Thứ Bẩy, 27/04/2024 07:31:59 GMT+7

Tin đăng lúc 21-10-2016

Lượt xem: 2427

Làm giàu bền vững

Mới đây, Bloomberg đưa ra nhận xét: Samsung đã giúp nhiều nông dân Việt thành tỷ phú. Thực tế có đúng vậy?
Làm giàu bền vững
Gắn kết doanh nghiệp và nhà nông giúp nhiều nông dân thị trấn nông trường Mộc Châu trở thành tỷ phú nhờ nuôi bò sữa. Ảnh Internet

7 năm trước, Samsung tới Bắc Ninh, chuyển những vùng đất trồng lúa thành nhà máy sản xuất điện thoại thông minh, khiến nơi đây “thay da đổi thịt”, trở thành trung tâm xuất khẩu lớn thứ 2 trong cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh.

 

Và, đã có khoảng 2.000 khách sạn, nhà hàng được mở trong giai đoạn 2011-2015, bên cạnh đó là hàng nghìn nhà trọ, cửa hiệu tạp hóa do người dân mở ra đáp ứng nhu cầu của 45.000 công nhân làm việc tại nhà máy Samsung. Có những người chỉ cung cấp rau, trứng và thịt cho các quán ăn có thu nhập cao, mua được mảnh đất hàng tỷ đồng. Hoặc, có người chỉ cho thuê phòng trọ, bán rau củ cho công nhân cũng có thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm...

 

Tuy nhiên, đó chỉ là sự “ăn theo” kiểu “hưởng lộc trời”, ở nhiều khu công nghiệp khác cũng có. Nơi thực sự tạo nên những tỷ phú nông dân không phải là Bắc Ninh mà là... vùng núi cao - thị trấn Nông trường Mộc Châu, “điểm sáng” của mô hình nuôi bò sữa thành công.

 

Hiện thị trấn Nông trường Mộc Châu có khoảng 600 hộ nuôi bò sữa, hộ nuôi ít 20-30 con, hộ nuôi nhiều trên dưới 200 con, hầu hết đều là tỷ phú, bởi chỉ riêng số bò quy đổi ra tiền cũng lên đến hàng tỷ đồng. Thu nhập của các hộ nuôi bò ổn định, thấp nhất cũng 35-40 triệu đồng/hộ/tháng, cao hơn tới 200 triệu đồng/hộ/tháng.

 

Thành công đó có được là nhờ sự gắn kết chặt chẽ giữa “hai nhà” - nhà doanh nghiệp và nhà nông - trong đó lợi ích của nhà nông được đặt lên hàng đầu. Thực ra, nói thì to tát, thực tế lại chỉ là những điều doanh nghiệp vẫn làm bình thường nếu có “tâm” với nông dân.

 

Ví dụ, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mocchaumilk) bao tiêu toàn bộ sản phẩm, bảo hiểm vật nuôi và giá sữa, hỗ trợ giá thức ăn, cho vay 50-70% vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Phí bảo hiểm vật nuôi tới 400.000 - 600.000 đồng/con/năm, nhưng khi bò chết và bị thải loại sẽ được “đền” số tiền cao gấp cả chục lần...

 

Ở chiều ngược lại, những người nuôi bò sữa trích nộp vào quỹ bảo hiểm 50 đồng/kg sữa mỗi khi bán sữa cho công ty. Nếu giá sữa sụt giảm 30%, quỹ bảo hiểm sẽ hỗ trợ nông dân 60% số tiền sữa bị giảm. Nhờ đó các hộ dân nuôi bò sữa không bao giờ thua lỗ khi giá sữa sụt giảm...

 

Thị trấn Nông trường Mộc Châu bây giờ nhà cao tầng mọc lên san sát. Dân thị trấn không còn cưỡi ngựa, đi xe đạp mà chuyển sang đi xe máy, sắm xe hơi - kết quả của phương cách gắn kết “hai nhà”, làm giàu bền vững.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang