Thứ Hai, 29/04/2024 03:55:01 GMT+7

Tin đăng lúc 12-06-2023

Lượt xem: 735

Người dân, doanh nghiệp đồng hành cùng lực lượng chức năng triệt tiêu thực phẩm chức năng giả

Trong thời gian qua, do nhu cầu người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng tăng cao, nguồn cung và thị trường tiêu thụ rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng là những kẽ hở giúp cho các đối tượng lợi dụng để sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây bức xúc trong dư luận và người dân.
Người dân, doanh nghiệp đồng hành cùng lực lượng chức năng triệt tiêu thực phẩm chức năng giả
Bao bì đóng gói thực phẩm chức năng giả bị lực lượng chức năng thu giữ

Về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết: Đối với thực phẩm chức năng là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, đối tượng sử dụng là những người cao tuổi, chị em phụ nữ và trẻ em, nhằm giúp tăng cường sức khỏe, phòng tránh bệnh tật... Tuy nhiên, đối với thực phẩm chức năng là những mặt hàng dễ làm và có nguy cơ làm giả cao, các đối tượng phân phối, buôn bán, quảng cáo đa phần trên các trang mạng xã hội, trang cá nhân trên nền tảng những sản phẩm của các hãng uy tín trong nước và sản phẩm được nhập khẩu.

 

Theo các chuyên gia, đối với các sản phẩm là thực phẩm chức năng giả đa phần là kém chất lượng, không đảm bảo các thành phần bắt buộc cũng như vệ sinh ATTP… Cho nên, người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm chức năng giả sẽ không có tác dụng cho tăng cường sức khỏe, mà còn có nguy cơ bị ngộ độc, gây dối loạn tiêu hóa nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.

 

Điển hình, lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp với lực lượng Công an Hà Nội kiểm tra tại một điểm trong khu đô thị Times City, phát hiện 1 tấn bao bì tem nhãn và gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng tương đương hàng triệu viên các loại hình viên nhộng không rõ nguồn gốc xuất. không bao bì, nhãn mác. Khai nhận với lực lượng chức năng, đối tượng cho biết đây là các loại thuốc về lợi tiểu và liên quan đến đường tiêu hóa.

 

Gần đây nhất là vụ, lực lượng chức năng thu giữ gần 12.000 lọ/ hộp thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm tại (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội). Các sản phẩm giả các nhãn hiệu của nước ngoài, được gắn tên các đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các doanh nghiệp trong nước. Ngoài số hàng hóa thành phẩm trên, lực lượng chức năng còn ghi nhận tại cơ sở kinh doanh chứa 4.070 lọ nhựa đựng 20 viên sủi/lọ không có nhãn mác; 67 kg viên thuốc các loại không có nhãn mác; 44.656 chiếc tem nhãn giấy các loại có chữ Lady, Xtraman, Toca, V3, tem chống hàng giả; 15.478 chiếc vỏ hộp giấy các loại cùng 1 chiếc máy khò nhiệt và 1 chiếc máy ép nhiệt đã qua sử dụng nhãn có chữ nước ngoài.

 

Theo ông Trần Đức Đông – Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết: Xu hướng sản xuất, buôn bán hàng giả là tân dược, thực phẩm chức năng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân. Các nhóm này thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm lớn để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng chuyển từ hình thức sản xuất, kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ trực tiếp sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để đặt hàng nên rất khó để ngăn chặn.

 

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ thì ngoài  các bộ, ngành có liên quan kiểm tra, xử lý mạnh về thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng... Thì chính doanh nghiệp và người tiêu dùng phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh chống thực phẩm chức năng giả sẽ rất hiệu quả. Cần phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường.

 

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng, Cục nghiệp vụ Tổng cục QLTT cho biết: Hiện nay doanh nghiệp tự công bố chất lượng nộp cho Cục ATTP, tự sản xuất và tự chịu trách nhiệm nên khi công bố một đằng, nhưng sản xuất lại một nẻo. Bên cạnh đó, chưa có tiền kiểm, mà chỉ có hậu kiểm, nên thực phẩm chức năng không đạt chất lượng, khi phát hiện vi phạm thì người tiêu dùng đã sử dụng rồi. Ngoài ra, việc giám định, phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng giả, thật gặp rất nhiều khó khăn.

 

Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc… là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta phải chi phí một khoản kinh phí lớn và thời gian để đánh giá. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường.

 

Do vậy, để ngăn chặn sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ… lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng, cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác… Đối với các sản phẩm là thuốc, nên mua tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, tránh mua trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội, góp phần vào việc đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng đem lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và  doanh nghiệp, đảm bảo ổn định thị trường, ổn định an ninh trật tự an toàn xã hội.

 

Công Đăng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang