đây chính là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ hồi tháng 6 vừa qua. Có thể thấy rằng, thông điệp của người đứng đầu Chính phủ là rất mạnh mẽ và quyết liệt. Đó cũng là định hướng cho việc thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường của nước ta trong thời gian tới.
“Không vì thu hút đầu tư mà đánh đổi môi trường”
Hy sinh môi trường để đổi lấy đầu tư là lựa chọn đau đớn

Thời gian qua, một sự kiện đáng chú ý gây xôn xao dư luận đó là việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển gây ra tình trạng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung. Nguyên nhân thì đã được các cơ quan chức năng công bố công khai sau một thời gian khá dài tìm kiếm. Công ty Formosa Hà Tĩnh đã xả thải ra biển các độc tố như: Phenol, xyanua… làm sinh vật biển từ Hà Tĩnh vào tới Thừa Thiên Huế chết hàng loạt, nhất là tầng đáy, khiến hơn 100 tấn cá biển và các loại hải sản khác, cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, gây thiệt hại không chỉ với người dân 4 tỉnh miền Trung mà còn với người dân cả nước. Formosa Hà Tĩnh đã công khai xin lỗi người dân vì những gì họ đã làm với biển miền Trung và hứa sẽ bồi thường thiệt hại kinh tế, hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý môi trường biển với tổng số tiền 500 triệu USD tương đương 11.500 tỷ đồng. Tuy nhiên qua sự việc này, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường tại nước ta.

           

Văn bản luật chưa đủ mạnh hay sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa tốt?

           

Có lẽ đây chính là những lỗ hổng lớn nhất dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều vụ vi phạm pháp luật về môi trường.

           

Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, luật của chúng ta hiện nay đang có vấn đề và người thực hiện cũng có vấn đề. Chúng ta có khá nhiều luật, nếu không muốn nói là quá nhiều luật. Tuy nhiên, luật này có hạn chế. Đó là sự thiếu đồng bộ, thiếu coi trọng tính hai mặt của chính sách, nặng về tiền kiểm mà chưa coi trọng hậu kiểm, đặc biệt còn thụ động chạy theo kết quả xử lý, không chủ động ngăn chặn từ đầu. Đây là một trong những điểm yếu nhất của luật Việt Nam liên quan đến môi trường. Bên cạnh đó, chưa quy trình hóa quá trình giám sát. Quy trình có thể bị cắt xén, bỏ qua khi thực thi. Ngoài ra, chúng ta còn yếu công nghệ để giám sát, thẩm định về công nghệ môi trường, thậm chí việc giám sát chỉ là hình thức. Hiện nay, nhiều địa phương đang có hiện tượng nhầm lẫn giữa việc bảo đảm yếu tố nhanh nhẹn, hấp dẫn trong thủ tục hành chính cấp phép dự án FDI với việc thả nổi, tạo kẽ hở dẫn đến hút những dự án không cần thiết, để lọt lưới dự án kém chất lượng.

           

Theo quy định hiện hành, mức xử phạt tối đa cho một hành vi gây ô nhiễm lên tới 2 tỷ đồng. Nhiều nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động một thời gian vì gây ô nhiễm. Tuy nhiên, vấn đề là có những nhà máy bị xử phạt nhiều lần nhưng đâu lại vào đó. Số vụ vi phạm gần đây tăng gấp 3 so với cách đây 5 năm, thế nhưng mấu chốt vấn đề là không một cá nhân nào bị quy trách nhiệm trong những vụ việc này. Nhiều vụ việc vi phạm môi trường nghiêm trọng đã xảy ra, thế nhưng cũng chưa có một trường hợp nào bị xử phạt hình sự cả.

             

Phải làm sao để không đánh đổi môi trường vì sự phát triển?

           

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia được hưởng lợi lớn từ TPP. Trước khi hiệp định này được ký kết, Việt Nam đã đón nhận làn sóng đầu tư đón đầu của các doanh nghiệp FDI, trong đó, tập trung nhiều vào các ngành hàng nguyên phụ liệu. Đã có hơn 2,5 tỷ USD đổ vào ngành dệt may và da giày, trong bối cảnh này, chúng ta đã nói nhiều đến cơ hội, tuy nhiên thách thức cũng không hề nhỏ, trong đó có thách thức về môi trường.

           

Các chuyên gia quốc tế cảnh báo, trong tương lai nếu không kiểm soát tốt môi trường thì với mỗi 1% tăng trường GDP, Việt Nam sẽ thiệt hại 3% GDP do ô nhiễm. Nếu tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt cho cả hiện tại lẫn tương lai. Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: Nghiên cứu ở một số ngành như Dệt may, da giày, hóa chất, sản xuất máy móc cho thấy, chỉ 5% DN FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại là sử dụng công nghệ thấp. Cuối năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra cảnh báo đó là phải cân nhắc đến nguy cơ ô nhiễm môi trường và các địa phương cũng cần cân nhắc khi họ chấp thuận, phê duyệt một dự án đầu tư tại địa phương mình.

           

Đã có những động thái cứng rắn khi mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không đồng ý cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án của DN FDI trong lĩnh vực dệt may và da giầy có quy mô hàng trăm triệu USD tại 2 tỉnh phía Bắc với lý do được đưa ra là không đảm bảo được tiêu chuẩn về công nghệ bảo vệ môi trường. Tỉnh Bắc Ninh cũng đã từ chối đến 20% DN đăng ký đầu tư trong vòng 5 tháng đầu năm 2016, do đã không đảm bảo điều kiện về xử lý môi trường. Năm 2015, Bắc Ninh là tỉnh dẫn đầu của cả nước trong thu hút FDI. Tuy nhiên, phương châm xuyên suốt của tỉnh này trong nhiều năm qua vẫn là “nghèo bình yên còn hơn giầu không an toàn, không vì phát triển mà đánh đổi lấy môi trường”.

           

Theo các chuyên gia, để kiểm soát được vấn đề môi trường thì việc quan trọng trước hết đó là phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành trong vấn đề chấp nhận cấp phép cho một dự án đầu tư. Trong đó, việc thẩm định đánh giá môi trường cần phải được thực hiện nghiêm túc chứ không thể coi đó là việc làm qua loa, nhằm hợp thức hóa việc cấp phép. Thủ tục cấp phép có thể tiếp tục phân cấp và làm cho đơn giản hóa, nhưng việc đánh giá môi trường, đặc biệt là đối với các dự án lớn như: Gang thép, dệt may, giấy – những ngành có nguy cơ độc hại cao, thì phải làm rất nghiêm, có quy trình đặc biệt riêng mà mang cấp quốc gia. Tiếp đến, cần phải có tiêu chuẩn về công nghệ và môi trường một cách rõ ràng, bởi khi có những tiêu chuẩn này rồi thì chúng ta mới có thể dễ dàng kiểm soát và lựa chọn các nhà đầu tư có chất lượng. Cùng với đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân, của doanh nghiệp và cả các cán bộ làm công tác hoạch định chính sách. Trong quá trình triển khai phải thường xuyên kiểm tra giám sát về môi trường, đặc biệt là ở các địa phương.

           

Từ thảm họa cá chết ở miền Trung cho tới các hành vi vi phạm pháp luật khác trong việc xả thải ra môi trường của các dự án lớn, nhỏ thời gian qua, có lẽ đến nay vẫn khó có thể thống kê được còn bao nhiêu đường ống xả thải đang ngày đêm xả chất độc hại ra môi trường mà chưa được xử lý. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn những lỗ hổng trong thực thi bảo vệ môi trường, từ khâu quy hoạch đến khâu lập dự án phê duyệt và kiểm soát trong quá trình vận hành. Phải thừa nhận rằng hội nhập thu hút đầu tư FDI mang lại động lực tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, rủi ro về môi trường mà nó mang lại là không hề nhỏ. Bài học thì đã có quá nhiều, đã đến lúc cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ và thực sự, nếu không thì sự trả giá là không hề nhỏ./.

 

Như Quỳnh (thực hiện)

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang