Thứ Bẩy, 04/05/2024 07:08:48 GMT+7

Tin đăng lúc 21-01-2017

Lượt xem: 2400

Khuyến công: Động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hiện đại hóa công nghiệp nông thôn

Những năm qua, đặc biệt là năm 2016, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương, chương trình khuyến công quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và được đánh giá là một trong những chương trình kinh tế đạt hiệu quả cao, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT).
Khuyến công: Động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hiện đại hóa công nghiệp nông thôn
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm - Hội chợ

Điểm sáng của công tác khuyến công

 

Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ban hành về việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các cơ quan đơn vị trong toàn quốc triển khai có hiệu quả chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách, các Đề án khuyến công được phê duyệt, đồng thời bám sát các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất CNNT để tháo gỡ kịp thời những khó khăn và triển khai các nội dung chương trình phù hợp với từng đơn vị, nhờ vậy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2016, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của các tỉnh, thành trên cả nước là trên 230 tỷ đồng, trong đó, tổng kinh phí khuyến công quốc gia đã giao là 103.706,57 triệu đồng. Kết thúc năm, nhiều tỉnh, thành phố đã hoàn thành tốt các đề án khuyến công được giao với tổng kinh phí là 102.898,37 triệu đồng, đạt 99,22% kế hoạch, trong đó nổi bật là các địa phương: Hà Nội, Ninh Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Bình Thuận...

 

Các đề án triển khai thực hiện trong năm đều phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển của ngành, lợi thế của từng địa phương; nguồn kinh phí khuyến công quốc gia được sử dụng đúng mục đích đã đem lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương; đặc biệt là mang lại nhiều lợi ích cho DN, cơ sở sản xuất CNNT, giúp các cơ sở sản xuất xác định đầu tư đúng hướng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường, mở rộng SXKD, từ đó phát triển ổn định bền vững và từng bước tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế.

 

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì chương trình khuyến công quốc gia đã phát huy tốt vai trò khuyến khích các cơ sở CNNT mạnh dạn mở rộng đầu tư sản xuất, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giúp cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, chương trình cũng ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm của các cơ sở CNNT, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ ở những vùng kinh tế còn khó khăn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thông theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Một trong những đề án khuyến công quốc gia nổi bật năm 2016 được Cục CNĐP tổ chức thành công, đó là chuỗi các sự kiện về phong tặng “Nghệ nhân Nhân dân - Nghệ nhân Ưu tú”; “Bảng vàng Gia tộc nghề truyền thống Việt Nam” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và “Triển lãm – Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016”. Các sự kiện đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, đáng trân trọng và đầy cảm xúc trong mỗi tập thể, cá nhân, gia tộc được vinh danh. Đây được đánh giá là hoạt động ý nghĩa, thiết thực để ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của các Nghệ nhân, gia tộc đã và đang cống hiến tài năng, sức lực cho việc khôi phục, duy trì, sáng tạo và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam.

 

Các Nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú

 

Thời gian tới, để khuyến khích, động viên các Nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tiếp tục phát huy tay nghề, sáng tạo và chế tác ra các tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và lĩnh vực thủ công mỹ nghệ nói riêng, Bộ Công Thương sẽ có những chính sách ưu đãi để hỗ trợ các Nghệ nhân. Bên cạnh đó, cũng có những hỗ trợ đối với các DN, cơ sở sản xuất tại các làng nghề trong việc đầu tư phát triển mở rộng SXKD, mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, qua đó, góp phần thúc đẩy khu vực làng nghề phát triển hơn nữa.

 

Để hoạt động khuyến công ngày càng đi vào chiều sâu

 

Mặc dù công tác khuyến công trong năm qua đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, song vẫn còn đó không ít những khó khăn. Ở một số địa phương, hoạt động khuyến công chưa được chú trọng đúng mức, cán bộ làm công tác khuyến công thường là kiêm nhiệm nên chưa phát huy được hết hiệu quả của các hoạt động khuyến công; nhiều DN, cơ sở CNNT năng lực quản lý và cạnh tranh thấp, có những nơi đơn vị thụ hưởng không bố trí được kinh phí để thực hiện đầu tư, dẫn đến việc nhiều đề án không thể triển khai theo kế hoạch…

 

Nhằm khắc phục những tồn tại trên và để các hoạt động khuyến công ngày càng  đi vào chiều sâu, phát triển có hiệu quả hơn nữa, Cục CNĐP đã quán triệt đến các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định 45/2012/NĐ-CP và Quyết định 1228/QĐ-TTg. Trong đó, hoạt động khuyến công phải bám sát quy hoạch phát triển của đất nước, của từng địa phương, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh các nguồn lực sẵn có về tài nguyên, thị trường và lao động để thúc đẩy CNNT phát triển. Đặc biệt, cần xây dựng các chương trình đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, nhằm tạo ra những bước chuyển biến rõ rệt. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành và khu vực để có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công tác khuyến công. UBND các tỉnh, thành phố cần tạo điều kiện bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, bổ sung thêm biên chế, đầu tư cơ sở vật chất, nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp ở các địa phương theo hướng chuyên nghiệp hóa, từ đó có thể triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công trên địa bàn.

 

Với việc xác định rõ những tồn tại yếu kém, đặt ra những mục tiêu rõ ràng, từ đó có những giải pháp căn cơ cho giai đoạn tới, tin tưởng rằng các hoạt động khuyến công sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, hỗ trợ trúng và đúng, đem lại hiệu quả thiết thực hơn cho các cơ sở CNNT, góp phần thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, qua đó, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra./.

 

Đoàn Mạnh Trường

Trưởng phòng Quản lý Khuyến công - Cục Công nghiệp địa phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang