Thứ Tư, 08/05/2024 01:10:23 GMT+7

Tin đăng lúc 04-01-2022

Lượt xem: 969

Ngành Dệt may nỗ lực vượt khó

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, như đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, thu hẹp thị trường tiêu thụ, song với sự chủ động, linh hoạt trong phương thức sản xuất, kinh doanh, ngành Dệt may đã từng bước vượt qua khó khăn. Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng trong năm 2021.
Ngành Dệt may nỗ lực vượt khó
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10

Báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong quý III-2021, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn duy trì đà tăng trưởng trong năm 2021, ước đạt 39 tỷ USD kim ngạch, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Đây có thể xem là nỗ lực lớn của ngành Dệt may Việt Nam.

 

Theo Phó Chủ tịch VITAS Trương Văn Cẩm, năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn của ngành Dệt may Việt Nam. Tăng trưởng âm 9,8% năm 2020 khiến ngành Dệt may bước vào năm 2021 với nhiều nỗi lo. “Nếu như quý I-2021, doanh nghiệp dệt may phấn khởi bởi đã ký được hợp đồng đến hết quý III-2021, thậm chí hết năm, thì sang quý II-2021, dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng, khiến sản xuất của các doanh nghiệp dệt may gần như đóng băng. Xuất khẩu dệt may tháng 7, 8, 9 năm 2021 liên tục giảm. Đơn hàng không thể trả cho đối tác”, ông Cẩm nói.

 

Còn theo Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Vương Đức Anh, năm 2021, do dịch Covid-19, 32 doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ” với 15.267 người lao động, 17 doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất; hơn 35.000 lao động ngừng việc từ 2 đến 2,5 tháng do bị phong tỏa, cách ly hoặc doanh nghiệp ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải chịu thêm nhiều chi phí về phòng dịch, trả lương ngừng việc, tổ chức “3 tại chỗ", điều trị, cách ly tại chỗ cho người lao động...

 

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Việt Tiến Bùi Văn Tiến cho biết, giai đoạn 19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thì 8 nhà máy của May Việt Tiến nằm trọn trong “vùng đỏ”, thiệt hại vô cùng lớn. 

 

Tuy nhiên, bước vào tháng 10-2021, khi Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thì sản xuất bắt đầu hồi phục. Các doanh nghiệp trở lại hoạt động, kết hợp một số thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản... mở cửa, cùng sự trở lại làm việc của người lao động, giúp ngành Dệt may tăng trưởng trở lại. Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, trong tháng đầu tiên sau giãn cách xã hội, 90% người lao động tại tập đoàn đã trở lại làm việc. Đến nay gần như 100% lao động đã làm việc bình thường. 

 

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Theo ông Trương Văn Cẩm, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh, VITAS đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, kịch bản tích cực nhất là phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5-43,5 tỷ USD, nếu dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I-2022. Kịch bản trung bình đạt 40-41 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào giữa năm 2022 và kịch bản thấp nhất đạt 38-39 tỷ USD, trong trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022. VITAS sẽ tiếp tục kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia tích cực tại các tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may để duy trì chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường.

 

Theo Hanoimoi


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang