Thứ Năm, 02/05/2024 16:21:04 GMT+7

Tin đăng lúc 03-10-2016

Lượt xem: 4047

Ngành Dệt may có vượt qua thách thức khi thị trường thế giới đang có nhiều biến động?

Ngành Dệt may hiện có trên 6000 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động. Đây được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại đã được Việt Nam (VN) ký kết trong thời gian qua. Tuy nhiên khác với kết quả của nhiều năm trước, năm 2016 thực sự là một năm khó khăn đối với ngành Dệt may Việt Nam.
Ngành Dệt may có vượt qua thách thức khi thị trường thế giới đang có nhiều biến động?
Ngành Dệt may quyết tâm xứng đáng là Đơn vị Anh hùng Lao động

Trước những diễn biến bất lợi của thị trường, mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD trong năm 2016 đã được Bộ Công Thương điều chỉnh xuống còn 29 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành ở mức 13,5 tỷ USD, bao gồm các phần may, vải và sợi, chưa đạt được kế hoạch 50% của cả năm. Tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 5,85% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng đặt ra hồi đầu năm là 10%. Mặt khác, sự tăng trưởng này là do đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, còn các doanh nghiệp nội địa vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới.

 

Sáu tháng đầu năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu dệt may chỉ đạt 5,85% so với cùng kỳ (với trị giá 13,5 tỷ USD), bao gồm cả các mặt hàng may, vải và sợi. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của xuất khẩu dệt may VN trong nhiều năm qua, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu đều lo ngại đơn hàng trong nửa cuối năm và khó hoàn thành mục tiêu của cả năm 2016 kể cả khi toàn ngành đã điều chỉnh xuống mức 29 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong cả năm nay.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho biết: “Chưa có thời điểm nào mà khó khăn như 6 tháng đầu năm nay và cả năm 2016. Hầu như lượng hàng phải ăn đong từng tháng một. Ví dụ, Tổng công ty may Hưng Yên có 13 công ty thành viên thì có tới một nửa các công ty mới chỉ ký kết hàng đến hết tháng 8, một số ký được đến tháng 10, còn lại hầu hết thì là đang phải chờ lượng hàng mà đối tác ký tiếp cho thời gian đến cuối năm. Đây có thể coi là một điều đáng báo động đối với ngành Dệt may”. Còn theo ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN: “Cho đến thời điểm này, tín hiệu chung của thị trường thế giới là không tốt như chúng ta đã dự kiến. 6 tháng đầu năm, tất cả các thị trường lớn cộng lại làm cho tổng cầu thế giới giảm 1,6% so với năm 2015. Trong đó riêng thị trường Mỹ giảm 3,4%, thị trường Nhật Bản giảm 2,6%, thị trường Hàn Quốc cũng giảm. Duy nhất có thị trường châu Âu là tăng 2%”.

 

Một trong những diễn biến đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm nay, nước được coi có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã có sự giảm sâu về kim ngạch xuất khẩu (giảm 10% tại thị trường châu Âu, 6% tại thị trường Nhật Bản và 5% tại thị trường Mỹ). Vì quy mô xuất khẩu của quốc gia này lớn, nên kim ngạch giảm rất mạnh, tính tương đương ở thị trường Nhật Bản giảm tới 1 tỷ USD và ở Mỹ là 700 triệu USD giá trị hàng hóa.

 

Đối với VN và một số nước trong khu vực sở dĩ vẫn có tăng trưởng là nhờ sự giảm sút thị phần của Trung Quốc ở các nước này. Nhờ vậy, tuy không đạt kế hoạch, nhưng hàng dệt may của doanh nghiệp VN sang các thị trường chủ đạo đều đạt mức tăng trưởng dương về kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu dệt may VN sang các thị trường lớn như Mỹ tăng 5,93%, đạt 4,29 tỷ USD, Nhật Bản tăng 3,03%, đạt 1,04 tỷ USD, thị trường EU tăng 5,7%, đạt 900 triệu USD, Hàn Quốc tăng 15,58%, đạt 764,9 triệu USD.

 

Trong bối cảnh chung của cả thế giới với lượng cầu sụt giảm 1,6%, tuy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 5,85% của dệt may VN chưa đạt được chỉ tiêu 10% như kỳ vọng. nhưng vẫn được đánh giá là duy trì được năng lực cạnh tranh, vẫn có sự cải thiện thị phần ở thị trường Mỹ và Nhật Bản, mặc dù tốc độ cải thiện về thị phần không lớn bằng các quốc gia khác như Bangladesh, Myanmar, Pakistan…

 

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may VN, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Tổng công ty May 10 đạt 1.280 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng mới chỉ đạt 91% so với kế hoạch đề ra. Nếu như mọi năm khoảng 45% lượng hàng của May 10 được xuất sang thị trường Mỹ thì tính đến thời điểm này, tỷ trọng hàng hóa mà các đối tác Mỹ đặt hàng đã giảm từ 15 – 20% so với năm trước. 

 

Kể từ khi hiệp định TPP được ký kết thống nhất giữa 12 quốc gia, thì các quốc gia không phải là thành viên của TPP đã có rất nhiều phản ứng về chính sách để hướng tới mục tiêu là duy trì khách hàng, duy trì thị phần của họ. Trong đó nổi bật là các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… đã có ngay lập tức có các chính sách giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu và điều chỉnh tỷ giá cùng một số chính sách linh hoạt khác. Còn thực tế ở nước ta, các doanh nghiệp dệt may trong nước đang phải chịu nhiều áp lực từ việc tìm kiếm thị trường, duy trì khách hàng đến việc chấp nhận giảm giá để giữ chân khách hàng.

 

Tạo công ăn việc làm cho người lao động là yêu cầu hết sức khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may. Trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm, thị phần phải san sẻ và sự cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác như Thailand, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar… những nước này đang có những chính sách thông thoáng hơn so với VN. Đặc biệt đây là những nước có ưu đãi xuất hàng sang thị trường châu Âu và Mỹ, cụ thể Campuchia đang được hưởng ưu đãi 0% theo chương trình GSP dành cho các nước kém phát triển, còn VN thì chỉ được hưởng ở nhóm các nước đang phát triển là 9,6%, trong khi đó thuế xuất hàng dệt may vào Mỹ của VN là 17%, vào EU là 10%.

 

Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may trong nước không những phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn tại các thị trường xuất khẩu mà còn phải chịu áp lực về chi phí lao động không ngừng tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều bất cập về chính sách cũng gây ra không ít những khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành. Theo Hiệp hội Dệt may VN, để thúc đẩy xuất khẩu tốt, các doanh nghiệp cần có môi trường phát triển minh bạch, dài hạn, những khó khăn nội tại cần có những biện pháp tháo gỡ thì các doanh nghiệp mới có cơ hội tái đầu tư, mở rộng sản xuất, từ đó nâng cao năng lực xuất khẩu. Trong 6 tháng qua, Tập đoàn Dệt may VN cũng như Hiệp hội Dệt may VN đã gửi nhiều kiến nghị tới Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh các doanh nghiệp dệt may đang phải chịu những tác động kép, bất lợi từ cả hai phía là trong nước và ngoài nước.

 

Theo ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN: “Tất cả các quốc gia như Ấn Độ, Indonexia đều giảm tỷ giá trên 10% và ngay cả Trung Quốc cũng đã giảm tỷ giá rất mạnh, từ chỗ 5,5 NDT đổi 1 USD thì tới nay đã hạ xuống còn 6,5 NDT đổi 1 USD. Điều này đã hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của họ khi mà thị trường thế giới suy giảm. Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, thì trong trung hạn, VN sẽ có nhiều lợi thế, nhưng rõ ràng trong ngắn hạn khi hiệp định chưa có hiệu lực, thì chúng ta vẫn chưa tận dụng được các lợi ích do giảm thuế từ hiệp định, nên các chính sách của các nước cạnh tranh đã tạo ra sức ép hết sức khó khăn về giá đặt hàng tại Việt Nam”.

 

Bên cạnh đó, khi có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong khu vực thì việc hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín của ngành Dệt may cần phải được đẩy mạnh hơn, chỉ có việc đầu tư vào ngành Dệt may thì mới có thể yên tâm trụ vững được trước sự biến động của thị trường và yêu cầu mới của quá trình hội nhập.

 

Tuấn Anh 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang