Thứ Sáu, 26/04/2024 13:23:43 GMT+7

Tin đăng lúc 01-02-2020

Lượt xem: 2751

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2020

Áp dụng quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; bổ sung mức phạt vi phạm trong lĩnh vực thú y… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2020.
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2020
Trong tháng 2, một số chính sách quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội chính thức có hiệu lực.

Cơ sở giáo dục đại học công khai về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử

 

Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) được ban hành vào ngày 30/12/2019 yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học về các nội dung:

 

- Sứ mạng, tầm nhìn của cơ sở giáo dục đại học;

 

- Các quy chế, quy định nội bộ;

 

- Danh sách giảng viên theo ngành, trình độ, chức danh và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khác;

 

- Kết quả kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở giáo dục đại học;

 

- Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, kế hoạch tổ chức đào tạo;

 

- Đề án tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh, danh sách nhập học và tốt nghiệp hằng năm theo ngành, trình độ đào tạo, quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp;

 

- Mẫu văn bằng, chứng chỉ, danh sách cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học hằng năm;

 

- Chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu khác của người học cho từng năm học và dự kiến cả khóa học;

 

- Chế độ, chính sách miễn, giảm học phí, học bổng;

 

- Các nội dung khác theo quy định của pháp luật…

 

- Công khai thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định mở ngành, quyết định liên kết đào tạo cùng với hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định.

 

Từ Luật giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định: “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương” thì Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn: Văn bằng trình độ tương đương là văn bằng được cấp cho các ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, thuộc hệ thống giáo dục đại học, gồm:

 

– Bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền.

 

– Bằng dược sĩ.

 

– Bằng bác sĩ thú y.

 

– Bằng kỹ sư.

 

– Bằng kiến trúc sư.

 

– Cùng một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.

 

Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/02/2020.

 

Trên 65 tuổi, không được bổ nhiệm làm Thừa phát lại

 

Ngày 08/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Nghị định này quy định về Thừa phát lại, tổ chức hành nghề của Thừa phát lại; thẩm quyền, phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp và quản lý nhà nước về Thừa phát lại.

 

Điểm mới của Nghị định là bên cạnh những tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại đã được quy định trước đó tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP thì khoản 5 Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm một tiêu chuẩn mới là “Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại”. Như vậy, theo quy định mới này thì kể từ ngày 24/2/2020, để được bổ nhiệm làm Thừa phát lại thì công dân Việt Nam phải đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

 

Nghị định 08/2020/NĐ-CP cũng giới hạn độ tuổi được bổ nhiệm Thừa phát lại là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam (Nghị định 61/2009/NĐ-CP trước đây chưa giới hạn độ tuổi này).

 

Ngoài ra, tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định Thừa phát lại không được làm: “Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản” là điểm mới. Trước đây, Nghị định 61/2009/NĐ-CP quy định không kiêm nhiệm này nằm trong tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Thừa phát lại nhưng kể từ ngày 24/2/2020 sẽ chính thức được chuyển thành những hành vi Thừa phát lại không được làm.

 

Nghị định 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 24/02/2020.

 

Không giới hạn tuổi bổ nhiệm lần đầu với chức danh Giám đốc Sở Tư pháp

 

Đây là nội dung mới tại Thông tư 10/2019/TT-BTP về tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thông tư 10/2019/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2020.

 

Áp dụng quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

 

Chính phủ mới ban hành Nghị định 06/2020/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

 

Theo đó, đối với việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư:

 

- Bổ sung nội dung “Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” vào Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

 

- Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong Khung chính sách phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.

 

- Đối với dự án đầu tư đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày 20/02/2020 tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 47.

 

Nghị định 06/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2020.

 

Bổ sung mức phạt vi phạm trong lĩnh vực thú y

 

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 04/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

 

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 04/2020/NĐ-CP đó là bổ sung quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với người nhập cảnh hoặc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam khi mang theo sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế hoặc chế biến từ quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh động vật nguy hiểm trên loài động vật đó.

 

Ngoài ra, với nội dung sửa đổi Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì Nghị định 04/2020/NĐ-CP đã đưa ra quy định mới về xử phạt VPHC khi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

 

Theo đó, phạt tiền từ 40 triệu đến 45 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau:

 

- Thuốc hết hạn sử dụng; không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên;

 

- Thuốc trong Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 30 kilôgam (hoặc 30 lít) đến dưới 50 kilôgam (hoặc 50 lít) thuốc thành phẩm;

 

- Thuốc không có tên trong Danh Mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam có giá trị từ 100 triệu đến dưới 200 triệu đồng.

 

Theo quy định hiện hành, bán thuốc BVTV thuộc Danh mục cấm có khối lượng từ 30 kilôgam (hoặc 30 lít) đến dưới 50 kilôgam (hoặc 50 lít) thuốc thành phẩm thì sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.

 

Nghị định 04/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 18/2/2020.

 

Sửa quy định về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự

 

Có hiệu lực từ ngày 15/2/2020, Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

 

Cụ thể, Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định Hội đồng định giá theo vụ việc được thành lập ở cấp huyện, cấp tỉnh và ở trung ương. Thay vì quy định thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc ở trung ương, Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi thành Hội đồng định giá theo vụ việc được thành lập ở bộ, cơ quan ngang bộ (cấp bộ) và Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

Trong đó, Hội đồng định giá theo vụ việc cấp bộ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật quyết định thành lập để thực hiện định giá trong các trường hợp sau:

 

- Thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Nghị định này.

 

- Thực hiện định giá lần đầu đối với tài sản thuộc các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp liên quan đến nhiều cấp và được dư luận xã hội quan tâm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 

- Đối với vụ án có nhiều loại tài sản khác nhau, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm căn cứ vào đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của tài sản, yêu cầu của vụ án để phân loại tài sản và thực hiện yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá phù hợp với chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao theo các trường hợp sau:

 

+ Trường hợp phân loại được tài sản để tách riêng thực hiện định giá đối với từng nhóm tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá đối với từng nhóm tài sản.

 

+ Trường hợp không thể phân loại được tài sản, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành lĩnh vực đối với một loại tài sản trong số các tài sản của vụ án chủ trì thành lập Hội đồng định giá; riêng trường hợp trong số các tài sản cần định giá có tài sản là đất, quyền sử dụng đất thì cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương chủ trì thành lập Hội đồng định giá. Các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với các tài sản khác còn lại có trách nhiệm cử đại diện tham gia làm thành viên Hội đồng định giá theo yêu cầu của bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì thành lập Hội đồng định giá.

 

Nghị định cũng nêu rõ, Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để thực hiện định giá lại trong trường hợp theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Nghị định này.

 

Bổ sung chế độ báo cáo với CCVC ngành giáo dục đi công tác nước ngoài

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 23/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức và viên chức ban hành kèm theo Thông tư 17/2014/TT-BGDĐT ngày 26/5/2014.

 

Một trong những nội dung nổi bật sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 23/2019/TT-BGDĐT đó là bổ sung chế độ báo cáo đối với công chức, viên chức đi công tác nước ngoài như sau:

 

- Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo đơn vị đi công tác nước ngoài không theo đoàn, đề nghị gửi báo cáo kết quả chuyến công tác cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý công chức, viên chức trong việc đi công tác nước ngoài.

 

- Trước ngày 20 tháng 12 hằng năm, các đơn vị gửi báo cáo công tác quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức và viên chức (sau đây gọi là đoàn ra), tổng hợp kết quả chuyến công tác nước ngoài, số lượng văn bản ký kết trong các chuyến công tác (nếu có), việc triển khai kết quả chuyến công tác về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Đồng thời, bổ sung thêm hình thức cử đoàn công chức, viên chức ra nước ngoài để thực hiện:

 

- Tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, tham dự họp liên Chính phủ;

 

- Tham gia tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn;

 

- Tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè, đại hội thể thao, cuộc thi quốc tế.

 

Theo Enternews

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang