Chủ Nhật, 05/05/2024 19:31:46 GMT+7

Tin đăng lúc 17-05-2023

Lượt xem: 846

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao

Ngày 28/02/2023, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Nội dung chính của Đề án có 05 quan điểm chỉ đạo như sau:
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Bộ tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương

Một là, tái cơ cấu để thực hiện phát triển nhanh và bền vững ngành Công Thương, trên cơ sở phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và địa bàn để phát huy tối đa lợi thế so sánh của quốc gia, vùng và địa phương trong chuỗi giá trị; chủ động, đi trước một bước trong việc thử nghiệm và phát triển các mô hình tăng trưởng mới, khai thác có hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế.

 

Hai là, xây dựng năng lực nội tại của ngành Công Thương dựa trên cơ sở tự chủ về sản xuất và thị trường để hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính độc lập, thích ứng và chống chịu cao trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài, bảo đảm tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy thế mạnh của thị trường trong nước để củng cố nội lực là yếu tố quan trọng gắn với mở rộng, đa dạng hóa thị trường bên ngoài để tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chủ động hơn trong cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Ba là, tái cơ cấu ngành Công Thương phải được thực hiện đồng bộ trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo đồng bộ với tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực trọng tâm khác của nền kinh tế; đồng bộ hóa các chính sách công nghiệp, thương mại với các chính sách khác để tạo lập các điều kiện cần và đủ cho thực hiện tái cơ cấu ngành, gồm: tài chính, tiền tệ, đầu tư, khoa học công nghệ, lao động, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, giảm nghèo, hội nhập và các chính sách khác.

 

Bốn là, gắn với đổi mới tư duy và hành động tiên phong để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương; lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập là điều kiện tiên quyết; đảm bảo thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là đột phá; khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là công cụ; khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành; xanh hóa ngành Công Thương gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu là mục tiêu mang tính lâu dài, chiến lược.

 

Năm là, tái cơ cấu ngành Công Thương phải được thực hiện một cách có trọng tâm, triệt để, quyết liệt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; phát huy vai trò tiên phong, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở củng cố nhận thức, tăng cường đồng thuận, kết hợp hiệu quả giữa điều phối, phối hợp với phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ, theo nguyên tắc bám sát thực tiễn, coi trọng thực chất, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả các nhiệm vụ đạt mục tiêu đề ra.

 

Theo đó, Đề án đặt ra 05 mục tiêu cụ thể như sau: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030; Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1 - 1,5%/năm; Duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm; Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 13,0 - 13,5%/năm.

 

 

Hội nghị Tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Công Thương

 

Đề án tập trung vào một số định hướng chiến lược lớn về phát triển ngành Công Thương trong giai đoạn tới 2030, đó là:

 

Xác định các động lực tăng trưởng mới của ngành Công Thương, tăng cường sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài và khai thác có hiệu quả quá trình hội nhập. Trong đó, trọng tâm ưu tiên là phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ để làm chủ khu vực sản xuất, đặc biệt là tư liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu và nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất; Phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có quy mô xuất khẩu lớn như dệt may, da giầy, điện tử, đồ gỗ, nông thủy sản…

 

 Đối với thị trường, phải phát triển nhanh, bền vững thị trường trong nước kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu. Phát huy thế mạnh của thị trường trong nước để củng cố nội lực là yếu tố quyết định gắn với mở rộng thị trường bên ngoài, trong đó, xác định thương mại số, thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế số. Đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và tỷ lệ nội địa hóa lớn; Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng; phát triển các trung tâm tiêu dùng mới. Số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại…

 

Cần chú trọng nâng cấp và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành dựa trên các lợi thế so sánh ở cấp độ quốc gia, vùng và địa phương để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường năng lực tự chủ của ngành Công Thương. Trong đó, tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa. Chú trọng nội địa hóa chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ của ngành. Cơ cấu lại không gian lãnh thổ phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hình thành hệ thống cụm liên kết các ngành công nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm…

 

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, cần nâng cấp và phát triển hoàn chỉnh hệ sinh thái xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển đồng bộ và hiệu quả hệ thống hạ tầng logictics phục vụ xuất nhập khẩu nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và logistics của khu vực. Nâng cao khả năng đáp ứng quy định, tiêu chuẩn cao về chất lượng của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực xuất khẩu cho các địa phương. Phát triển các vùng, địa bàn xuất khẩu mới gắn với quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng tập trung chuyên môn hóa. Phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, thực hiện nhất quán quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế…

 

Cùng với đó là hình thành được hệ thống các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có năng lực cạnh tranh và thương hiệu toàn cầu; Phát triển một số tập đoàn bán lẻ trong nước có thương hiệu lớn và có khả năng cạnh tranh trong khu vực với hệ thống phân phối hiện đại, làm chủ hệ thống tổng kho, trung tâm logistics và nguồn cung ứng hàng hóa, có vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường để định hướng sản xuất và tiêu dùng, chiếm lĩnh phần lớn quy mô thị trường bán lẻ…

 

PV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang