Thứ Bẩy, 04/05/2024 05:17:27 GMT+7

Tin đăng lúc 23-04-2024

Lượt xem: 408

Làng rèn Tất Tác xứ Thanh: Khẳng định thương hiệu cho riêng mình

“Muốn ăn cơm trắng cá thèn. Lên đây quẫy bễ đi rèn với anh”. Câu ca dao xưa đã đi vào lòng người Xứ Thanh và là niềm tự hào của người dân Tất Tác (xã Tiến Lộc - Hậu Lộc - Thanh Hoá), niềm vui ấy còn được nhân lên gấp bội khi vùng quê đang ngày “thay da đổi thịt”. Người dân làng rèn và các sản phẩm của họ đã có mặt khắp đất nước.
Làng rèn Tất Tác xứ Thanh: Khẳng định thương hiệu cho riêng mình
Nghề rèn Tất Tác đã và đang tạo ra hướng đi đúng khẳng định thương hiệu cho riêng mình

Những nghệ nhân truyền lửa làng rèn

 

Con đường bê tông rộng rãi, phẳng lỳ dẫn chúng tôi vào làng rèn Tất Tác! Từ xa, chúng tôi đã nghe rõ tiếng đập, tiếng gõ của búa vào sắt thép chí chát tạo nên một không khí hối hả, náo nhiệt. Các xưởng rèn được bố trí ngay trong nhà với đủ các loại máy móc, dụng cụ... tất cả được điều hành nhuần nhuyễn theo sự điều khiển của người thợ.

 

Mới sáng sớm, cảnh mua bán ở đây diễn ra khá tấp nập và nhộn nhịp; người ta mua liềm, dao, bánh lồng, linh kiện các loại máy móc... Anh Trần Ngọc Thanh - một khách hàng quen của làng rèn cho biết: “Các sản phẩm này bán chạy lắm! Bởi người mua chỉ chọn những sản phẩm có thương hiệu của làng rèn Tiến Lộc thôi. Tôi phải vào làng lấy sản phẩm từ sớm để kịp giao hàng cho khách”.

 

Ông Bùi Ngọc An, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn còn say mê với nghề rèn. Theo lời ông An, làng rèn có từ rất lâu đời, ai là ông tổ cũng không biết được. Hồi ông còn bé, suốt cả ngày ông chỉ thích ngồi bên lò lửa xem cha rèn và nghe kể chuyện: Làng nghề rèn nằm vào thế đất như bây giờ, Tất Tác có ba biểu tượng lạ: Núi Sơn ở giữa làng giống như một ngôi đe; bên cạnh ngôi đe ấy là ao Giang có dáng dấp như một chiếc “máng lầm” nhằm để tôi dao; xa về hướng Đông khoảng 200m là bãi Cồn Sãi, có hai cồn rất đặc biệt liên kết với nhau bằng doi đất nhỏ mang hình chiếc gọt. Đó là những địa thế tự nhiên do trời đất sinh ra giống biểu tượng những dụng cụ của người thợ rèn. Vì vậy, người dân Tất Tác sinh ra và lớn lên đã biết rèn từ nhỏ, cứ đời này truyền cho đời khác. Làng rèn được hợp thành bởi ba làng: Làng Sơn, làng Ngọ, làng Bùi.

 

Trước đây, phần lớn các thợ rèn đi lang thang với chiếc bễ, dụng cụ đồ nghề và một ít nguyên liệu sắt. Họ dừng lại hành nghề lâu dài, hoặc chỉ dăm bảy ngày ở một địa phương mà họ cảm thấy thuận tiện để làm ăn. Một số chủ nghề rèn còn hành nghề vươn xa đến tận tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh… cuối năm mới trở về quê ăn tết và cúng ông tổ nghề rèn. Vì vậy, người rèn Tất Tắc còn được gọi là “người ăn cơm góp thiên hạ”.

 

Ông An cũng từng rong ruổi từ Bắc vào Nam để kiếm sống bằng nghề của mình. Với con mắt tinh tường của người thợ rèn lão luyện, ông An khi nhìn ngọn lửa trong lò là biết ngay đó là lửa non hay lửa già để tiếp tục nung tiếp hoặc dừng lại. Cái búa trong tay người thợ cả là hiệu lệnh điều khiển người cầm búa lớn đập vào chỗ mà búa thợ cả vừa chạm đến, hoặc phải đập thật nhanh khi sắt đang nóng chảy để luyện hành thỏi phù hợp với yêu cầu sản phẩm làm ra. Có khi búa con chỉ đập nhịp cho các búa lớn đập vào thỏi sắt một cách nhịp nhàng. Tiếng búa lớn phát ra khi khoan thai, lúc dồn hổi nghe rất vui tai. Người thợ cả chỉ cần nghe nhịp tiếng búa sẽ biết được trình độ của các thợ rèn. Người thợ cả không chỉ có vậy, họ phải biết được độ lửa; Lửa trong lò lúc mới lên thì chụm lại, khi già độ thì xòe ra thành hình cánh hoa, tuỳ thuộc vào dụng cụ mà để độ lửa khác nhau. Thế mới biết nghề rèn không chỉ biết dùng cái khoẻ của cơ bắp mà phải có con mắt tinh tường là vậy!

 

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất Kiều Văn Định, một trong những cơ sở nổi tiếng của làng rèn. Anh Định năm nay gần 50 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 25 năm gắn bó với nghề. Tuổi nhỏ thì cha cho anh quay bễ, rồi đến năm 18 tuổi anh đã thông thạo hết các “món” nghề và có thể tự mình “cất cánh”. Anh Định luôn tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt thị hiếu của khách hàng và mày mò rèn thử các loại mặt hàng mới, đa dạng nên được nhiều người tìm đến. Sản phẩm của anh là chuyên sản xuất cuốc, vét, xẻng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Chỉ cần nói đến sản phẩm trên là người ta nhớ đến ngay cơ sở của anh Kiều Văn Định.

 

Làng rèn cất cánh!

 

Hiện nay, toàn xã Tiến Lộc có khoảng hơn 400 hộ đang rèn tại xã và hàng nghìn hộ hành nghề khắp trong Nam ngoài Bắc. Thực tế, nghề rèn không bị mai một mà ngày càng phát triển và có chỗ đứng trên thị trường. Tuy đều làm nghề rèn nhưng từ xa xưa mỗi làng ở đây đều hình thành một sắc thái một nghề nghiệp riêng: Làng Sơn giỏi về làm rèn mạ (rèn những sản phẩm có thép). Làng Ngọ chuyên giỏi về làm liềm, thái, phay, tiện và các loại đinh. Làng Bùi chuyên về làm cuốc, thuổng, xẻng, kìm, búa... Mỗi làng đều có thợ giỏi nức tiếng gần xa. Tất cả các sắc thái riêng đó đã hun đúc tạo nên một làng rèn nổi tiếng xứ Thanh.

 

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cơ giới hoá đã trực tiếp đi vào sản xuất nông nghiệp. Người thợ rèn Tất Tác lại tìm tòi đổi mới để tạo ra các sản phẩm chuyên môn hoá và độ chính xác cao. Vì vậy, các sản phẩm của làng nghề phong phú hơn bao giờ hết, đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Cái giỏi của người làng rèn bây giờ là nhìn thấy thị trường cần mặt hàng nào thì họ lập tức đáp ngay mặt hàng đó từ cái đơn giản như con dao, cái liềm, lưỡi cày, ê cu, bu lông đến các sản phẩm phục vụ cho nhà máy chế tạo ô tô, một số chi tiết cho nhà máy đóng tàu thuyền, các dụng cụ khai thác đá... Đáng nể hơn là hầu hết các nhà máy trên toàn quốc đều dùng hàng rèn gia công Tiến Lộc. Vì vậy, người Tất Tác có câu nói cửa miệng “công thành khí vi thiên hạ dụng” (nghề này thiên hạ đều phải cần).

 

Bên cạnh sự phát triển của nghề rèn thì các dịch vụ hậu cần nghề rèn cũng khá phát triển như: Đại lý than, sắt đã có mặt ngay tại chỗ để cung cấp cho nghề rèn. Các sản phẩm của nghề rèn không chỉ được tiêu thụ trong nước mà đã xuất hiện ở cả nước ngoài.

 

Nghề rèn truyền thống đã được khẳng định, thương hiệu Tất Tác đã đứng vững, hướng đi đã rõ, quyết tâm xây dựng thêm cao, no ấm đến rồi, sự giàu có đang gõ cửa, Tất Tác có niềm tin vững vàng đi lên phía trước góp phần làm rạng ngời vóc dáng quê hương xứ Thanh hôm nay.

 

Vân Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang