Chủ Nhật, 05/05/2024 07:24:59 GMT+7

Tin đăng lúc 10-03-2017

Lượt xem: 2016

Nghịch cảnh được mùa rớt giá: Đến bao giờ mới hết?

Sau câu chuyện lợn mất giá, giờ tiếp tục đến quả chuối của người dân Đồng Nai phải hứng chịu thảm cảnh chất đống và không có nơi tiêu thụ. Đã có rất nhiều chương trình nhằm “cứu” chuối cho người dân, tuy nhiên không ít người tỏ ra ngao ngán cho rằng, bao giờ tình trạng “được mùa mất giá” mới không còn đeo bám người nông dân?.
Nghịch cảnh được mùa rớt giá: Đến bao giờ mới hết?
Để ngành Nông nghiệp phát triển bền vững không thể mãi dựa vào tình thương.

Vẫn là câu chuyện cũ

 

Thời gian vừa qua, người dân trồng chuối ở Đồng Nai đã phải sống trong tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Sau thời điểm buồn bã, lo lắng và thất vọng khi thương lái Trung Quốc ngưng thu mua chuối, khiến giá chuối giảm xuống mức thấp nhất (từ 2.000 – 4.000 đồng/kg) những vẫn không thể tìm được đầu ra, nguy cơ thua lỗ cận kề, người dân trông chuối đành phải “kêu cứu”.

 

Trước tình hình trên, để giải cứu chuối cho người dân, phong trào “cứu” chuối đã diễn ra trên khắp các tỉnh, thành phố lân cận, từ các cá nhân, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cho đến các đoàn thể, doanh nghiệp… Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn tấn chuối đã được tiêu thụ với giá gốc (8.000 – 9.000 đồng/kg), đã giúp các hộ nông dân thở phào nhẹ nhõm. Việc người dân, doanh nghiệp, các cơ quan đoàn thể cùng chung tay giúp nông dân vượt qua khó khăn, không chỉ thể hiện tinh thần đoàn, đùm bọc nhau trong hoạn nạn, mà còn thể hiện truyền thống vốn có của người dân Việt Nam, đó chính là tinh thần tương thân tương ái…

 

Chị Ngọc Anh ở Trung Văn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chia sẻ khó khăn với người dân là một việc làm rất ý nghĩa và nhân văn. Tuy nhiên, chúng ta có thể giúp người dân mùa vụ này, nhưng liệu mùa vụ sau, người dân trồng chuối liệu có hết điêu đứng?. “Chính quyền địa phương cần phải có những hướng đi cụ thể, sát sao và hướng người nông dân đến với sản xuất hiện đại, chứ không thể mãi chạy theo giải quyết hậu quả. Nếu mãi như vậy chúng ta khó mà hình thành và phát triển được một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại”- chị Ngọc Anh cho hay.

 

Việc “cứu” chuối giúp bà con nông dân vượt khó là việc nên làm, nhưng cần phải làm rõ vấn đề phía sau của câu chuyện đó là gì?. Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Trương Xuân Thiên cho biết, người dân và doanh nghiệp giúp đỡ nông dân là tốt, thế nhưng câu chuyện nông dân “được mùa mất giá” không phải bây giờ mới diễn ra và nguyên nhân sâu xa đó là gì? Phải chăng do nền nông nghiệp của chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Cuộc khủng hoảng của thanh long, dưa hấu, vải thiều, hay gần đây nhất là lợn hơi của người nông dân Việt Nam, đã phải điêu đứng vì thương lái Trung Quốc ngưng thu mua. Bài học vẫn còn đó, nhưng tại sao người dân trồng chuối ở Đồng Nai vẫn bị đi vào “vết xe đổ”?. Tôi nghĩ, để vấn đề này xảy ra, một phần là do thói quen, tập quán canh tác, mặt khác là do sự thiếu định hướng từ chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương”- ông Thiên nói.

 

Phát triển kinh tế không thể mãi bằng tình thương

 

Phải khẳng định việc hỗ trợ và đồng hành với người nông dân là hành động vô cùng ý nghĩa. Thế nhưng, đối với một đất nước giàu truyền thống nông nghiệp, lại đang được Nhà nước định hướng và đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp công nghệ cao. Thì việc “được mùa mất giá”, vẫn trở thành điệp khúc lặp đi, lặp lại trong nhiều năm qua, khiến nhiều người không khỏi lo lắng, băn khoăn.

 

Vẫn biết, nông sản là một trong những mặt hàng chủ lực của nền kinh tế, nhưng hiện nay người chăn nuôi, trồng trọt vẫn chưa có sự nghiên cứu kỹ vào thị trường và nhu cầu của xã hội. Thay vào đó, họ chạy theo lợi nhuận, lợi ích kinh tế trước mắt. Thấy lợi ích kinh tế thì ồ ạt trồng, mất giá thì phá cũ và tìm hướng mới, đó chính là cách làm không khoa học và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi do.

 

Nói về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Đặng Đình Tiền cho biết, sở dĩ người nông dân rơi vào thảm cảnh “được mùa mất giá”, là do chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bởi sự dễ dãi của thị trường này. Vì thế, khi bị kiểm định gắt gạo hoặc bị ngừng thu mua là rơi vào khủng hoảng. “Làm nông nghiệp hay kinh doanh bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều nhằm mục đích mang lại kinh tế cho cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, đã là làm kinh tế thì không thể mãi dựa vào sự hô hào ủng hộ, dựa vào tình thương của xã hội. Đây không phải là cách làm kinh tế chuyên nghiệp và bền vững”- ông Tiền cho hay.

 

Cũng theo chuyên gia kinh tế Đặng Đình Tiền, để người nông dân rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, không có con đường nào khác đó là hiện đại hóa ngành nông nghiệp, việc đầu tiên đó là phải xây dựng được những vùng trồng tập trung, cánh đồng lớn, xóa bỏ kiểu làm ăn manh mún và áp dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào chăm sóc… Ông Tiền chia sẻ: “Nhà nước cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghiệp.

 

Tuy nhiên, hiện tại nhiều chính sách vẫn còn chưa sát và thiếu thực tế. Vì thế, nếu người nông dân không thay đổi, không chịu đầu tư vào chăn nuôi và nuôi trồng không khoa học, sẽ khó tạo ra nền nông nghiệp chuyên nghiệp, khi đó ngành Nông nghiệp sẽ còn gặp phải khó khăn hơn rất nhiều. Và việc ngành Nông nghiệp hướng đến sự phát triển bền vững, sẽ là quá trình lâu dài”.

 

Nguồn Laodongthudo.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang