Thứ Hai, 29/04/2024 18:17:01 GMT+7

Tin đăng lúc 31-12-2020

Lượt xem: 1317

Nhật ký nước Mỹ - mùa đại dịch

Giáp Tết âm lịch năm ngoái, quê nhà có việc, mình vội vàng mua vé bay từ Mỹ về Việt Nam. Buổi chiều và đêm 30, trời bỗng mưa to, gió lớn, sấm sét ùng oàng. Dường như đó là dự báo của một năm đầy biến động... Giữa cái Tết cổ truyền quan trọng của Việt Nam và Trung Quốc, tưởng chừng chỉ có pháo hoa và nụ cười, nhưng nước mắt đã rơi, rơi rất nhiều ở Vũ Hán. Kéo theo đó là tâm lý hoảng loạn loang dần ra trên toàn thế giới.
Nhật ký nước Mỹ - mùa đại dịch
GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và Ngài Daniel J. Kritenbrink- Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam chứng kiến lễ lý kết trao tặng 100 máy thở cho Việt Nam

 Thời điểm đó, Vũ Hán là cái tên được truy cập nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông! Mình rất sốt ruột, sợ bên Mỹ phong tỏa và mình không nhập cảnh được vào Mỹ, vì Việt Nam lúc đó cũng được coi là cận kề vùng dịch.

 

Sau Tết, gạt rất nhiều nước mắt, rất nhiều băn khoăn, day dứt, trăn trở, mình từ biệt gia đình để bay lại sang Mỹ. Khi đi, mình đã chuẩn bị tâm thế khi làm thủ tục ở sân bay Mỹ sẽ rất phức tạp, nhưng thật ngạc nhiên vì thấy thủ tục hải quan của họ rất nhanh, chỉ mất vài phút.

 

Trên chuyến tàu từ sân bay về nhà, dân Mỹ nhìn mình như người từ hành tinh khác xuống. Mình hỏi chồng (anh ra sân bay đón): Tại sao mọi người cứ nhìn em? Anh trả lời: Chắc em đeo khẩu trang.

 

Quả đúng vậy. Trên cả toa tàu, không một ai đeo khẩu trang. Dường như con virus đáng sợ đó chưa tác động đến tư tưởng người Mỹ nhiều lắm, dẫu lúc đó đã là đầu tháng 2/2020 - những ngày sôi sục nhất ở Vũ Hán ...

 

Nhớ hôm còn ở Việt Nam, mình gọi điện cho con gái: “Chắc chắn nước Mỹ là điểm đến của nhiều người trên khắp thế giới, dân Trung Quốc vào Mỹ rất nhiều. Con phải ra ngay siêu thị mua nước sát trùng khô, xà phòng rửa tay và khẩu trang”.

 

Con gái trả lời: “Rất khó để mua được những thứ đó bây giờ mẹ ạ! Dân Trung Quốc mua hết rồi”.

 

Sang đến Mỹ, ngay hôm sau mình đi siêu thị. Các siêu thị nơi mình ở vẫn tràn ngập đồ ăn và thực phẩm, hoa quả, nhưng ở các quầy giấy vệ sinh, khẩu trang và nước rửa tay khô còn rất thưa thớt. Người Mỹ phẫn nộ vì dân Trung Quốc đã âm thầm mua vét cạn từ trước đó. Mình phải đi mua gạo, thực phẩm, rau củ để dự trữ. Các con hỏi: “Mẹ tích trữ để làm gì? Nước Mỹ không bao giờ thiếu đồ mà”.

 

Mình kể cho các con nghe về trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm 2008. Nhờ cái tính lo xa mà nhà mình đầy đủ nhu yếu phẩm của một cuộc chống rét và chống đói. Lo xa là một đặc tính của con nhà nghèo. Chồng và các con rất hay cười mình bởi tính lo xa. Thế nhưng, đôi khi nó cũng được việc...

 

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh phong tỏa hàng không, bắt đầu từ chối tiếp nhận khách các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ. Mình rất mừng, nghĩ rằng nước Mỹ đang đi đúng hướng. Với tiềm lực khoa học, kĩ thuật, máy móc, thuốc men, chắc chắn Mỹ sẽ vượt qua đại dịch, nhưng mình đã nhầm...

 

Số ca nhiễm COVID của Mỹ tăng chóng mặt. Từ một bang đã lan ra toàn quốc. New York - Thành phố đầy tang tóc bởi số người chết và người nhiễm quá nhiều. Mình run rẩy bởi vì chỉ vài tháng trước đó, con gái đầu của mình sống và làm việc tại đó.

 

Massachusetts cũng như nhiều bang khác thực hiện đóng cửa. Chỗ mình làm cũng vậy. Mình ở nhà. Càng ở nhà, càng hoảng loạn bởi hàng ngày đọc quá nhiều tin tức. Thậm chí, bị tự kỉ ám thị đến mức chỉ dám rụt rè mở cửa sổ vào lúc màn đêm đã buông. Có cảm giác con virus có hình hài như một bóng ma hay Thần Chết luôn rình rập...

 

Nhưng mùa hè đẹp quá, nắng và hoa mời gọi. Mình lại ra đường. Sáng chạy bộ. Chiều phóng xe đi. Đi khắp nơi để ngắm cảnh. Luôn luôn đóng cửa xe và luôn luôn chỉ trong xe. Trên khắp các nẻo đường mình đi, thưa thớt người. Dân Mỹ đã biết sợ. Họ cũng đã ở nhà. Quán bar, nhà hàng, phòng tập gym đóng cửa. Tổng thống Trump kí gói cứu trợ 2.000 tỷ USD. Người dân Mỹ tự động nhận được: 1.200 USD trong tài khoản, trẻ em 500 USD. Ở mỗi hộp thư trước nhà, họ gài mảnh giấy có chữ kí của đương kim tổng thống, nói đại ý là tôi đã kí sắc lệnh chuyển tiền, cảm ơn mọi người.

 

Ở các siêu thị, có thời điểm chỉ dành để đón tiếp người già. Họ được hỗ trợ mua đồ, vận chuyển đồ, thậm chí mang đến tận nhà. Các khu dân cư đều có xe phân phát lương thực, thực phẩm. Trên điện thoại hay Facebook của mình, ngày nào cũng hiện lên hàng chữ: Trang! Bạn có đói không? Có cần thực phẩm miễn phí không? Chúng tôi sẵn sàng cung cấp thực phẩm cho bạn. Không cần mang theo giấy tờ gì, bạn cứ đến và nhận. Trang, bạn có chỗ ở không? Trang, bạn có cần gì không, chúng tôi sẽ hỗ trợ! Trang, hãy đeo khẩu trang! Trang, hãy sát trùng tay! Trang, hãy ở nhà…

 

Con trai mình không đi học. Con gái không đi học. Nhưng các tấm séc vẫn chuyển về. Ví dụ, hơn 200 USD mà hãng xe bus trả cho con vì không đi học; hơn 300 USD vì con không ăn bữa trưa tại trường...

 

Nhưng mà, quá muộn rồi. Con virus nó đã len lỏi và bùng phát, khiến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Luôn luôn là số 1. Đúng là cười ra nước mắt.

 

Có rất nhiều nguyên nhân để nước Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Người ta đã tìm ra nhiều và lý giải nhiều, ở tầm vĩ mô.

 

Cá nhân mình, mình thấy thật đáng tiếc cho nước Mỹ. Đau xót lắm, trước những con số biết nói: Hơn hai trăm nghìn người Mỹ vĩnh viễn ra đi rồi...

 

Có sống ở Mỹ, mới thấy người dân Mỹ yêu chuộng tự do như thế nào. Tự do trong ăn, mặc, nói năng. Tự do trong nhiều điều nữa. Nước Mỹ luôn xử lý các vấn đề bằng luật. Luôn là luật. Thế nhưng, nhiều luật, xét cho cùng cũng là bắt nguồn từ việc tôn trọng tự do cá nhân.

 

Ví dụ, không dọn tuyết trước nhà, phạt. Để cảnh quan trong vườn xấu, phạt. Hát hò gây tiếng ồn quá to, phạt. Phơi quần áo mà người ta nhìn thấy mất mỹ quan, phạt...

 

Những cái phạt đó, nếu có, là do người hàng xóm thưa với cảnh sát. Người ta phải tôn trọng và tuân thủ tối đa cái tự do cá nhân của con người, kể cả trong nghe, nhìn, đi lại... Thế nên, dân Mỹ không đeo và không thích đeo khẩu trang. Họ thích tự do cá nhân, từ chối đeo khẩu trang từ đầu, từ chối phong tỏa, từ chối mọi biện pháp kiểm soát.

 

Họ vẫn đổ ra đường trong mọi dịp, vai kề vai, mặt sát mặt… các dịp lễ, các cuộc biểu tình, các kì bầu cử. Mà con virus nó cũng có tự do của nó, trong khi nó không phải xin phép ai và cũng không cần luật gì để khắc chế.

 

Trên chuyến bay cứu trợ, mình lại trở về Việt Nam. Email từ Đại Sứ quán Việt Nam tại Mỹ, các cuộc gọi từ Đại Sứ quán đều dặn dò rất ân cần, chu đáo và nghiêm khắc về vấn đề phòng dịch. Kê khai y tế làm rất cẩn thận qua từng chặng. Xuống sân bay, leo lên xe về nơi cách ly là có xe của cảnh sát dẫn đường và giám sát. Về đến sân khách sạn là phun thuốc khử trùng toàn bộ người và hành lý. Cởi bộ đồ bảo hộ kín mít, đo thân nhiệt, làm đủ thủ tục rồi mới được nhận phòng. Sau đó là cách ly, không ló cổ ra đến hành lang. Cơm nước có người mang đến. Ngày hai lần đo nhiệt độ. Xét nghiệm đúng quy định.

 

Việt Nam nghèo. Nhưng con nhà nghèo thường hay biết lo xa, từng đường đi nước bước đầy cẩn trọng.

 

Xã hội loài người sẽ còn rất nhiều biến động. Bởi trong tiến trình phát triển, con người ta luôn vẫn sẽ mắc những sai lầm. Đã trải qua cả nhiều nghìn năm rồi, chứ không chỉ hôm nay. Nhưng mình luôn tin, cũng như truyện cổ, cuối cùng rồi sẽ ổn.

 

Ánh sáng cuối đường hầm đã ló rạng rồi. Vaccine sắp có. Điều quan trọng nữa, người dân Mỹ và cả thế giới loài người đã nhận ra nhiều điều tiềm ẩn đáng sợ. Bài học rất đắt, nhưng mình tin thế giới đã nhận ra.

 

Một năm đầy biến động và một năm đầy sợ hãi. Mãi mãi không quên.

 

Như Trang

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang