Thứ Bẩy, 11/05/2024 09:56:27 GMT+7

Tin đăng lúc 26-06-2016

Lượt xem: 2721

Nghiên cứu toàn diện các mô hình tăng năng suất lao động

Chính phủ rất quan tâm tới nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó yếu tố quan trọng là khắc phục hạn chế về năng suất lao động thấp của doanh nghiệp nội địa. Vì vậy cần đánh giá toàn diện hơn vấn đề nâng cao năng suất lao động, tìm kiếm các mô hình quản lý cải thiện điểm yếu này.
Nghiên cứu toàn diện các mô hình tăng năng suất lao động
Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là ý kiến của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tại hội thảo “Áp dụng các mô hình quản lý năng suất lao động trong doanh nghiệp” do Cục Tài chính doanh nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 24/6.

 

Có cải thiện nhưng chưa đủ

 

Theo Tổng cục Thống kê, so với 2010, năng suất lao động (NSLĐ) của nền kinh tế năm 2015 (tính theo giá hiện hành) đạt 79,3 triệu đồng/năm/lao động, tương đương 3.660 USD.

 

Như vậy, NSLĐ của người lao động Việt Nam đã có cải thiện theo hướng tăng đều, bình quân giai đoạn 2006-2015 tăng 3,9%/năm. So với năm 2010, năm 2015 năng suất lao động đã tăng 23,6%, song vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 29-32%, chưa đủ bù đắp khoảng cách về năng suất với các quốc gia khác trong khu vực.

 

Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ lo ngại là việc tăng trưởng GDP của nền kinh tế đạt được lại là nhờ các yếu tố như lực lượng lao động tăng về số lượng, tích lũy vốn tăng mạnh... chứ không hẳn là có sự đột phá về NSLĐ. Trong thời gian tới, mỗi nhân tố bù đắp về số lượng, vốn sẽ yếu đi, nếu không sớm khắc phục hạn chế về năng suất sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng.

 

Theo bà Phạm Chi Lan, điều kiện tiên quyết để Việt Nam đạt được các mục tiêu về thu nhập vào năm 2035 là khôi phục tăng trưởng NSLĐ. Trong đó trước mắt phải tạo môi trường thuận lợi, phát triển khu vực tư nhân, cải cách toàn diện doanh nghiệp Nhà nước, Việt Nam cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thị trường, thương mại hóa, giảm can thiệp của Nhà nước. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội ngoại thương, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Một giải pháp quan trọng là tăng cường minh bạch, tạo sân chơi bình đẳng, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, tăng năng suất.

 

Việc xây dựng các thể chế thị trường một cách thực chất, kịp thời phát hiện và chống các hành vị tổn hại đến tính cạnh tranh công bằng, trong đó, đặc biệt phải minh bạch hóa thị trường đất đai,  tăng trách nhiệm giải trình về các khoản chi ngân sách. 

 

Ngoài ra, cần phát triển mạnh các ngành dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính chuyên nghiệp, hiện đại hóa…

 

Có cùng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ Nhà nước cần tạo động lực cho cách mạng công nghệ thông tin, thực hiện hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thị trường lao động linh hoạt, phát triển lao động có tay nghề cao, đặc biệt chú trọng các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP).

 

Việc Nhà nước xây dựng môi trường cạnh tranh sẽ tạo điều kiện cần thiết cho tăng NSLĐ; chất lượng lao động, vốn con người là nền tảng nâng cao năng suất.  Một hệ thống thể chế linh hoạt sẽ tạo động lực cho tăng NSLĐ.

 

Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, ngay cả trong nước, trong bối cảnh thể chế kinh tế chưa thật sự hoàn thiện, cũng có những mô hình tăng năng suất lao động đáng quan tâm nghiên cứu.

 

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp chia sẻ  một số trường hợp doanh nghiệp Việt có NSLĐ khá cao.

 

Ở Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, năng suất lao động đạt 6,5 tỷ đồng/người/năm. Trong 3 năm qua, doanh thu bình quân mỗi năm của Viettel tăng gần 20% nhưng số nhân sự không tăng. Còn nhà máy Samsung ở Bắc Ninh đã xuất khẩu khoảng 130 triệu điện thoại di động và thiết bị khác, trị giá gần 24 tỷ USD (năm 2013). Trong đó, doanh nghiệp sử dụng 45.000 lao động và chỉ có 70 người Hàn Quốc. Thậm chí, Công ty này cũng quyết định đóng cửa trung tâm nghiên cứu tại Singapore để chuyển sang hoạt động Việt Nam. 



Những thành công về tăng NSLĐ của các doanh nghiệp này cần được nghiên cứu để áp dụng.

 

Theo Báo điện tử Chính phủ


Tag:VCCI

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang