Thứ Ba, 30/04/2024 02:59:07 GMT+7

Tin đăng lúc 14-04-2024

Lượt xem: 285

Nâng cao khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho khu vực kinh tế tập thể

Khoa học và công nghệ được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất chất lượng, hiệu quả của tất cả các ngành, lĩnh vực, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực kinh tế tập thể.
Nâng cao khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho khu vực kinh tế tập thể

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái tại Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia 2024 với chủ đề 'Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm' diễn ra ngày 11/4/2024 tại Hà Nội.

 

Khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển

 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) đối với kinh tế tập thể, HTX thúc đẩy sự phát triển thông qua việc triển khai xây dựng nhiều mô hình ứng dụng và chuyển giao KHCN ở các địa phương góp phần giải quyết các vấn đề: nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo và chất lượng gạo xuất khẩu; phát triển sản xuất các loại nông sản nhiệt đới có lợi thế so sánh cao; ứng dụng và phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học; phát triển chăn nuôi an toàn; phát triển nuôi thủy sản kết hợp chế biến; cung cấp thông tin KHCN phục vụ phát triển nông thôn;... 

 

 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái: Hoạt động KHCN góp phần thúc đẩy sự phát triển thông qua việc triển khai xây dựng nhiều mô hình ứng dụng và chuyển giao KHCN

 

Cùng với đó, hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung; từ sản xuất phát triển sản phẩm tự do sang sản xuất kinh doanh sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT; được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng. Việc bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương và sản phẩm gắn với chương trình OCOP góp phần giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất tại các địa phương.

 

Hoạt động kết nối cung cầu công nghệ cũng được các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trong các năm gần đây. Các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ đã thực hiện việc chuyển giao hàng trăm công nghệ, trong đó trung bình có khoảng 50% thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 

 

Mặc dù đã đạt được thành tựu nhất định, song theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, trình độ KHCN trong nông nghiệp của nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, hiện phần lớn chưa thể tiếp cận được nền nông nghiệp 4.0. Thành tựu mới chỉ đạt được đối với một số sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, lúa, ngô, tiêu, cà phê, cao su và một số cây trồng khác.

 

Năng lực nghiên cứu khoa học của các hợp tác xã còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại các tỉnh miền núi còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả. Số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn thấp, hiện chỉ chiếm 9.37% tổng số HTX nông nghiệp. Cơ sở vật chất kỹ thuật ở nhiều HTX về nông nghiệp rất lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, nhất là nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ cao trong nông nghiệp.

 

Về hoạt động đăng ký sở hữu công nghiệp, mặc dù số đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ cấp cho các tổ hợp tác, HTX có chiều hướng gia tăng nhưng số lượng chưa nhiều, tỷ lệ đơn và bằng của chủ đơn là các tổ hợp tác, HTX còn rất khiêm tốn trong tổng số đơn và bằng của người Việt Nam.

 

Nâng cao hiệu quả ứng dụng KHCN trong kinh tế tập thể

 

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng KHCN trong kinh tế tập thể, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động KHCN phục vụ phát triển HTX, ưu tiên hỗ trợ các HTX nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong sản xuất. Đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao về KHCN cũng như quản trị công nghệ cho HTX.

 

Khuyến kích các hợp tác xã đề xuất các nhiệm vụ triển khai trong Chương trình KH&CN quốc gia như: Chương trình Nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa, các chương trình quốc gia về KHCN đến năm 2030.

 

Tăng cường hoạt động liên kết trong nghiên cứu KHCN và đổi mới sáng tạo giữa các HTX và viện nghiên cứu, trường đại học để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn cung công nghệ trong nước, tăng cường khả năng hấp thụ, làm chủ và phát triển công nghệ của các HTX.

 

 

Nông sản ứng dụng KHCN trưng bày tại Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia 2024 

 

Thúc đẩy phát triển thị trường KHCN cho các HTX, nhất là các thị trường về mua bán bản quyền giống cây, con; đặt hàng của các HTX với tổ chức KHCN; mở rộng các hoạt động hội chợ, sàn giao dịch công nghệ, techmart, kết nối cung cầu... để tạo điều kiện tốt nhất cho cho người sản xuất, người làm công tác KHCN có được cơ hội gặp gỡ để “liên kết cùng phát triển”. Tiếp  tục đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN cho người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thư viện điện tử KHCN...

 

Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế tập thể, HTX nhằm gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng cường năng lực cạnh tranh tham gia bền vững vào chuỗi giá trị sản phẩm. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao KH&CN cho các HTX. Xây dựng, nhân rộng, phổ biến các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh hiệu quả cho khu vực kinh tế kinh tế tập thể, HTX.

 

Thứ trưởng Trần Hồng Thái cũng lưu ý việc tăng cường phối hợp trong tổ chức nghiên cứu triển khai giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các bộ ngành, địa phương có liên quan; tăng cường nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn và các công cụ nâng cao năng suất.

 

Đặc biệt, cần tăng cường nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn và công cụ nâng cao năng suất như VietGap, Global Gap, thực hành nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh, 5S – Kaizen, tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 22000, ISO 14000, tiêu chuẩn hữu cơ, 4C, Rainforest, UTZ, Fairtrade và tiêu chuẩn Halal để hướng dẫn và hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã- Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

 

Theo Vietq.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang