Thứ Sáu, 26/04/2024 07:10:52 GMT+7

Tin đăng lúc 02-12-2017

Lượt xem: 3657

Những vướng mắc hiện nay trong ngành chăn nuôi gia cầm nhìn từ Đồng Nai.

Tỉnh Đồng Nai được mệnh danh là vùng đất hứa của cả nước. Với sự phát triển kinh tế - xã hội từ sau ngày giải phóng đến nay tăng tốc một cách thần kỳ và đang trên đà khởi sắc. Không chỉ là vùng công nghiệp tập trung với nền công nghệ cao, sản phẩm chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, Đồng Nai còn là thủ phủ của ngành chăn nuôi với thị phần lớn trong ngành nông nghiệp.
Những vướng mắc hiện nay trong ngành chăn nuôi gia cầm nhìn từ Đồng Nai.
Ông Dương Quốc Cường ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) kiểm tra trứng gà nhân sâm để chuẩn bị giao cho khách hàng.

Hiện nay Đồng Nai có nhiều trang trại gia súc, gia cầm tập trung và sản phẩm đã vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nhìn từ cơ sở, ngành chăn nuôi Đồng Nai còn nhiều vướng mắc cả về cơ chế và thực tiễn sản xuất. Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai xung quanh vấn đề này.

 

PV: Xin ông cho biết quy mô, năng lực sản xuất và hiệu quả bước đầu của các trang trại chăn nuôi tỉnh Đồng Nai hiện nay?

        

Vì khao khát phát triển chăn nuôi để làm giàu, các doanh nghiệp lớn và nhỏ tại Đồng Nai trước đây ít chú trọng đến công nghệ, khoa học kỹ thuật ứng dụng vào chăn nuôi một cách bài bản, chỉ làm theo cảm nghĩ và truyền miệng. Do vậy, nhiều mô hình chăn nuôi hiện tại không đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá thành sản phẩm. Hiện nay sản phẩm chăn nuôi địa phương dư thừa sản lượng, mà sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng cho xuất khẩu thì còn đang bỏ trống.

        

Để phát huy thế mạnh của địa phương về ngành chăn nuôi, tỉnh Đồng Nai cần phải sắp xếp lại mô hình sản xuất chất lượng cao, hạn chế các cơ sở có quy mô lạc hậu, manh mún và có nhiều rủi ro. Như thế mới góp phần tích cực đáp ứng được chất lượng sản phẩm cho xã hội, giúp phát triển bền vững, quy mô ổn định.

 

PV: Năm 2017, Nhà nước phải tập trung “giải cứu” đàn lợn trong cả nước và đặc biệt tại Đồng Nai, thế còn đàn gà Đồng Nai vì sao không rơi vào tình trạng này?

       

Trong nhiều năm nay, giá gà luôn giữ ở mức thấp. Cho nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa chăn nuôi rất thận trọng, không phát triển ồ ạt như chăn nuôi heo. Bên cạnh đó có những sản phẩm thịt gà đông lạnh nhập từ nước ngoại về Việt Nam với giá giá 20.000 đ/kg làm cho ngành chăn nuôi gà chỉ sản xuất cầm chừng. Các doanh nghiệp lớn và nhỏ chỉ làm 50% công suất, không dám làm lớn vì làm càng lớn dẫn đến lỗ càng nhiều.

 

 

Sản phẩm gà qua chế biến của Công ty Koyu & Unitek giới thiệu tại buổi lễ công bố sự kiện lần đầu tiên gà Việt đi Nhật

 

PV: Để phát triển ngành chăn nuôi Đồng Nai theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, theo ông, Nhà nước cần áp dụng cơ chế nào để hỗ trợ các địa phương trong đó ngành chăn nuôi Đồng Nai phát triển mạnh hơn trong những năm tới?

         

Muốn cho ngành chăn nuôi Đồng Nai phát triển thì Nhà nước cần hướng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư chăn nuôi công nghệ cao, nhằm làm hạ giá thành nâng cao chất lượng sản phẩm ngang bằng với Quốc tế.

        

Hiện nay, có một nghịch lý của ngành chăn nuôi: Nhà nước đưa vào quy hoạch chăn nuôi tập trung mà trên thế giới lại không như vậy. Tôi đề nghị: Các ngành chăn nuôi heo, vịt và gà lông màu quy hoạch vào khu tập trung thì hợp lý, còn gà lông trắng phải làm công nghệ cao và nằm ngoài khu tập quy hoạch vì gà trắng rất nhạy cảm với môi trường mà đặt chăn nuôi gà trắng trong khu tập trung thì năng suất, chất lượng không đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

       

Theo tôi, sản phẩm chăn nuôi truyền thống tiêu thụ trong nước đã dư thừa. Vì vậy phải  hạn chế, không cấp phép cho chăn nuôi tự phát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng công nghệ cao đạt chuẩn quốc tế. Vị trí đặt chuồng trại đạt chuẩn quốc tế, các trại cách xa nhau: Quy mô 100.000 con cách từ 500m trở lên, và cách 1000m đối với quy mô 200.000 con. Chuồng trại đạt chuẩn môi trường, các trang thiết bị  đạt chuẩn quốc tế thì sản phẩm chăn nuôi và chất lượng thịt mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Có như vậy, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu mới ổn định và bền vững. Hiện nay, ở nước ta đã có một doanh nghiệp tiên phong là nhà máy chế biến gà trắng xuất khẩu đi Nhật bước đầu thành công. Nếu chúng ta không tổ chức trang trại đạt chuẩn thì sẽ không có các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đáp ứng nhu cầu quốc tế.

        

Nhà nước không cần thiết đầu tư về vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà chỉ cần tạo điều kiện cấp phép nhanh nhất, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động,  tôi nghĩ phát triển sẽ nhanh, bền vững và tốt. Nên cấp phép nhanh từ 1 – 2 tháng sau khi chấp nhận địa điểm thì cho phép xây trại, còn giấy phép xây dựng và các thủ tục khác thì hoàn thành dần dần, song song với việc xây dựng. Hiện nay phải mất 6 tháng đến 1 năm để hoàn thành cấp phép rồi mới tiến hành xây dựng. Như vậy là quá lâu, không thông thoáng, thời gian chờ đợi quá dài, gây ứ đọng vốn, ách tắc sản xuất.

 

PV: Xin cám ơn ông.

                                                                                       Văn Thuận (thực hiện)   


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang