Chủ Nhật, 28/04/2024 01:43:11 GMT+7

Tin đăng lúc 26-02-2017

Lượt xem: 2193

Mỹ phẩm kém chất lượng - Chưa kịp thu hồi đã bán hết!

Mặc dù Bộ Y tế đã đình chỉ lưu hành và thu hồi nhiều mỹ phẩm không đạt chất lượng hoặc có chứa hóa chất độc hại, song theo ghi nhận của phóng viên tại thị trường phía Nam, các mặt hàng này vẫn khó có thể quản lý.
Mỹ phẩm kém chất lượng - Chưa kịp thu hồi đã bán hết!
Khó quản lý thị trường mỹ phẩm

Ngày 13/2 vừa qua, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 30 loại mỹ phẩm do không đạt chất lượng. Trong đó có nhiều sản phẩm của các DN phía Nam như: 9 sản phẩm của DN Kim Quan (tỉnh Hậu Giang); 6 sản phẩm của Công ty TNHH Lulanjina (TP. Hồ Chí Minh); 3 sản phẩm của Công ty TNHH liên doanh Pan Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh). Các sản phẩm này bị thu hồi do có thành phần công thức ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố.

 

Ngay sau đó, Cục Quản lý dược đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 2 sản phẩm của Công ty TNHH y tế Gia Việt (Hà Nội) là Veracare DB - dung dịch tắm khô và Veracare DB - dung dịch dầu gội khô, do các sản phẩm này ghi tên và thành phần công thức sản phẩm trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố.

 

Tuy nhiên, trên thị trường, đặc biệt là tại các chợ truyền thống, một số loại hàng hóa mỹ phẩm kém chất lượng vẫn được bày bán tràn lan.

 

Chợ Bình Tây (quận 6) có khu vực bán mỹ phẩm tương đối lớn với nhiều cửa hàng hiện đang bày bán đủ các loại mỹ phẩm “thượng vàng hạ cám”. Trong vai khách mua hàng, chúng tôi nhanh chóng được rất nhiều tiểu thương mời chào. “Em cần tìm loại gì, hàng nhập khẩu, xách tay nước nào chị cũng có? Hay là hàng nội, chị có nhiều dòng tắm trắng, trị nám dưỡng da, trị mụn… Em cần loại nào chị tư vấn” - một chị chủ hàng nhanh nhảu giới thiệu. Vừa nói, chị vừa chỉ vào các sản phẩm trong quầy hàng. Hầu hết các loại hàng tại đây đều được quảng cáo với những ngôn từ đánh trúng vào tâm lý của chị em phụ nữ như: tác dụng thần tốc, “thuốc tiên”… kèm theo cam kết bảo đảm của chủ hàng “nhiều người dùng và đều có kết quả tốt, không ai bị dị ứng đâu em”.

 

Dù có tác dụng như thần dược, nhưng giá các sản phẩm này đều rất rẻ, như kem trắng da cấp tốc Mỹ Linh chỉ có giá 18.000-20.000 đồng/lọ 50gr với hướng dẫn sử dụng: bôi trực tiếp lên tay, chân, mặt, cổ.

 

Tại Chợ Kim Biên (quận 5) và chợ Bà Chiểu, khi được hỏi về các sản phẩm đã bị Bộ Y tế “tuýt còi”, hầu hết các tiểu thương đều cho rằng không biết hoặc có nghe nói nhưng không thể kiểm tra được đúng lô, đúng ngày sản xuất của các loại mỹ phẩm đó. Theo chia sẻ của một chủ hàng, các sản phẩm này chủ yếu phục vụ khách hàng bình dân, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp bởi vậy khách hàng rất dễ tính. Hơn nữa, hàng lấy về chỉ với số lượng nhất định, tiêu thụ lại nhanh nên chưa kiểm tra thì “đã bôi đầy mặt rồi, còn đâu mà thu hồi” - như lời chị nói vui.

 

Theo bác sĩ Trần Thiên Tài – Phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh), trung bình mỗi ngày đều có 4 - 5 trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị về vấn đề da do dùng mỹ phẩm. “Để bán được hàng, nhiều đơn vị sản xuất (bao gồm cả các loại không rõ nguồn gốc, nhãn mác) đã quảng cáo “có cánh” về các phương pháp điều trị thẫm mỹ có tác dụng làm trắng sáng, mịn da, trị mụn trong thời gian cấp tốc. Tuy nhiên, người dùng phải hết sức cẩn thận vì để làm đẹp cấp tốc thì người sản xuất thường cho thêm corticoide và những chất có khả năng gây hại cho da” – bác sĩ cho biết.

 

Ngoài ra, nhiều sản phẩm ghi rõ có chứa salicylic acid, mineral oil (dầu khoáng)… nhưng không nêu cụ thể hàm lượng. Trong đó, salicylic acid là chất có tác dụng làm bong tróc lớp sừng ở da và có tính sát khuẩn, nếu như ở nồng độ cao có thể gây ăn mòn và hoại tử da; dầu khoáng có nhiều trong các loại lotion, kem dưỡng, kem trang điểm… làm mềm da, se lỗ chân lông nhưng đã có một số khuyến cáo cho rằng chất này có thể gây ung thư nếu dùng liều cao. Còn với paraben chỉ được sử dụng liều lượng rất nhỏ (thường là từ 0,01 – 0,3%) đóng vai trò là chất bảo quản dùng nhiều trong lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm. Hiện chưa có bằng chứng về nguy cơ gây ưng thư do paraben nhưng dùng liều vượt ngưỡng sẽ gây kích ứng và dị ứng da” – bác sĩ chia sẻ.

 

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, chi cục đã kiểm tra và phát hiện 174 vụ có liên quan đến mỹ phẩm như: phấn trang điểm, nước hoa, sữa tắm, thuốc nhuộm tóc. Trong đó 137 vụ là hàng nhập lậu; 4 vụ hàng giả; 4 vụ là hàng hết hạn sử dụng. Các vi phạm thường gặp chủ yếu là hàng hóa ngoại nhập không nhãn phụ, ghi không đủ nội dung bắt buộc, thiết lập website bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước, không niêm yết giá…

 

Theo ông Nguyễn Văn Bách – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không nguồn gốc trên thị trường thường tập trung tại các điểm bán sỉ và phân tán trong các chợ nhỏ lẻ. “Chi cục cũng phối hợp với các ngành chức năng liên ngành thanh kiểm tra hàng hóa, trong đó có mỹ phẩm. Tuy nhiên, lực lượng này chỉ có thể kiểm tra chủ yếu mỹ phẩm lậu, giả, kém chất lượng… Còn mỹ phẩm chứa chất cấm phải do Bộ Y tế, Sở Y tế lấy mẫu kiểm định mới kết luận được. Hơn nữa, với các loại mỹ phẩm có đầy đủ nhãn mác, thành phần công bố, có giấy phép nhưng vẫn dính chất cấm thì bằng cảm quan mắt thường, lực lượng này cũng không thể xác định được” - ông Bách đánh giá.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang