Thứ Sáu, 26/04/2024 15:46:57 GMT+7

Tin đăng lúc 05-02-2018

Lượt xem: 3033

Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội tăng: Tín hiệu mừng

Ngay trong tháng đầu tiên năm mới 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Hà Nội đã tăng trưởng vượt bậc, tuy nhiên để đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tăng 7,5 – 8% so với thực hiện năm 2017 đòi hỏi trong những tháng tiếp theo ngành công thương Hà Nội và các DN phải nỗ lực hơn nữa.
Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội tăng: Tín hiệu mừng
Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty Meiko, Khu công nghiệp Thạch Thất

Kim ngạch xuất khẩu tăng 24% ngay trong tháng đầu năm

 

Trong tháng 1/2018 kim ngạch XK của Hà Nội  đạt 1.047 triệu USD, tăng 24% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế Nhà nước đạt 139 triệu USD tăng 9,8%; kinh tế ngoài Nhà nước ước đạt 352 triệu USD tăng 16,6%; khu vực DN FDI đạt 556 triệu USD và tăng 33,6%. Đặc biệt, mặc dù là tháng đầu tiên của năm 2018 nhưng tất cả các nhóm hàng XK chủ lực đều tăng trưởng mạnh mẽ, Trong đó, hàng nông sản tăng 13,6%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 68,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,7%; máy móc thiết bị phụ tùng tăng 21,8%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 25% so cùng kỳ năm 2017…

 

Kim ngạch XK Hà Nội trong thời gian qua tăng trưởng đáng kể cho thấy DN đã tận dụng được đà phục hồi những nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc. Quan trọng hơn là Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN đẩy mạnh XK thông qua Chương trình kết nối ngân hàng – DN và thực hiện các chính sách thuế, đất đai, khuyến khích DN ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ  vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ.


Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Gia Phương cho biết: Nhằm hỗ trợ các DN mở rộng thị trường XK, quảng bá thương hiệu sản phẩm, HPA đã liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến nước ngoài thông qua việc tham gia các hội chợ quốc tế có quy mô lớn. Trong đó đặc biệt chú trọng tới những thị trường Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời đón các đoàn DN quốc tế vào giao dịch thương mại tại Hà Nội, qua đó hỗ trợ các làng nghề, DN nông sản, dệt may tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ sản phẩm.

 

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

 

Mặc dù đã có sự tăng trưởng đáng kể ngay trong tháng đầu năm mới nhưng để kim ngạch XK năm 2018  tăng 7,5 – 8% so với thực hiện năm 2017 như chỉ tiêu đã được UBND TP đặt ra là điều không dễ dàng khi các đối tác yêu cầu cao về kỹ thuật, DN không ký kết được hợp đồng dài hạn. Với mặt hàng nông sản, Trung Quốc đã siết chặt kiểm dịch thực vật nên nông sản XK sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Đối với thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản cũng gặp nhiều rào cản về yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng và VSATTP. Ngoài ra XK vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khu vực DN FDI  trong đó nhóm các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo với giá trị gia tăng cao vẫn chủ yếu do các DN FDI chiếm lĩnh.

 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết: Trong thời gian tới, Sở và UBND TP Hà Nội tiếp tục đồng hành hỗ trợ DN, nguồn vốn vay, tiếp cận thị trường. Cụ thể, tăng cường hoạt động giao thương xúc tiến thương mại tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đức. Đồng thời đón các đoàn DN nhập khẩu nước ngoài vào giao dịch qua đó hỗ trợ DN đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. “Ngay trong những ngày đầu tháng 2/2018, HPA đã tổ chức đoàn DN tham gia hội chợ Hội chợ quốc tế về hàng tiêu dùng tổ chức tại Đức, tạo cơ hội cho các DN sản xuất hàng thủ công, quà tặng quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, nâng cao kim ngạch XK” - ông Nguyễn Thanh Hải nêu ví dụ. Đồng thời Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành. Đặc biệt, trong quá trình tái cơ cấu ngành hàng XK sẽ chú trọng tiêu chí nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của đầu tư, khả năng tham gia của DN vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Các chuyên gia nhận định, muốn tăng kim ngạch XK, bên cạnh sự hỗ trợ của TP, DN cần tham gia trực tiếp vào một số khâu trong quá trình sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, không nên dừng ở mức XK nguyên liệu thô. Đồng thời chủ động đổi mới mẫu mã hàng hóa phù hợp thị hiếu của từng thị trường, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu cũng như thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác DN với nhau. Ngoài ra DN cần tận dụng cơ hội XK mà các Hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam đã ký kết.

 

Nguồn Kinhtedothi


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang