Chủ Nhật, 05/05/2024 12:06:46 GMT+7

Tin đăng lúc 05-12-2016

Lượt xem: 2148

Lời giải nào cho bài toán khó “Vốn khởi nghiệp”?

Khởi nghiệp kinh doanh hay còn được gọi là Start-up là quá trình biến một ý tưởng kinh doanh thành hiện thực bằng chính nguồn lực sẵn có hiện tại.
Lời giải nào cho bài toán khó “Vốn khởi nghiệp”?

Hiện nay, làn sóng khởi nghiệp ở nước ta đang rất sôi nổi, nhất là khi hàng loạt các động thái của Chính phủ cho thấy quyết tâm tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, cởi mở và đầy cảm hứng cho giới doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, làm sao để có vốn kinh doanh khởi nghiệp là câu hỏi mà các DN khởi nghiệp đang trăn trở và là thách thức lớn của các nhà hoạch định chính sách.

 

Thiếu vốn khởi nghiệp

 

Nhìn vào thực trạng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp hiện nay tại Việt Nam, có thể thấy họ đang gặp rất nhiều khó khăn như: thiếu hành lang pháp lý, thiếu vốn đầu tư, yếu về nguồn nhân lực... trong đó, bài toán khó giải đầu tiên dành cho DN đó là vấn đề về vốn. Thực tế cho thấy, các DN khởi nghiệp dù có nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng chưa thực sự thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư tư nhân, cũng như chưa được tạo điều kiện tốt nhất về mặt chính sách để có thể nhận các nguồn đầu tư. Trong khi đó việc vay vốn ngân hàng lại khá khó khăn đối với các DN khởi nghiệp, theo thống kê thì có đến một nửa số các DN đặc biệt là các DN vừa và nhỏ (DNVVN) không tiếp cận được với vốn ngân hàng do điều kiện vay vốn và các điều kiện khác.

 

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì việc huy động vốn tư nhân để kinh doanh là một hình thức phổ biến trên thế giới nhưng lại rất mới ở Việt Nam. Các startup có ý tưởng, có dự án muốn khởi nghiệp nhưng thiếu vốn và cũng không huy động được vốn nên không thể triển khai, bởi, dù ý tưởng hay dự án kinh doanh của họ có sức thuyết phục đến mấy, nhưng nếu ra ngân hàng chắc chắn sẽ khó được vay vốn vì không có gì để thế chấp.

 

Tìm vốn cho khởi nghiệp

 

Đồng cảm với những DN khởi nghiệp, đặc biệt là những DN xuất phát là những hộ kinh doanh tư nhân trước đây, nay muốn trở thành DN, vừa qua Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn để hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp, đồng thời cũng có nhiều động thái để có môi trường kinh doanh bình đẳng. Mới đây, để tìm vốn cho khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chính thức chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là phải nghiên cứu thành lập sàn giao dịch chứng khoán cho DNVVN.

 

Trao đổi về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là một chỉ đạo kịp thời, quyết đoán của Phó Thủ tướng và là một thể chế tốt cho DN. Bởi sàn chứng khoán là một trong những thể chế tiên tiến bậc cao và là kênh thu hút vốn rất tốt để chia sẻ gánh nặng vốn đối với ngân hàng, giúp các DN giảm nhẹ được chi phí về vốn; đây cũng là sân chơi lành mạnh, có tổ chức, có ích cho cộng đồng và cho các cá nhân. Cho nên khi sàn này được thành lập thì chắc chắn nó sẽ được hoan nghênh. Tuy nhiên để người dân yên tâm khi bỏ tiền vào đây mà ko bị mất tiền oan thì cần có những luật định, phải có các giải pháp đồng bộ từ chính sách của Nhà nước, cũng như những tổ chức xã hội thiên về ngành nghề đặc thù như các Hiệp hội, mà muốn vậy thì cần phải có sự minh bạch thông tin và công bằng.

 

Được biết, vừa qua Chính phủ đã thành lập được 2 quỹ để hỗ trợ khởi nghiệp đó là: Quỹ hỗ trợ DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý với số vốn 2.000 tỷ đồng và Quỹ hỗ trợ công nghệ sáng tạo cũng với số vốn 2.000 tỷ đồng do Bộ Khoa học Công nghệ quản lý. Tuy nhiên, những quỹ này còn quá bé nhỏ so với nhu cầu thực tế của 500.000 DN hiện nay. Vì vậy, cần phải huy động nguồn lực xã hội nhiều hơn nữa, mà muốn làm được việc này thành công và có được sàn như mong muốn, thì cần phải có những bước đi rất vững chắc.

 

Làm sao để DN khởi nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn từ các quỹ của Chính phủ?

 

Có thể thấy những động thái của Chính phủ trong việc thành lập các quỹ hỗ trợ cho khởi nghiệp là rất đúng đắn và kịp thời. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy được thế mạnh của những quỹ này, cũng như làm thế nào để DN và các quỹ của Chính phủ có thể “tiếp cận” được với nhau là những bài toán khó.

 

Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, hiện nay chúng ta đang có chủ trương cải cách hành chính rất quan trọng, đó là việc gì ai làm tốt, hiệu quả thì giao cho người đó để giảm thiểu trung gian và các chi phí không cần thiết. Các quỹ khởi nghiệp nên đưa về cho các tổ chức có DN trực tiếp tham gia, quản lý DN, hỗ trợ DN thực sự mà không phải cơ quan hành chính, đó là các Hiệp hội. Bởi các Hiệp hội có các thế mạnh là trong Hiệp hội họ có các DN lớn, có thực tiễn; tiếp đến là họ có năng lực huy động thêm vốn ngoài quỹ mà họ có; thứ ba là họ am hiểu các DN thành viên của mình để từ đó có những thông tin, quyết định hỗ trợ đúng và hiệu quả. Thậm chí, Hiệp hội có thể đưa các DN khởi nghiệp đó vào chuỗi mà họ đang định hình. Tất cả những điều này sẽ giúp cho hoạt động quỹ tốt hơn. Tuy nhiên để quản lý tốt quỹ này, các Hiệp hội phải thể hiện mình để tạo niềm tin cho Chính phủ, đồng thời, phải tạo ra một liên hợp quản lý quỹ, tức là trong các Hiệp hội cần phải có nhân tố nhà nước để kiểm soát về mặt pháp lý cũng như là một chỗ dựa nhất định chứ không thể hoàn toàn khoán trắng cho Hiệp hội.

 

Hiện nay Chính phủ, các Bộ ngành và cả một số địa phương đã có quỹ khởi nghiệp và có những hỗ trợ cũng như có những sự kết nối giữa ngân hàng và DN để tạo nguồn vốn, thậm chí một số ngân hàng đã có những chương trình vay tín chấp, mà mức độ tăng theo quy mô. Trong thời gian tới, việc hình thành các quỹ mới và bổ sung các quy chế hoạt động của những quỹ này cũng là rất cần thiết. Bởi, thứ nhất, cần có các thiết kế quỹ để sao cho việc thành lập các quỹ này đơn giản hơn. Tiếp đến là cần có những quy định để quỹ, hoặc nguồn vốn tài trợ cho ý tưởng đảm bảo được quyền sở hữu trí tuệ cho người có ý tưởng để họ mạnh dạn đưa ra. Thứ ba là, sự minh bạch trong các hợp đồng tài trợ cũng phải được đảm bảo để các bên yên tâm phối hợp với nhau. Ngoài ra các ưu đãi khác để quỹ hoạt động, giảm thiểu chi phí sao cho quỹ chỉ tập trung nguồn cho hoạt động khởi nghiệp. Bên cạnh đó là quy trình tiếp nhận và các hoạt động tư vấn để hình thành các dự án, hợp đồng, quy trình sao cho thuận lợi nhất, rẻ nhất cho người cần. Cuối cùng là hoạt động xử lý các tranh chấp bảo vệ quyền lợi của mỗi bên cũng như tiếp nhận thông tin mỗi bên để đảm bảo sự minh bạch, tránh sự lừa dối, sự lạm dụng và những lỗ hổng. Đây là những nguyên tắc nhằm đảm bảo quỹ này phát triển để người dân, người có nhu cầu tìm đến ngày càng nhiều. Nguồn quỹ thực sự sẽ đến khi tất cả các thể chế này được thực hiện.

 

Rõ ràng, câu chuyện về việc tìm vốn ở đâu cho khởi nghiệp còn khá nan giải. Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ, như lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Tìm vốn cho khởi nghiệp, không đặt vấn đề chung chung nữa”, chúng ta đã xác định được những cách làm để có thể tìm cách tháo gỡ các “nút thắt” này. Chắc chắn, khi những nút thắt về vốn được tháo gỡ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho khởi nghiệp thành công./.

 

Như Quỳnh (thực hiện)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang