Thứ Bẩy, 27/04/2024 11:56:59 GMT+7

Tin đăng lúc 02-09-2015

Lượt xem: 4662

Linh hoạt điều chỉnh tỷ giá, đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế

Trong cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2015 chiều nay (ngày 1/9), đánh giá tác động và những giải pháp ứng phó của Chính phủ trước việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ trong thời gian qua, Người phát ngôn của Chính Phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo chủ động điều chỉnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD, bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế.
Linh hoạt điều chỉnh tỷ giá, đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế

Chủ động, linh hoạt điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD

 

Cụ thể, ông Nên cho biết, động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực và Việt Nam. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều chỉnh kịp thời và với cách thức phù hợp khi tăng biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư... và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động đến từng lĩnh vực, nhất là các thị trường ngoại tệ, chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, nợ nước ngoài, sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

 

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường phối hợp, có đối sách phù hợp, tận dụng tác động tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

 

Cùng với những chỉ đạo trên, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành để đánh giá những biến động giảm mạnh của giá dầu thế giới, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán, những điều chỉnh của dòng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ và việc điều chỉnh chính sách tỷ giá của nhiều nước trên thế giới, để đưa ra các đối sách phù hợp.

 

Tại cuộc họp này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành kiên định các mục tiêu điều hành đã đề ra, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất; theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, khu vực. Đồng thời, có phương án cho các kịch bản có thể xảy ra, kể cả trường hợp xấu nhất; chủ động thông tin tình hình, dự báo và các giải pháp để người dân, doanh nghiệp biết, ứng phó phù hợp.

 

Tiếp tục thảo luận, thương lượng về phương án tăng lương tối thiểu năm 2016

 

Liên quan đến những ý kiến chưa thống nhất trong Hội đồng tiền lương quốc gia, cụ thể là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đại diện người lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện người sử dụng lao động khi bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tại Khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: “Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia”.

 

Ngày 3 tháng 7 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, gồm 15 thành viên là đại diện của 3 bên, gồm: Đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đại diện cho người sử dụng lao động là VCCI, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Đại diện cho Chính phủ là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

Hàng năm, Hội đồng tiền lương quốc gia tính toán, thương lượng và thống nhất mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị Chính phủ xem xét, quyết định.

 

Qua 2 năm thực hiện cho thấy, để đạt được sự thống nhất tương đối về mức lương tối thiểu khuyến nghị Chính phủ thì Hội đồng tiền lương quốc gia thường phải thương lượng nhiều lần (năm 2014 là 3 lần) và trong từng lần đó, mỗi bên đều có phân tích, tính toán mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố có lợi hơn cho bên mình đại diện nên kết quả thường có sự chênh lệch.

 

Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI chưa đồng thuận về mức lương tối thiểu. Theo quy định, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận, thương lượng một lần nữa. Trường hợp vẫn chưa đạt được sự đồng thuận thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chọn phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang