Thứ Bẩy, 27/04/2024 15:24:55 GMT+7

Tin đăng lúc 13-02-2024

Lượt xem: 462

Những con số đáng báo động về hàng giả, gian lận thương mại và thực phẩm bẩn năm 2023

Năm 2023 khép lại, nhìn chung thị trường hàng hóa đa dạng, dồi dào và phong phú đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên cũng không ít biến động do hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại gia tăng.
Những con số đáng báo động về hàng giả, gian lận thương mại và thực phẩm bẩn năm 2023
Năm 2023 gia tăng số lượng và số vụ vi phạm về hàng hóa. Ảnh minh họa

Năm 2023 khép lại, nhìn chung thị trường hàng hóa đa dạng, dồi dào và phong phú đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên cũng không ít biến động do hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại gia tăng, diễn biến phức tạp; tình trạng ngộ độc do sử dụng thực phẩm không an toàn gây hoang mang cho cộng đồng. Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp hữu hiệu hơn trong việc phòng và ngăn chặn.

 

Báo động những con số

 

Với nhiệm vụ tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; năng suất; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn hàng hóa; mã số, mã vạch…trong năm 2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã triển khai thực hiện kiểm tra 215 tổ chức và 22 tổ chức trùng với các đoàn thanh tra QLTT, thanh tra, kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh hoặc cùng một đối tượng trùng với kiểm tra nhập khẩu (đạt 100% theo kế hoạch). Kiểm tra, khảo sát chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất, lưu thông 159 cơ sở kinh doanh tại các địa phương với 363 mẫu được khảo sát. Kết quả 49/363 mẫu ghi nhãn không phù hợp quy định; 12/363 mẫu không đạt về chất lượng. Kiểm tra 150 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em; thiết bị điện, điện tử; vàng trang sức mỹ nghệ tại các địa phương với 476 mẫu được kiểm tra. Kết quả 476/476 mẫu ghi nhãn phù hợp, 248/248 phương tiện đo còn hiệu lực kiểm định. Về xăng dầu đã tổ chức kiểm tra tại 34 cơ sở pha chế, nhập khẩu xăng dầu xử lý 7 cơ sở vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu nhập khẩu và xử phạt hành chính 6 cơ sở nhập khẩu xăng dầu.

 

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cũng thông tin, năm 2023 lực lượng QLTT cả nước đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ, phát hiện và xử lý 52.351 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Trong lĩnh vực thương mại điện tử đã kiểm tra phát hiện, xử lý 928 vụ, xử phạt trên 15 tỷ đồng. Về khí dầu mỏ hóa lỏng LPG phát hiện, xử lý 1.102 vụ vi phạm xử phạt gần 10 tỷ đồng. Riêng đối với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới phát hiện, xử lý 1.197 vụ vi phạm, số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 44.169 bao; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 106.966 sản phẩm các loại; xử phạt vi phạm hành chính gần 7,3 tỷ đồng. Vụ việc điển hình về buôn lậu không thể không nhắc tới các sản phẩm thuốc lá điện tử thế hệ mới và đường cát. Cụ thể, trong 2 ngày 13-14/10/2023, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra điểm tập kết hàng hóa của Công ty TNHH Điện tử Thiên Long Việt Nam phát hiện 103.000 sản phẩm thuốc lá điện tử do Trung Quốc sản xuất. Công an huyện Đakrông và Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Quảng Trị cũng đã phát hiện 15 ô tô nhập lậu hơn 50 tấn đường kính.

 

Về hàng giả, có thể nói năm 2023 là một năm tình trạng kinh doanh, buôn bán và sản xuất hàng giả, hàng nhái gia tăng đột biến ở tất cả các mặt hàng. Tuy nhiên với sự quyết tâm lực lượng QLTT các tỉnh đã kịp thời ngăn chặn lượng lớn hàng hóa lưu thông ra thị trường. Điển hình tại TP.HCM, trong những ngày cuối tháng 12/2023 Cục QLTT đã kiểm tra 4 Quận trên địa đã phát hiện 90.000 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu trị giá gần 1,7 tỷ đồng. Tại Hà Nội, ngày 26-27/12/2023 tại Hộ kinh doanh N.V.T (thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), Đội QLTT số 25 đã phát hiện 50 tấn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả. Điều đáng nói, toàn bộ các mặt hàng này đều sản xuất ở một trại gà nhằm che mắt cơ quan chức năng. 

 

Về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại phải nhắc tới vụ Cục QLTT TP. Hà Nội bất ngờ kiểm tra kho hàng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa, thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông phát hiện lượng 'khủng' hàng hoá vi phạm chuyên bán hàng qua livestream, chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày. Theo ghi nhận ban đầu cho thấy đa phần là sản phẩm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada... đều không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

Về thực phẩm không an toàn theo ngành Công Thương, trong năm 2023 toàn ngành và lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 6.773 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trên 36,3 tỷ đồng có trị giá hàng hoá tịch thu 31,6 tỷ đồng. Toàn ngành Y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó, hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính hơn 1.600 cơ sở với hơn 14,4 tỷ đồng. Điển hình là vào ngày 8/2, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra và tạm giữ gần 10 tấn chân gà, lòng lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

 

Từ tình trạng kinh doanh, buôn bán thực phẩm không an toàn gia tăng đã vô tình dẫn tới các vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng. Trong đó nổi bật là hàng trăm học sinh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Quảng Ninh, An Giang, Hà Nội bị ngộ độc sau khi ăn các loại kẹo lạ không rõ nguồn gốc bán trước cổng trường. Vụ ngộ độc tập thể tại cửa hàng bánh mỳ Phượng, ở Hội An, Quảng Nam khiến hơn 300 người ngộ độc, nguyên nhân là do phát hiện vi khuẩn Salmonella trong mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo, thịt heo hay. Hay vụ 10 người tại Quảng Nam bị ngộ độc do ăn cá chép ủ chua nhiễm Botulinum- một chất độc thần kinh nguy hiểm dễ tiềm ẩn trong nhiều thực phẩm quen thuộc hàng ngày mà WHO cảnh báo.

 

Tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại

 

Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, ngộ độc do sử dụng thực phẩm không an toàn gia tăng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nguyên nhân là do còn nhiều hạn chế, yếu kém trong tổ chức và hoạt động của toàn lực lượng. Kiểm tra, kiểm soát chưa thực sự sâu sát, chưa đi vào tính bản chất; áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Năm 2024 dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn sẽ dẫn tới hệ lụy là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi hơn. Từ bối cảnh trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước. Đồng thời tiếp tục phát hiện, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhằm quản lý, vận hành nền kinh tế tốt hơn, hiệu quả hơn.

 

Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ (vừa qua, hầu hết địa phương mới quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm về niêm yết giá và xử phạt, không đủ sức răn đe, chưa đi vào nội dung có tính bản chất). Tập trung kiểm tra, xử lý các sai phạm trong sản xuất kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón; các loại rau, củ, quả; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh... Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử. Để thực hiện tốt mục tiêu trên và kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 được giao.

 

Theo VietQ.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang