Chủ Nhật, 28/04/2024 12:50:43 GMT+7

Tin đăng lúc 28-09-2023

Lượt xem: 1458

Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô bao giờ mới phát triển như kỳ vọng?

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô mà cả sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. CNHT phát triển sẽ làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành các sản phẩm ô tô… qua đó, giúp nền kinh tế tăng trưởng trong dài hạn và bền vững. Tuy nhiên, CNHT ô tô Việt Nam sau hơn 30 năm hình thành phát triển vẫn chưa được như kỳ vọng.
Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô bao giờ mới phát triển như kỳ vọng?
Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục tư vấn cho Chính phủ ban hành những chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong nước nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô

Điểm sáng tích cực

 

Thời gian qua, mặc dù ngành CNHT nói chung và CNHT ô tô nói riêng còn có nhiều yếu kém, nhưng trong bức tranh công nghiệp của ngành cũng có những điểm sáng tích cực.

 

Năm 2022, doanh số tiêu thụ ô tô cả nước đạt hơn 500.000 chiếc đã góp phần thúc đẩy ngành CNHT hoạt động mạnh mẽ hơn. Bộ Công Thương cho biết, tỉ lệ nội địa hóa của một số dòng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện ở mức khá cao do khả năng cung ứng sản phẩm CNHT nội địa được cải thiện.

 

Cụ thể, giai đoạn vừa qua, dòng xe tải đến 7 tấn, chúng ta đã chủ động cung cấp được cho thị trường trong nước 70% và tỷ lệ nội địa hoá của dòng xe này đã đạt được đến hơn 50%. Còn xe chở người trên 10 chỗ, hiện nay Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu trong nước là trên 90% và tỷ lệ nội địa hoá từ 20-50%. Đối với Toyota Việt Nam, sau hơn 30 năm đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp này đã xây dựng được một hệ thống các nhà cung cấp tại Việt Nam, trong số 58 nhà cung ứng cho Toyota thì có 12 doanh nghiệp  của Việt Nam. Hay đối với Ford Việt Nam, DN này cũng đang nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều nhà cung ứng trong nước sau khi đã có gần 10 đối tác cung ứng, tập trung vào các linh kiện liên quan hệ thống điện, ắc-quy, các bộ phận nhựa... Tỉ lệ nội địa hóa của Ford Việt Nam hiện đạt khoảng 20% và hãng này vẫn liên tục rà soát để tìm thêm ứng viên cung ứng mới đủ tiêu chuẩn…

 

Ngoài ra, theo số liệu của cơ quan Hải quan, các nhóm sản phẩm như dây điện, hộp số, động cơ cũng có sản lượng xuất khẩu tương đối lớn. Con số trên mặc dù chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, nhưng cũng đáng ghi nhận.

 

Vì sao ngành CNHT ô tô chưa phát triển như kỳ vọng?

 

CNHT ngành ô tô Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ sản xuất ra những linh kiện có giá trị thấp, công nghệ giản đơn

 

Hiện nay, cả nước mới có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp ô tô, trong đó có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và khoảng 250 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT ô tô. So với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan có gần 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp sản phẩm CNHT cấp I và trên 1.700 nhà cung ứng cấp II, cấp III, thì thấy rằng, số lượng doanh nghiệp CNHT ô tô của Việt Nam còn quá khiêm tốn.

 

Công nghiệp ô tô là ngành có sự phong phú, đa dạng của các loại chi tiết, linh kiện phụ tùng, qua đó sẽ thu hút hàng ngàn các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào quá trình sản xuất. Tuy nhiên, tại sao hiện nay số lượng doanh nghiệp CNHT Việt Nam ngành này lại khiêm tốn như vậy? Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến ngành CNHT ô tô trong nước chưa phát triển như kỳ vọng như: Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, dàn trải và thiếu tập trung; hạn chế về nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của DN... Nhưng nguyên nhân lớn nhất có lẽ là do chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào sản xuất CNHT không đủ hấp dẫn.

 

Hiện nay, các chính sách khuyến khích phát triển CNHT vẫn đầy bất cập và chưa hoàn thiện. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đối với ngành CNHT còn rất chung chung, chưa có các quy định đặc thù cho các ngành CNHT, đặc biệt là ngành có hàm lượng kỹ thuật cao như CNTH ngành ô tô. Các ưu đãi đưa ra chung cho tất cả mọi dự án, không khuyến khích đầu tư vào công đoạn có kỹ thuật cao hoặc lĩnh vực đem lại lợi thế cho Việt Nam; không xét đến quy mô vốn, nên không tạo động lực cho các dự án đầu tư lớn. Các quy định về trợ giúp tài chính, ưu đãi sử dụng mặt bằng, đổi mới công nghệ… cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành nhưng đối với lĩnh vực CNHT không rõ ràng nên các doanh nghiệp lĩnh vực này không nhận được ưu đãi như mong đợi.

 

Chính vì vậy mà đến nay, sau hơn 30 năm phát triển, CNHT ngành ô tô Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ sản xuất ra những linh kiện có giá trị thấp, công nghệ giản đơn, thâm dụng lao động như: Ghế ngồi, kính, săm lốp, vành xe, ắc quy, dây điện, sản phẩm nhựa… chiếm tỷ lệ khoảng 20% chi tiết, linh kiện của ô tô, 80% còn lại, trong đó có các chi tiết, linh kiện chính của ô tô có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng lớn như: Hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái, chip bán dẫn... thì chưa làm được, đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này đã khiến chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10 – 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CNHT ô tô trong nước đa số là hạn chế về nguồn lực, máy móc, công nghệ lạc hậu, tốc độ trang bị máy móc, công nghệ mới còn hạn chế, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp mà giá thành lại cao, không đủ năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô trong nước.

 

Nguyên nhân của thực trạng trên thì đã rõ, điều cần làm hiện nay là cần sớm có những chính sách đột phá, phù hợp để giải quyết các bài toán như: Chi phí đầu tư lớn trong khi sản lượng nhỏ; chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao để thu hẹp khoảng cách chi phí với các nước… cùng với đó, doanh nghiệp CNHT cũng cần được hỗ trợ thêm về chính sách tiếp cận vốn vay ưu đãi, chương trình hỗ trợ lãi suất, hay khu công nghiệp dành riêng cho CNHT… nhằm tháo gỡ những nút thắt, tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp phát triển, cũng như khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, có như vậy thì ngành CNHT ô tô của Việt Nam mới có thể phát triển được như kỳ vọng.

 

Minh Vũ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang