Thứ Sáu, 26/04/2024 15:19:11 GMT+7

Tin đăng lúc 27-09-2022

Lượt xem: 495

Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Cần phổ biến nâng cao nhận thức người dân về quyền lợi người tiêu dùng (NTD)

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây tác hại trực tiếp cho con người, ảnh hưởng tới an toàn tính mạng, nguy hại hơn là làm mất uy tín của nhà sản xuất kinh doanh. Do đó, pháp luật Việt Nam đã có quy định về xử phạt đối với hành vi sản xuất, mua bán hàng giả...
Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Cần phổ biến nâng cao nhận thức người dân về quyền lợi người tiêu dùng (NTD)

Thực tế cho thấy, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày một tinh vi, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn kinh doanh kiếm lời, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân, làm lũng đoạn thị trường, mất trật tự an toàn xã hội.

 

 

Theo Luật Bảo vệ NTD năm 2010, NTD có quyền lợi và nghĩa vụ trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, tại Điều 8, Điều 9 Luật Bảo vệ NTD, có quy định về quyền và nghĩa vụ của NTD như sau:

 

 

Quyền của người tiêu dùng:

 

 

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

 

 

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng.

 

 

3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia, hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…

 

 

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

 

 

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

 

Nghĩa vụ của NTD:

 

 

1. Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

 

 

2. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của NTD.

 

 

Khi bị xâm gây thiệt hại, hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD căn cứ tại Điều 25 Luật Bảo vệ quyền NTD về việc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi của NTD. Khi thông báo sự việc lên cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

 

 

Trong trường hợp đã gửi văn  bản tới cơ quan có thẩm quyền nhưng không được giải quyết thì theo quy định tại Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, NTD có quyền khởi kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ra tòa án để đề nghị tòa án bảo vệ quyên và lợi ích hợp pháp của mình.

 

 

Nếu trường hợp sau khi bạn liên hệ với phía bên bán hàng để được bảo hành nhưng họ lại có hành vi trốn tránh, chặn mọi liên lạc thì được coi như hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 như sau:

 

 

Tại “Điều 174 Luật Bảo vệ NTD” Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

 

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

 

b) Đã bị kết án về tội này, hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

 

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

 

a) Có tổ chức;

 

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

 

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 

 

d) Tái phạm nguy hiểm;

 

 

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 

 

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

 

 

Để thực hiện các quyền lợi NTD và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của NTD khi bị xâm hại, theo Luật bảo vệ NTD.

 

 

Thông qua công tác tuyên truyền giúp người dân nhận thức hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của NTD, về tác hại của việc buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Nâng cao nhận thức của xã hội về quyển và trách nhiệm của NTD, của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD cũng như các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền của NTD. Đặc biệt, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tích cực tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi NTD.

Công Du


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang