Thứ Bẩy, 27/04/2024 04:01:23 GMT+7

Tin đăng lúc 12-08-2021

Lượt xem: 1185

Nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa

Thời gian gần đây, số lượng các vụ việc, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên. Các chuyên gia thương mại lo ngại rằng nguy cơ này tiếp tục gia tăng khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa
Các bộ ngành đang rất quyết tâm đẩy lùi tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa

Gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng

 

Thống kê từ Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, đến hết quý II/2021, đã có 207 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

 

Các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế hàng hóa xuất khẩu thường là các trường hợp hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế. Ngoài ra, không ít trường hợp hàng hóa của nước ngoài lấy xuất xứ Việt Nam nhằm mục đích hưởng thuế suất ưu đãi theo các FTA hoặc các quy định ưu đãi thuế quan.

 

Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một số nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

 

Nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp trong phòng vệ thương mại, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể. Về lâu dài, điều này còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.

 

Nhiều giải pháp được áp dụng

 

Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, thời gian qua, mặc dù các đơn vị chức năng đã nỗ lực trong hoạt động cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát và thẩm tra, song nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng về thương mại và gian lận xuất xứ có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, việc thẩm tra, xác minh hành vi gian lận lại rất phức tạp và khó phát hiện.

 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương đã ủy quyền cho các cơ quan, tổ chức, phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực của Bộ cấp C/O ưu đãi theo các FTA. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đơn vị duy nhất được ủy quyền cấp C/O không ưu đãi và C/O form A hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Có hai chiều trong hoạt động cấp C/O đó là, phải phòng, chống gian lận xuất xứ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

 

Bộ Công Thương cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như khoanh vùng nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cao; rà soát xác định các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành phân tích, quyết định kiểm tra. Đồng thời, phối hợp với VCCI kiểm tra, rà soát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với một số hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn...

 

Thời gian tới, nhằm triển khai hiệu quả Đề án "Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra chặt chẽ hồ sơ đề nghị cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu để phòng chống các hành vi gian lận xuất xứ; thường xuyên theo dõi danh sách các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế được thông báo và cập nhật hàng tháng.

 

Trong năm 2021, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành và phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chủ động sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng.

 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nhất là hàng hóa lưu thông trong nước.

 

Về phía cơ quan Hải quan, thời gian qua, cơ quan này đã cảnh báo nguy cơ, đồng thời, liệt kê và thông báo về các nhóm mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp bị giả mạo xuất xứ để doanh nghiệp nắm được, phối hợp cùng cơ quan quản lý có những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Những thông tin và giải pháp này thực sự đã giúp ích rất nhiều cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

 

Tổng cục Hải quan cho biết sẽ áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để kiên quyết đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

 

Đồng thời, ngành hải quan cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện rà soát cơ sở pháp lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ, ghi nhãn để khắc phục sơ hở của hệ thống pháp luật, làm cơ sở pháp lý để thống nhất thực hiện…

 

Có thể thấy, các bộ ngành đang rất quyết tâm đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ. Nhưng để hoạt động này đạt hiệu quả cao, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp thông qua việc không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Có như vậy mới thúc đẩy được sản xuất trong nước phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam mới được bảo vệ trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và uy tín của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế mới được đảm bảo.

 

Quỳnh Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang