Thứ Sáu, 26/04/2024 14:59:19 GMT+7

Tin đăng lúc 14-05-2020

Lượt xem: 1428

Làm gì để doanh nghiệp CNHT nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu?

Đó là vấn đề “nóng” mà ngành Công Thương đang phải tập trung giải quyết, nắm bắt cơ hội và đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) hiện nay. Bởi "bão Covid-19” đổ bộ vào Việt Nam khoảng 4 tháng qua, đã gây thiệt hại nặng nề cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp CNHT nói riêng.
Làm gì để doanh nghiệp CNHT nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu?
Cần sớm có các giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực CNHT đặc thù

Thực tế hiện nay cho thấy, số doanh nghiệp lĩnh vực CNHT còn rất hạn chế, mới chỉ có một số doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện, nguyên phụ liệu đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu và yếu về quy mô và năng lực, các sản phẩm chủ yếu là linh phụ kiện đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Bởi vậy, khi chuỗi cũng ứng toàn cầu thay đổi lớn từ tác độc dịch COVID-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt nhanh chóng tận dụng, chen chân vào chuỗi giá trị đang “khép kín”. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội đó, bên cạnh nỗ lực mọi mặt của chính mình, đương nhiên các doanh nghiệp CNHT rất cần sự chung sức, hỗ trợ nhanh chóng kịp thời của Chính phủ, các ban, ngành, đơn vị chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương.

 

Theo đó, xác định CNHT là một trong những ngành bị tác động sớm và nặng nề của Covid-19. Ngay từ những ngày đầu, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm vực dậy sản xuất công nghiệp trong nước. Trước ảnh hưởng khác nhau của dịch bệnh đến từng nhóm ngành sản xuất CNHT, Bộ Công Thương cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù đủ mạnh thực chất để giúp các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo Bộ Công Thương, bên cạnh tiếp tục xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn, hỗ trợ thông quan cho các doanh nghiệp, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ để đẩy mạnh thêm các giải pháp hỗ trợ đặc thù về tín dụng, tài chính, thuế phí. Trong đó, có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu còn rất khó khăn vì dịch bệnh. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất Chính phủ trực tiếp ban hành các gói hỗ trợ để tiếp sức cho doanh nghiệp công nghiệp trong giai đoạn đặc thù này.

 

Ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “Việc phát triển ngành CNHT là một chính sách nhất quán của Đảng và Chính phủ cũng như là Bộ Công Thương trong quá trình phát triển kinh tế. Hiện nay, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp đã thực hiện quyết liệt phát triển ngành CNHT bằng những giải pháp, cơ chế thích hợp. Rõ ràng, muốn để nâng cao nhanh được trình độ doanh nghiệp sản xuất trong nước, tham gia được nhanh vào chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt là những chuỗi phức tạp như linh kiện điện tử, ô tô.., thì rõ ràng chúng ta phải tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì mới rút ngắn được thời gian đó…”.

 

 

Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm phát triển CNHT

 

Đối với ngành Dệt May, Bộ Công Thương đề xuất chỉ đạo hệ thống ngân hàng có giải pháp hỗ trợ giảm tỷ lệ ký quỹ, giảm phí thanh toán quốc tế đối với doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên liệu, hỗ trợ kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng…Với ngành Ô tô, Bộ đề xuất sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ô tô sản xuất trong nước, nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ô tô cũng như CNHT cho ngành Ô tô tại Việt Nam trong dài hạn. Bộ Công Thương cho rằng, cần sớm thông qua các Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, tập trung thúc đẩy, đầu tư phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là CNHT và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản, quan trọng như thép cán nóng, sản xuất vải, dệt nhuộm hoàn tất vải, vật liệu mới. Mặt khác, Bộ đề xuất sửa đổi quy định về việc hoàn thuế giá trị gia tăng có thời hạn, không thực hiện hoàn thuế theo phương pháp khấu trừ như hiện nay đối với máy móc thiết bị nhập khẩu của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ và các ngành công nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất cùng với những đề xuất chính sách tài chính.

 

Về phần mình, Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến cuối năm, sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm; Phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước. Qua đó, huy động sự tham gia tổng lực nhằm phục hồi và phát triển CNHT, góp phần tăng tính chủ động cho sản xuất công nghiệp…

 

Thanh Thảo


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang