Thứ Ba, 30/04/2024 06:38:21 GMT+7

Tin đăng lúc 21-02-2017

Lượt xem: 3240

Nhức nhối an toàn vệ sinh thực phẩm

Thời gian qua, công tác thanh kiểm tra diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều địa phương tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn đang ở mức báo động, có nơi đến giới hạn đỏ. Vậy trách nhiệm các bộ, ngành như thế nào?
Nhức nhối an toàn vệ sinh thực phẩm
ATTP đã đến mức báo động đỏ

Đây là câu hỏi nhức nhối được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, diễn ra sáng 20/2. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ATTP đã đến “giới hạn đỏ”, nếu sửa Điều 317 về tội vi phạm qui định ATTP theo hướng giảm nhẹ sẽ không xử lý ai được.

 

Thanh tra 1.000 chỉ xử phạt 2

 

Theo Cục VSATTP (Bộ Y tế), cùng với ý thức về VSATTP của người dân được nâng cao, thời gian qua, vấn đề đã được một số DN lớn tập trung đầu tư cho thực phẩm an toàn tạo được một số chuỗi nông sản sạch cung ứng ra thị trường, hệ thống phòng kiểm nghiệm đã được nâng cao và hiện đại hóa ở Trung ương. Tuy nhiên, vấn đề bếp ăn còn nhiều tiềm ẩn, sử dụng chất cấm, thú ý, nhuộm màu ngoài danh mục có diễn biến phức tạp.

 

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục VSATTP, cho biết nguyên nhân chủ quan là do cán bộ nhận thức chưa đầy đủ, ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Đặc biệt công tác thanh, kiểm tra còn lỏng lẻo, nhiều nơi chỉ là hình thức.

 

“Vẫn còn tình trạng cơ quan quản lý nhắn tin cho cơ sở biết, nên đến kiểm tra rất đẹp, nhưng sau đó thực tế lại rất khác. Vì vậy, mới có chuyện có tỉnh 1 năm kiểm tra, thanh tra 1.000 cơ sở, nhưng chỉ xử phạt 2 cơ sở”, ông Phong nói.

 

Trong 5 năm qua, đã tổ chức 50.000 đoàn kiểm tra, bình quân 1 năm có 30.000 đoàn, thanh tra được trên 3 triệu cơ sở nhưng phát hiện 20% vi phạm. Trong khi đó, tính bình quân mỗi cuộc xử phạt chỉ có 200.000 đồng. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, với chế tài phạt chủ yếu ở mức hành chính là còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

 

Bên cạnh đó, ông Hiển cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý cần phải xem xét, “công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên nhưng qua giám sát thực tế thấy rằng tình hình ở nhiều địa phương đã ở mức báo động, có nơi đến giới hạn đỏ. Vậy trách nhiệm các bộ, ngành như thế nào?”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

 

Ngoài ra, ông Hiển cũng cho rằng, người đứng đầu địa phương để cho vi phạm ở các xã, phường thế nào? Nơi nào xảy ra vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chứ không thể Chủ tịch xã không biết.

 

Giảm nhẹ sẽ không xử lý được

 

Tại buổi góp ý, ông Hiển nhắc lại hai vụ việc gần đây nhất ở Lai Châu với 8 người tử vong, 27 người nhập bệnh viện và vụ ở Hà Giang có hơn 60 người ngộ độc phải cấp cứu. Ông Hiển nói mối quan hệ từ vệ sinh môi trường đến chế biến, vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm… đều vi phạm.

 

Trong khi tình trạng ATTP vẫn còn diễn biến phức tạp, vừa qua, Ủy ban Tư pháp hướng sửa khoản 1 Điều 317 ở phương án 1, nghĩa là đi theo hướng giảm nhẹ.

 

Đề cập đến vấn đề này, ông Hiển cho rằng, nếu sửa Điều 317 về tội vi phạm qui định về ATTP theo hướng giảm nhẹ thì không xử lý ai được. Có tình trạng sử dụng chất cấm, cấm rồi mà vẫn sử dụng thì đấy là vi phạm. “Theo tôi, một là giữ nguyên và bổ sung, nếu xử hành chính rồi mà vẫn tiếp tục vi phạm thì xử lý hình sự”, ông Hiển cho biết.

 

Nêu dẫn chứng, ông Hiển cho biết, thống kê cho thấy số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra hàng ngàn vụ, số người chết lên đến hàng trăm người. Dù tai nạn giao thông đã giảm nhưng số người mắc bệnh ung thư hiện nay còn rất lớn. Có đại biểu từng nói “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”. Đấy là con đường chết dần dần”, ông Hiển nói.

 

Với mức độ nghiêm trọng trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị giữ nguyên khoản 1 Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 như phương án 2.

 

Đồng tình quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Chế tài phạt chủ yếu ở mức hành chính là còn quá nhẹ trong khi thực chất đây là quá trình “đầu độc” con người. Chúng tôi rất muốn đột phá bằng việc đưa các chế tài xử phạt vào trong Bộ luật Hình sự ở mức cao hơn, nhưng các bộ lại không đồng ý, khi cho rằng cao quá mức”. Trong khi đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Mai Bộ cho rằng, quan trọng là cán bộ không làm chứ không phải thiếu quy định pháp luật. Vì hiện Bộ luật Hình sự đã có quy định phạt tù đến 15 năm; xử lý hành chính đến mức hơn 500 triệu đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực ATTP.

 

Trước đó, tại Điều 317 về Tội vi phạm quy định về ATTP, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đưa ra 2 phương án: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50 nghìn đồng đến dưới 100 nghìn đồng, hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 - 60%, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 - 120% hoặc đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 nghìn đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

 

Với những hành vi phạm tội có tổ chức, làm chết người, gây tổn hại sức khỏe từ 61%... thì sẽ giữ như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là, bị phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang