Thứ Bẩy, 27/04/2024 21:02:59 GMT+7

Tin đăng lúc 16-10-2023

Lượt xem: 1311

Nghệ An vươn mình hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất linh kiện điện tử của cả nước

Những năm gần đây, Nghệ An đã thu hút được nhiều dự án FDI lớn trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, linh kiện điện tử. Nơi đây đang có triển vọng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước khi lần lượt thu hút các "ông lớn" về điện tử như Luxshare-ICT, Goertek, Ju Teng, Foxconn, Everwin Precision... vào đầu tư.
Nghệ An vươn mình hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất linh kiện điện tử của cả nước
Nghệ An có nhiều triển vọng trở thành “thủ phủ” sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị thông minh

Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có tính chất động lực, trình độ công nghệ cao và dây chuyền sản xuất hiện đại, ít tác động đến môi trường là một trong những định hướng lớn, nhất quán của tỉnh Nghệ An. Cùng với cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh cũng xây dựng các cơ chế để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh vào đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp (KCN).

 

Tính từ năm 2021 – 02/2023, Nghệ An đã thu hút được 04 dự án FDI trên lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, với tổng số vốn 1,23 tỷ USD tại các KCN VSIP Nghệ An 1, Nam Cấm, WHA Industrial Zone 1 Nghệ An và Hoàng Mai 1. Trong đó, Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Luxshare ICT tại KCN VSIP Nghệ An 1 có quy mô lớn nhất khi công suất thiết kế 74 triệu sản phẩm, tương đương với giá trị sản xuất 3.440 tỷ đồng, đã khởi công và sẽ chính thức đi vào sản xuất từ tháng 3/2024, đóng góp đáng kể cho ngân sách và tạo việc làm cho 14.000 lao động. Dự án Goertek Vina chuyên chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại KCN WHA Industrial Zone1- Nghệ An có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD, sau đó tăng thêm 400 triệu USD.

 

Bên cạnh đó, còn phải kể đến Dự án sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô của Tập đoàn JuTeng (Chu Thống) của Đài Loan tại KCN Hoàng Mai 1 có tổng mức đầu tư gần 200 triệu USD, tương đương với 4.602 tỷ đồng. Ngoài ra là Dự án Everwin của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị truyền thông và các sản phẩm điện tử dân dụng tại KCN VSIP Nghệ An 1, có tổng mức đầu tư khoảng 400 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 là 200 triệu USD, công suất thiết kế 270 triệu sản phẩm/năm.

 

Cùng với 4 dự án lớn kể trên, thì sắp tới đây, các dự án của Tập đoàn Goertek và Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam sẽ đi vào hoạt động.

 

KCN WHA IZ 1à một trong những KCN thu hút dự án lớn về sản xuất linh kiện điện tử tại Nghệ An

 

Theo đó, Tập đoàn Goertek đã cam kết đầu tư vào KCN WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An 500 triệu USD; trong đó, giai đoạn 1 có mức đầu tư 100 triệu USD để xây dựng nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, với công suất hơn 381 triệu sản phẩm/năm, trên diện tích 40 ha. Hiện nay, dự án của Goertek giai đoạn 1 đã hoàn thành xây dựng, dự kiến đưa một phần dự án đi vào hoạt động trong tháng 9/2023. Tiếp đó, vào tháng 10/2023, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 200 triệu USD của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision đầu tư tại KCN VSIP Nghệ An cũng dự kiến sẽ đi vào hoạt động sản xuất vỏ, linh kiện và bộ phận bằng kim loại; lắp ráp dây cáp; các bộ phận từ nhựa ứng dụng cho thiết bị thông minh và ô tô năng lượng mới, có công suất thiết kế 270 triệu sản phẩm/năm.

 

Được biết, nhà đầu tư đến từ Hong Kong này đã đăng ký đầu tư vào Nghệ An cả 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư lên đến 400 triệu USD. Hai dự án FDI lớn đi vào hoạt động là dấu hiệu đáng mừng, tạo thêm năng lực sản xuất mới để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp của Nghệ An, nhất là trong thời điểm gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2023 đến nay.

 

Vào tháng 6 vừa qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cũng vừa trao Giấy chứng nhận đầu tư trị giá 293 triệu USD cho Tập đoàn Khoa học, kỹ thuật năng lượng mới Runergy chuyên sản xuất thanh silic và đĩa bán dẫn đến từ Trung Quốc. Cũng mới đây, ngày 20/9/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã trao Giấy chứng nhận đầu tư trị giá 150 triệu USD cho Tập đoàn Sunny dự án đầu tư cơ sở mới Sunny Automotive quang học Vina. Đây là dự án chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp mô đun camera, màn hình đèn xe thông minh, chiếu sáng thông minh, mô đun chiếu và gia công khuôn, thiết bị lắp ráp và kiểm tra quang điện, thấu kính thủy tinh, thấu kính nhựa... Cùng với đó là Lễ ký kết hợp tác giữa Tập đoàn WHA và Tập đoàn Sunny với các nhà cung ứng.

 

Với dự án trên, Nghệ An đã lọt vào tốp 6 các tỉnh có chỉ số thu hút FDI cao nhất cả nước 9 tháng đầu năm 2023, tăng 2 bậc và lần đầu tiên cán mốc 1,272 tỷ USD chỉ sau 9 tháng. Không những thế, Nghệ An còn tiến thêm một bước vươn lên để trở thành trung tâm sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện tử thông minh của cả nước.

 

Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết: Việc thu hút các dự án đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghệ hiện đại đang là ưu tiên của tỉnh. Các dự án khi triển khai trên địa bàn, ngoài định hướng thu hút đầu tư theo quy định, còn góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ. Mặc dù những tập đoàn, nhà đầu tư lớn đến từ các quốc gia khác nhau, nhưng đều là các đối tác hỗ trợ nhau, cùng cung cấp linh kiện cho các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Samsung, Apple, Foxconn... Hiện tại, với việc thu hút được các tập đoàn công nghệ điện tử vào đầu tư đã tạo ra từ 65.000 đến 68.000 việc làm cho lao động trên địa bàn.

 

Được biết, với tổng công suất sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị thông minh mỗi năm lên tới hàng trăm triệu sản phẩm, sử dụng hàng chục ngàn lao động, các dự án FDI trên lĩnh vực điện tử, linh kiện thông minh đã góp phần đưa giá trị sản xuất của ngành công nghiệp Nghệ An tăng vượt bậc. Năm 2022 vừa qua đạt trên 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 112,7%, trong đó, công nghiệp điện tử tăng 205,87%, là một trong những lĩnh vực có tăng trưởng ấn tượng nhất.

 

Từng bị đánh giá là một “vùng trũng” về thu hút đầu tư nước ngoài thì đến nay Nghệ An đã thu hút được nhiều DN FDI có quy mô lớn quan tâm vào đầu tư. Điều đó thể hiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được cải thiện đáng kể.

 

Với việc các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang không ngừng mở rộng đầu tư vào các hoạt động sản xuất tại Nghệ An, chỉ trong một thời gian ngắn nữa khi các nhà máy chính thức đi vào hoạt động đồng loạt, chắc chắn Nghệ An sẽ trở thành “cứ điểm” sản xuất công nghiệp mới của nước ta, cùng với đó là kỳ vọng trở thành “thủ phủ” sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị thông minh trong tương lai không xa, phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Trường An


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang