Chủ Nhật, 28/04/2024 14:27:13 GMT+7

Tin đăng lúc 10-12-2016

Lượt xem: 2754

Năng lượng là ngành dẫn đầu về tăng năng suất lao động

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam cho rằng, 03 yếu tố đóng góp vào tăng giá trị gia tăng gồm: tăng vốn; tăng lao động; tăng TFP. Các ngành có đóng góp vào tăng TFP là điện, điện tử-tin học, đạt 40%, ngành cơ khí chế tạo, đạt 37% và ngành da giày là 35%.
Năng lượng là ngành dẫn đầu về tăng năng suất lao động

Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp” giai đoạn 2012-2016 thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

 

Năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang có sự tăng trưởng rõ rệt. Nếu như năm 1990 năng suất lao động chỉ khoảng 2.800 USD/người, thì đến nay đã tăng lên hơn 8.000 USD/người/năm, tăng gấp 3 lần sau hơn 20 năm, điều đó chứng tỏ những cố gắng của Việt Nam trong việc giảm dần khoảng cách năng suất so với các nước phát triển khác.

 

Đặc biệt, sau giai đoạn I của Chương trình 712 (2011- 2015), đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt với 65% tiêu chuẩn Việt Nam được công bố phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; hàng nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; áp dụng các hệ thống quản lý ISO; áp dụng các cải tiến năng suất; 53 địa phương xây dựng, triển khai dự án năng suất chất lượng…

 

Thúc đẩy nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành Công Thương

 

Tuy đã có những bước tiến rõ rệt nhưng thực trạng năng suất ở Việt Nam vẫn đang có một khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển và đang phát triển trong khu vực khi Singapore gấp 14,5 lần, Nhật Bản gấp 10,8 lần, Malaysia gấp 7,3 lần và Thái Lan gấp 2,9 lần năng suất lao động của Việt Nam (theo thống kê năm 2013).

 

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, kết quả tính toán năng suất của các ngành công nghiệp do Bộ Công Thương thực hiện cho thấy, những ngành công nghiệp có năng suất lao động cao gồm: năng lượng, thép, hóa chất (dao động từ 450 triệu đến trên 1 tỷ đồng/ người/ năm). Nhóm ngành có năng suất lao động thấp là dệt may, da giày.

 

Tuy nhiên, năng suất cao ở các nhóm ngành trên chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư. Tăng năng suất nhờ đóng góp của đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, phương thức quản lý hiện đại trong các ngành còn hạn chế. Điều này thể hiện rõ nét ở chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng và mức độ đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong các ngành giai đoạn 2011-2015 luôn duy trì ở mức thấp.

 

Ngoài ra, với 96% các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế nhiều mặt,đặc biệt là trình độ công nghệ với trên 80% được đánh giá ở mức trung bình và thấp, khả năng hấp thụ công nghệ, đổi mới sáng tạo hạn chế được xem là “vùng trũng nhất”, kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với thế giới.

 

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ phát biểu tại Hội nghị

 

Đặc biệt, yếu điểm của Việt Nam nằm ở tư duy, kinh doanh theo kiểu nông nghiệp, manh mún, nhỏ lẻ, biểu hiện rõ nét nhất là trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp lạc hậu, chưa bắt với những xu hướng hiện đại của doanh nghiệp trên thế giới.

 

Trong thời gian qua, gắn với quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương là mục tiêu tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cởi mở và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, phát triển, Bộ Công Thương đã và đang xây dựng triển khai nhiều Chương trình để hiện thực hóa các định hướng, mục tiêu. Dự án Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt . Đây là một trong những Dự án trọng tâm với ưu tiên tập trung vào các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

 

Trong giai đoạn 2012 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp; Đào tạo nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động cải tiến tại doanh nghiệp; Đặc biệt, nhiêu mô hình thí điểm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, hiện đại đã tư vấn xây dựng,áp dụng. Các hoạt động này một mặt đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, trở thành điển hình sống động, thúc đẩy phong trào cải tiến năng suất, chất lượng trong các doanh nghiệp của Ngành.

 

Theo báo cáo chi tiết của Viện năng suất Việt Nam, trong 08 ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước bao gồm: dệt may; da giầy; nhựa; thép; hóa chất; cơ khí chế tạo; năng lượng; điện; điện tử, tin học thì ngành năng lượng có mức giá trị gia tăng cao nhất với trên 350 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 6,4%/ năm. Đây cũng chính là ngành có năng suất lao động cao, năm 2015, đạt khoảng 1 tỷ đồng/ người lao động.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam cho rằng, 03 yếu tố đóng góp vào tăng giá trị gia tăng gồm: tăng vốn; tăng lao động; tăng TFP. Các ngành có đóng góp vào tăng TFP là điện, điện tử-tin học, đạt 40%, ngành cơ khí chế tạo, đạt 37% và ngành da giày là 35%.

 

Việt Nam được đánh giá cao nhờ sự ổn định về chính trị và xã hội, có sức hấp dẫn đối với thương nhân và đầu tư nước ngoài, qua đó tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn, thiết bị, công nghệ sản xuất, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, lao động có kỹ năng chuyên môn cao từ những nước phát triển. Tuy nhiên, trước những khó khăn về sự tụt hậu công nghệ so với các nước, quy mô doanh nghiệp nhỏ, vốn đầu tư ít, việc hợp tác còn yếu và thiếu, lực lượng lao động đông nhưng chất lượng không cao, giải pháp chung được Viện năng suất Việt Nam đưa ra đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp của Việt Nam đó là cần tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển về quy mô; khuyến khích phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường; ứng dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, hiện đại.

 

Đối với ngành điện, điện tử-tin học, cần chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành, hình thành các cụm công nghiệp điện tử-tin học.

 

Đối với ngành cơ khí chế tạo, cần xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí

 

Đối với ngành dệt may, da giày, hỗ trợ xúc tiến thị trường bằng nhưng ưu đãi vay vốn phát triển xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tìm hiểu thông tin về quy định của các nước nhập khẩu.. Phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành may, da giày để đáp ứng nguyên phụ liệu cho ngành dựa trên các thế mạnh của tỉnh/vùng.

 

Đối với ngành nhựa, khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị và phát triển công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nguyên liệu ngành.

 

Đối với ngành hóa chất, có chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ. Có các giải pháp về thị trường. Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ và bảo vệ môi trường.

 

Đối với ngành thép, quy hoạch lại phát triển ngành thép, không khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp ngành thép. Nâng cao cải tiến công nghệ dần dần loại bỏ công nghệ lạc hậu. Thiết lập chính sách phát triển bền vững cho ngành.

 

Đối với ngành năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty thuộc ngành công nghiệp năng lượng. Tái cơ cấu và cổ phần hóa các tập đoàn và tổng công ty thuộc ngành năng lượng. Trong đó, khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ được coi là giải pháp tối ưu cho ngành.

 

Năm 2016, Việt Nam tiếp tục hội nhập ở mức sâu rộng hơn. Khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam phải đối mặt với 3 thách thức: Tự do luân chuyển hàng hóa, đầu tư và lao động có kỹ thuật cao. Các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt. Trong khi đó, tới 96% các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, do vậy khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu là thấp. Nếu không đẩy mạnh phong trào nâng cao năng suất, chất lượng, Việt Nam có thể đánh mất lợi thế ngay trên “sân nhà”.

 

Ở góc độ doanh nghiệp, cải tiến năng suất là những nỗ lực nhằm đáp ứng sự thay đổi của yếu tố bên ngoài, đồng thời cải tiến các yếu tố bên trong nhằm nâng cao năng suất. Để đạt được năng suất cao, mọi yếu tố trong quá trình sản xuất kinh doanh phải được tối ưu hóa. Thông qua việc xác định những điểm mạnh, điểm yếu trong quản lý, doanh nghiệp có thể thiết lập, lựa chọn và ưu tiên các biện pháp phù hợp với nguồn lực hiện tại.

 

Theo Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam, giai đoạn tới, các hoạt động của phong trào năng suất, chất lượng sẽ tiếp tục hướng vào các mục tiêu cụ thể gồm: Tập trung vào những ngành kinh tế mũi nhọn, lợi thế cao và tác dụng lan tỏa tới các ngành khác thông qua các chương trình hỗ trợ, chương trình ứng dụng các công cụ cải tiến liên tục, chương trình hỗ trợ về phát triển KH&CN. Đặc biệt, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng văn hóa cải tiến năng suất và ý thức công nghiệp; xây dựng, đào tạo và phát triển chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực năng suất; đẩy mạnh các khóa đào tạo, nâng cao năng suất lao động, nâng cao trình độ văn hóa nhận thức về pháp luật cho người lao động. Nhà nước cũng sẽ tập trung tăng cường khích lệ doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

 

Bên cạnh đó, các chính sách cũng tập trung thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nhỏ tiềm năng tăng trưởng về quy mô thông qua các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn phát triển kinh doanh. Đặc biệt, sẽ hỗ trợ thông tin, kiến thức để các doanh nghiệp có thể xây dựng được các định hướng phát triển dài hạn.

 

Nguồn Moit.gov.vn


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang