Thứ Năm, 02/05/2024 05:06:36 GMT+7

Tin đăng lúc 19-03-2021

Lượt xem: 1494

Ngành CNHT cơ khí: Tìm hướng đi mới giữa muôn vàn gian khó

Kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang các nước thứ ba. Đây cũng được coi là cơ hội phát triển không thể tốt hơn cho các doanh nghiệp ( DN) cơ khí và ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cơ khí Việt Nam trong năm 2021.
Ngành CNHT cơ khí: Tìm hướng đi mới giữa muôn vàn gian khó
Trong năm 2021, DN sản xuất về cơ khí sẽ là những DN có nhiều cơ hội

Cơ hội trong thách thức

 

Tác động của dịch COVID-19 khiến nhiều DN CNHT cơ khí sụt giảm doanh thu, gặp khó cả ở đầu vào và đầu ra. Tuy nhiên, trong thách thức vẫn có cơ hội, một số DN đã áp dụng các biện pháp linh hoạt, từng bước vượt qua thời điểm gian nan, khó khăn để có được những đơn hàng. Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho biết: “Đến nay, chúng tôi chưa nhận được thông tin nào từ các đơn vị thành viên liên quan đến phá sản DN do dịch bệnh gây ra, có chăng chỉ là giảm doanh thu, dừng sản xuất trong một thời điểm nhất định do thiếu nguồn nguyên liệu, dừng các đơn hàng xuất khẩu”.

 

Trong năm 2021, các chuyên gia đánh giá chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chưa thể khôi phục hoàn toàn do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhưng DN sản xuất về cơ khí của Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội khi Trung Quốc sẽ gặp khó trong việc xuất khẩu đơn hàng hơn. Như vậy, các nước thứ ba (trong đó có Việt Nam) sẽ được hưởng lợi từ điều này. Dù vậy muốn đón được cơ hội đó, các DN phải chuẩn hóa về sản phẩm, từ nguyên liệu đến các khâu sản xuất đến giá thành cạnh tranh.

 

Việt Nam là một trong những nước kiểm soát dịch COVID-19 tốt nhất thế giới, cũng là một trong số ít các nền kinh tế tăng trưởng dương. Đó là cơ sở để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, tạo nhiều cơ hội hơn cho các DN, công ty trong nước phát triển. Nếu có thể nắm bắt được cơ hội vàng này, các DN CNHT cơ khí hoàn toàn có thể nhanh chóng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

 

Lắp đặt thiết bị tại Nhà máy Hóa dầu Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, các DN cơ khí, CNHT đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do. Các Hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp DN trong nước có ưu thế hơn khi xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

 

Làm thế nào vực dậy ngành CNHT cơ khí?

 

Để vực dậy ngành CNHT cơ khí trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm nhiệt trên toàn cầu vẫn cần phải có sự hỗ trợ thị trường nội địa thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng của Nhà nước. Đa số các DN đều cho rằng, Chính phủ cần có các chương trình đặc biệt, hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành. Song song với đó, Chính phủ cũng cần có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp/liên danh CNHT gồm các DN nhỏ, các cụm liên kết sản xuất, hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi cho các công ty CNHT cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới...

 

Trong thời gian tới, để hỗ trợ DN CNHT cơ khí, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Các Trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon… nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.

 

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho CNHT có điều kiện phát triển.

 

Theo Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI), tình trạng chung của các DN cơ khí hiện nay là máy móc đã đầu tư và sử dụng qua hàng chục năm, có tới trên 50% máy sử dụng từ 30 - 50 năm, đã hết khấu hao. Trong đó, thiết bị nhập khẩu xuất xứ chủ yếu từ Liên Xô cũ, Đông Âu... Các DN thường chọn đầu tư bổ sung một số thiết bị cho các khâu quyết định chất lượng sản phẩm hoặc trùng tu, cải tiến máy móc cũ để tiếp tục sử dụng. Do đó, nhìn chung, ngành Cơ khí trong nước vẫn chưa có cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể chế tạo được máy móc, thiết bị đạt tiêu chuẩn, hàm lượng công nghệ cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho rằng, để nhanh chóng phát triển CNHT ngành cơ khí, cần mở rộng các hình thức vay trung hạn và dài hạn với lãi suất hợp lý và thời gian hoàn trả vốn phù hợp với khả năng thực tế thu hồi vốn của từng dự án cụ thể, từng sản phẩm cụ thể và trong giai đoạn nhất định. Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển. Vai trò của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ cho DN có nhu cầu đổi mới công nghệ.

 

Theo Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2035, ngành Cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu.

  

 

 

 

 

 

Lê Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang