Thứ Ba, 30/04/2024 01:09:58 GMT+7

Tin đăng lúc 09-04-2024

Lượt xem: 111

Ngành nông nghiệp tự tin hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ USD

Mới chỉ hết quý I/2024, nhưng với những kết quả đầy khả quan, ngành Nông nghiệp tự tin nhận định cơ hội xuất khẩu rau quả đạt 54-55 tỷ USD là trong tầm tay.
Ngành nông nghiệp tự tin hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ USD
Xuất khẩu nông sản quý II được dự báo sẽ còn sôi động hơn quý I

Nhìn vào bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm 2024 cho thấy có nhiều điểm sáng nổi bật. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã đạt đến con số tỷ USD. Đặc biệt, một số nhóm ngành hàng ghi nhận sự sụt giảm trong năm ngoái, thì hiện cũng tăng trưởng trở lại.

 

Theo đó, dù ngành nông nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức như xâm nhập mặn, dịch bệnh và việc một số lô hàng xuất khẩu bị trả về, song tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trong quý đầu năm vẫn đạt 2,98%, mức cao nhất được ghi nhận trong nhiều năm qua.

 

Các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng, đóng góp vào việc nâng tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp lên 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp trong quý I đạt 3,36 tỷ USD, tăng 96,5%, chiếm 41,5% tổng thặng dư thương mại của toàn nền kinh tế.

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan tính đến hết quý I/2024, ngành nông nghiệp có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, lần lượt là gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, thuỷ sản, gạo và rau quả.

 

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng trưởng quý I tạo tiền đề để toàn ngành tự tin đạt mục tiêu xuất khẩu 54 - 55 tỷ USD trong năm nay.

 

Chia sẻ thực tiễn từ các doanh nghiệp cũng đang cho thấy kỳ vọng tăng trưởng tích cực, khả quan. Ông Trần Văn Tú, Giám đốc Kinh doanh, Công ty Cổ phần chế biến và xuất khẩu Nông sản Việt cho biết, so với năm ngoái, tín hiệu thị trường tốt hơn,vì vậy công ty đang đặt ra mục tiêu năm nay tăng trưởng khoảng 10% so với năm ngoái.

 

Cũng có những tín hiệu khởi sắc đơn hàng, bà Nguyễn Thị Thạo, Phó Giám đốc công ty cổ phần Yến sào VN Nam Khánh Nest cũng chia sẻ: “Đầu năm 2024 đơn hàng xuất đi Trung Quốc tăng lên gấp 10 lần, chúng tôi đang tăng ca sản xuất đảm bảo tiến độ giao hàng, năm nay chúng tôi cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, mục tiêu doanh thu cao hơn năm ngoái từ 10 – 15%".

 

Xuất khẩu quý II được dự báo sẽ còn sôi động hơn quý I, do nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là các loại hoa quả chủ lực như vải thiều, nhãn, xoài, thanh long,... sẽ bước vào mùa thu hoạch. Do đó, các doanh nghiệp đang tập trung, dồn sức để chuẩn bị nguồn lực, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, ký kết thêm các đơn hàng mới.

 

Quý II năm nay ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 2,9 - 3%, xuất khẩu khoảng 14 tỷ USD, cao hơn kết quả đạt được trong quý I.

 

Hiện nay nông sản Việt Nam có lợi thế, dư địa tại nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản... Với khách hàng lớn nhất là Trung Quốc, chúng ta có lợi thế về logistics và hai bên đã ký nhiều nghị định thư xuất khẩu nông sản. Điều này liên tục mở ra những tiềm năng để xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

 

Tuy vậy, có thể nói việc đưa hàng đến các thị trường lớn đó cũng không phải luôn thuận lợi và dễ dàng. Ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam có thể nói như đang “leo lên con dốc đứng”. Để không bị ngã và đi được đường dài, trên thực tế vẫn phải cẩn trọng từng bước.

 

Như ông Phùng Đức Tiến nhận định: “Càng xuất khẩu nhiều, chúng ta càng phải chú ý đến chất lượng, chú ý thương hiệu, không để vì một lý do nào đó mà cả nhóm ngành đều bị ảnh hưởng”.

 

Mới đây nhất, vụ việc 30 lô sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo cadimi vượt ngưỡng quy định an toàn thực phẩm (thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật) là lời cảnh báo cho nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam trong việc quản lý chất lượng nông sản.

 

Do đó, việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với mã vùng trồng, mã đóng gói, sau đó đến phát triển chuỗi giá trị nông sản, liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm… là điều thiết yếu phải được chú trọng đầu tư, sao cho đáp ứng được đủ tiêu chuẩn khắt khe từ các nước nhập khẩu khó tính.

 

Nhận thức được vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cho biết đang ngày càng nỗ lực để nâng cao năng lực, ưu tiên phát triển chất lượng, phát triển thương hiệu, tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản bền vững sang các thị trường nhiều dư địa.

 

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam thông tin, doanh nghiệp đang phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ doanh nghiệp chuẩn bị đón “sóng” xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi ngay khi thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa.

 

"Xác định xuất khẩu sang thị trường nào thì phải nắm chắc thị trường đó. Chúng tôi luôn cố gắng chuẩn bị thật kỹ lưỡng và đảm bảo chất lượng sản phẩm mỗi khi tiến vào thị trường mới", ông Tiến bày tỏ.

 

Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vina T&T Group cũng cho biết, doanh nghiệp đề cao vấn đề liên kết chặt chẽ với người nông dân, sử dụng đúng mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói, có những hỗ trợ, liên kết với hợp tác xã về các loại trái cây để đảm bảo để đảm bảo đủ sản lượng xuất khẩu, giá cả ổn định…

 

Theo VNbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang