Thứ Hai, 29/04/2024 14:48:09 GMT+7

Tin đăng lúc 28-05-2021

Lượt xem: 642

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4: Sức ép cho mục tiêu tăng trưởng

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó tập trung tại các khu công nghiệp đang tạo ra sức ép lớn đối với Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội đề ra cũng như kỳ vọng của các tổ chức quốc tế.
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4: Sức ép cho mục tiêu tăng trưởng
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4: Sức ép cho mục tiêu tăng trưởng

Bối cảnh đã thay đổi

 

Kết thúc quý I/2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 4,48% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó là các chỉ số kinh tế vĩ mô có nhiều tín hiệu tích cực, sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể.


Trước những diễn biến tích cực đó, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã đưa ra những đánh giá rất lạc quan, cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5%. Thậm chí, nhiều tổ chức kinh tế thế giới còn dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt mức cao hơn mục tiêu đề ra.

 

Cụ thể, Báo cáo Triển vọng châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được công bố vào cuối tháng 4/2021 đã dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay có thể đạt 6,7%. Hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt 6,5% và đạt 7,2% trong năm 2022.

 

Tuy nhiên, đó là những dự báo được đưa ra trước khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, còn bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Vì thế, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – cho rằng: Chúng ta đã đạt được thành công trong thực hiện “mục tiêu kép” trong năm 2020. Nhưng bây giờ, bối cảnh đã khó khăn hơn rất nhiều. Trong khi đó, dư địa của chính sách tài khóa, tiền tệ lại đang bị thu hẹp sau một thời gian dài tích lũy, nhưng nguồn lực đã phải dùng để chống chịu, ứng phó với dịch Covid-19. Cộng đồng doanh nghiệp thì đã chống chịu hết sức kiên cường từ năm 2020, nhưng khả năng chống chịu vẫn còn yếu. Vì vậy, để đạt được dự báo tiêu tăng trưởng theo kỳ vọng của các tổ chức quốc tế đưa ra trong năm 2021 là vô cùng thách thức.

 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Thanh Vân – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV – cho rằng: Dự báo tăng trưởng mà các tổ chức quốc tế đưa ra cho Việt Nam là dựa trên tính toán ở trạng thái tĩnh, còn bây giờ chúng ta lại đang bàn ở trạng thái động. Cụ thể ở đây là sự tác động của làn sóng dịch Covid-19 với biến thể mới, lây lan nhanh hơn. Vì thế phải làm tốt công tác chống dịch thì mới bàn đến tăng trưởng kinh tế.

 

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn

 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 đối với Việt Nam hiện nay là vô cùng khó khăn, nhất là khi dịch Covid-19 đang tập trung tại nhiều địa phương, trong đó có những ổ dịch tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa, chuỗi sản xuất có thể bị đứt gãy, nếu như không kiểm soát được dịch bệnh. Theo đó, tập trung kiểm soát dịch bệnh là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay, đây cũng là nhiệm vụ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

 

Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Để kiểm soát Covid-19 hiệu quả, Chính phủ mới đã ưu tiên việc tiêm chủng vắc-xin lên hàng đầu, theo đó Thủ tướng đã quyết định huy động các nguồn lực xã hội để có đủ vắc-xin chống Covid-19 trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế. Chủ trương này không chỉ giúp huy động nguồn lực xã hội vào nhiệm vụ phòng, chống dịch mà còn tạo nên sự gắn kết xã hội rất tốt.

 

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, để giảm sức ép cho tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nhanh với các gói hỗ trợ, giảm bớt khó khăn và ổn định sản xuất, kinh doanh. Muốn làm được như vậy, các quy định của nhà nước cũng cần linh hoạt hơn trong điều kiện dịch bệnh, đảm bảo cho doanh nghiệp xây dựng được một mô hình kinh doanh linh hoạt, có khả năng chống chịu tốt nhất.

 

“Bởi bên cạnh vắc-xin y tế, cộng đồng doanh nghiệp còn cần có một vắc-xin thể chế, cần có hệ thống chính sách hợp lý để tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp, từ đó tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Dự báo của thế giới đưa ra trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam, cho nên những con số dự báo đó khó đạt được kỳ vọng, cùng với đó quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế trong nước sẽ trở nên khó khăn hơn.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang