Thứ Hai, 29/04/2024 16:06:55 GMT+7

Tin đăng lúc 02-10-2023

Lượt xem: 1425

Làm thế nào để tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển?

Các chính sách ưu đãi được xây dựng rõ ràng đi kèm với chiến lược thu hút đầu tư bài bản chính là điều kiện tốt để các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp cũng như lĩnh vực CNHT.
Làm thế nào để tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển?
Các doanh nghiệp CNHT cần được tạo thêm nhiều cơ hội phát triển

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch thực hiện chương trình phát triển CNHT trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN CNHT, tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các DN phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút các DN trong nước và nước ngoài vào đầu tư; kết nối DN tham gia các chuỗi sản xuất.

 

Theo bà Lan, thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể hằng năm, các cơ chế chính sách phát triển CNHT đã được triển khai rộng khắp đến các DN và phát huy tác dụng tích cực. Những năm qua, số DN CNHT trên địa bàn thành phố liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực ngành nghề tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: Sản xuất linh kiện, phụ tùng, điện - điện tử; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày.

 

Trong đó, cơ khí chế tạo và linh kiện, phụ tùng là nhóm DN chủ chốt được tập trung đầu tư nhiều nhằm hướng đến cung cấp sản phẩm CNHT cho hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực công nghiệp chế tạo sử dụng các loại linh kiện trên.

 

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 950 DN hoạt động trong các lĩnh vực CNHT, trong đó, có khoảng 300 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

 

Để từng bước đạt được mục tiêu đề ra, thành phố cũng đưa ra 6 giải pháp thực hiện như: Kết nối, hỗ trợ DN CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài; hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng và công bố thông tin về CNHT hàng năm…

 

Cùng với đó, Thành phố cũng duy trì tổ chức các Hội chợ CNHT nhằm kết nối các DN của địa phương và các tỉnh, thành phố, các DN nước ngoài; hỗ trợ DN CNHT trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại.

 

Với các DN CNHT tham gia các chương trình hội chợ, kết nối giao thương, thành phố hỗ trợ 150 triệu đồng/đơn vị đồng thời hỗ trợ tối đa tới 50% chi phí đầu tư cho dự án đổi mới công nghệ. Bên cạnh các giải pháp về tài chính, việc đầu tư hạ tầng, hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp chuyên biệt để thu hút các nhà đầu tư, DN.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: “Vai trò của các địa phương cũng ngày càng trở nên rõ nét thông qua việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như ban hành các chính sách, phân bổ nguồn lực để phát triển kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và CNHT. Với những thế mạnh sẵn có, các địa phương hiện còn nhiều dư địa cũng như cách làm riêng để thu hút các DN FDI đến đầu tư và cùng phát triển, mở rộng mạng lưới các DN sản xuất công nghiệp, đặc biệt là CNHT, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế”.

 

Các địa phương đóng vai trò “bà đỡ” quan trọng giúp doanh nghiệp CNHT phát triển 

 

Từ năm 2015, Thái Nguyên cũng đã bắt đầu xây dựng đề án thúc đẩy phát triển CNHT. Tuy nhiên, đến nay lĩnh vực CNHT vẫn chưa thực sự phát triển do chưa được luật hóa, công tác quản lý quy hoạch, chiến lược phát triển, đặc biệt là trong khâu quản lý và liên kết vùng còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp còn phân tán trong khi phần lớn DN đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT là DN nhỏ và vừa dẫn đến bị hạn chế về nhân sự, nguồn lực tài chính, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

 

Nhiều chuyên gia cho biết, một trong những giải pháp giúp CNHT cất cánh là Bộ Công Thương sớm hoàn thiện Luật Phát triển công nghiệp và thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp quốc gia. Điều đó sẽ giúp tập trung phát triển quỹ đất công nghiệp, nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối cung - cầu... giúp các DN tham gia được sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI), việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm là cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển công nghiệp của Việt Nam. "Xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ giúp tạo ra những điều kiện thuận lợi để các ngành công nghiệp trọng điểm cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Điều này đồng thời tăng cường vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế", ông Sáng đánh giá.

 

Là một trong các ngành công nghiệp được nhắc tới trong Dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) kiến nghị một số chính sách nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp dệt may trong ngắn hạn. Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam mong muốn cơ quan chức năng tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu. “Các DN dệt may đề xuất ngân hàng cung cấp gói vay ưu đãi với lãi suất 0% để hỗ trợ DN trong việc trả lương cho người lao động. Điều này giúp giảm bớt chi phí tài chính cho DN và tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì và phát triển nhân sự”, đại diện VITAS kiến nghị.

 

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cộng đồng DN Việt Nam đang rất cần chính sách mới để tạo sức bật và thúc đẩy phát triển bền vững. Những chính sách này cần tập trung vào hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nhất là DN thuộc các ngành công nghiệp trọng điểm, thúc đẩy sự liên kết ngành và nâng cao chất lượng sản xuất. Các chính sách được đưa ra sẽ khuyến khích các DN đầu tư trong nước, nhất là đầu tư vào ngành công nghiệp có vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ đối với đầu tư và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan có thể thu hút các dự án đầu tư mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.

 

Minh Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang