Thứ Sáu, 26/04/2024 07:33:50 GMT+7

Tin đăng lúc 04-10-2017

Lượt xem: 2397

Ninh Bình: Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất thép định hình

Những năm gần đây, Ninh Bình là một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao nhất cả nước, kéo theo đó là rất nhiều doanh nghiệp (DN) tại các khu, cụm công nghiệp có nhu cầu sử dụng thép định hình để xây dựng nhà xưởng, kho chứa hàng hóa.
Ninh Bình: Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất thép định hình
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến công khu vực I và Trung tâm Khuyến công Ninh Bình nghiệm thu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất thép định hình tại Công ty Vĩnh Phát.

Trong khi nguồn cung trong nước còn hạn chế, đặc biệt, các loại sản phẩm thép ống, thép hộp phục vụ ngành xây dựng, giao thông, làm khung container vẫn phải nhập khẩu với chi phí cao. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu tiêu thụ thép, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Vĩnh Phát đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất thép định hình tại huyện Yên Khánh để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

           

Nhận thấy đây là dự án sản xuất thép định hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh sử dụng công nghệ hiện đại so với các nhà máy sản xuất thép khác, đồng thời, để giúp các DN trong tỉnh giảm sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu, tiết kiệm chi tiêu ngoại tệ và thời gian, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Ninh Bình đã đề xuất với Cục Công Thương địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Bộ Công Thương) hỗ trợ Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Vĩnh Phát xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất thép định hình.

           

Tổng mức đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất của dự án là 15 tỷ 470 triệu đồng. Trong đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 hỗ trợ hơn 370 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017. Sau một thời gian ứng dụng dây chuyền sản xuất mới, kết quả cho thấy các sản phẩm làm ra cuối cùng là các ống thép, thép hộp định hình có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Hiện nay, với công suất đạt 5.000 tấn sản phẩm, dự kiến lợi nhuận hàng năm của Vĩnh Phát đạt gần 1,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với hệ thống máy móc mới, Công ty đã tạo thêm được nhiều việc làm cho lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng, qua đó, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, ổn định đời sống kinh tế xã hội tại địa phương.

           

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Lanh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 chia sẻ: “Dây chuyền sản xuất mới với công nghệ tiên tiến đã giúp Công ty Vĩnh Phát nâng cao tính chủ động trong khâu sản xuất, cũng như có khả năng đáp ứng được các đơn hàng lớn, có giá trị cao, điều mà với dây chuyền cũ, Công ty chưa thể làm được. Đặc biệt, xét về tính hiệu quả kinh tế thì chi phí sản xuất 01 kg tôn, thép định hình hết khoảng 15.900 đồng, DN bán ra thị trường với giá 16.400 đồng; thời gian khấu hao nhà xưởng sau 20 năm, khấu hao thiết bị máy móc sau 10 năm… Như vậy, sau 5 năm hoạt động, Công ty sẽ hoàn vốn đầu tư. Do đó, đây là dự án được đánh giá có tính khả thi cao, đảm bảo cho DN phát triển bền vững”.

           

Thông qua tính hiệu quả của đề án, có thể khẳng định, với những DN mới đi vào hoạt động thì khó khăn là điều khó tránh khỏi. Nhưng được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã trở thành cú hích để DN phát triển, qua đó, khuyến khích các cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng được thương hiệu, khẳng định được vị thế của mình trên thị trường có sức cạnh tranh cao như hiện nay.

 

Anh Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang