Thứ Sáu, 26/04/2024 21:30:41 GMT+7

Tin đăng lúc 18-08-2021

Lượt xem: 1065

Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận thương mại

Theo danh sách cảnh báo sớm của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, hiện có nhiều mặt hàng, sản phẩm Việt Nam xuất khẩu tiếp tục có nguy cơ bị nhiều thị trường nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, hoặc biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận thương mại
Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp PVTM

Danh sách cảnh báo trên được Cục phòng vệ thương mại xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp PVTM hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba, nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.

 

Theo thông báo mới nhất từ Cục Phòng vệ thương mại, từ tháng 01/2021 đến tháng 5/2021, danh sách theo dõi bao gồm 10 mặt hàng được xác định có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, hoặc biện pháp PVTM bao gồm các mặt hàng: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình ga, ghim đóng thùng, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục. Trong đó, có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đang đối diện có nguy cơ kiện chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC).

 

Cụ thể, đối với gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, từ năm 2016 – 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng nhanh từ 33,4 triệu USD lên 322,2 triệu USD. Từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 407,3 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng chỉ còn tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vẫn chiếm tới 25% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ. Trước tình hình đó, tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ thông báo chính thức điều tra trốn thuế PVTM đối với một số công ty Hoa Kỳ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam. Tháng 6/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế PVTM đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Tháng 10/2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã thông báo khởi xướng điều tra về tình hình nhập khẩu và sử dụng gỗ nguyên liệu được khai thác và buôn bán bất hợp pháp tại Việt Nam. Các vụ việc điều tra của Hoa Kỳ đều chưa có kết luận cuối cùng.

 

Hay sản phẩm ống đồng, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, ngày 20/7/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra CBPG giá đối với ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 27/6/2021, Hoa Kỳ đã công bố kết luận cuối cùng về phá giá, theo đó DOC xác định ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá tại Hoa Kỳ với biên độ 8,35%. Trên cơ sở kết luận của DOC, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ dự kiến sẽ công bố kết luận cuối cùng về thiệt hại trong tháng 8/2021.

 

Có thể thấy, hiện nay, Hoa Kỳ là quốc gia điều tra và áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến năm 2020, đã có 41 vụ việc bao gồm 21 vụ điều tra CBPG, 8 vụ điều tra CTC, 10 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM và 2 vụ điều tra tự vệ. Tính riêng năm 2020, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra 8 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cao nhất từ trước tới nay, tăng gần 3 lần so với năm 2019.

 

Các mặt hàng bị Hoa Kỳ điều tra tương đối đa dạng, bên cạnh các mặt hàng vẫn đang bị áp dụng biện pháp PVTM như cá tra, cá basa, tôm nước ấm, các sản phẩm thép, Hoa Kỳ cũng điều tra một số sản phẩm mới như máy cắt cỏ, lốp xe, đệm mút…

 

Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 77 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó kim ngạch bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện PVTM khởi xướng mới hoặc rà soát năm 2020 khoảng 1,39 tỷ USD.

 

Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, hiện nay một số thị trường áp thuế CBPG và CTC rất cao cho doanh nghiệp do doanh nghiệp không hợp tác cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, trong trường hợp doanh nghiệp mới thành lập có nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng này sang các thị trường xuất khẩu đã bị áp thuế PVTM thì cần đề nghị nước xuất khẩu rà soát nhà xuất khẩu mới để được tính mức thuế riêng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần được hỗ trợ có thể liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại để được tư vấn, hỗ trợ úng phó với các vụ điều tra kịp thời.

 

Quỳnh Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang