Thứ Hai, 29/04/2024 05:27:15 GMT+7

Tin đăng lúc 05-10-2022

Lượt xem: 2826

Nỗ lực của EVN trong công tác bảo vệ môi trường song hành với sản xuất điện: Hành động thiết thực vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội của nước nhà

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, GS.TS. Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết rất quan trọng với tiêu đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Nỗ lực của EVN trong công tác bảo vệ môi trường song hành với sản xuất điện: Hành động thiết thực vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội của nước nhà
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Bằng những lập luận sắc bén, bằng trí tuệ và sự kiên định của người chiến sĩ cộng sản, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp chúng ta hiểu thêm các vấn đề cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN),đồng thời bài viết đãmột lần nữa khẳng định chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.

 

Trong nội dung bài viết của mình, có một vấn đề hệ trọng được Tổng Bí thư quan tâm đề cập và phân tích thấu đáo, đó là mối quan hệ giữa “phát triển” và “môi trường” trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta. Đây là hai thành tố then chốt luôn tồn tại song song và đối lập trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đòi hỏi phải được giải quyết hài hòa, hợp lý, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài cho đất nước. Đây cũng chính là một trong những vấn đề cơ bản luôn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trong suốt lịch sử hình thành, dựng xây và phát triển của ngành Điện, các cấp ủy Đảng và tập thể cán bộ công nhân viên (CBCNV), người lao động trong toàn Tập đoàn vẫn luôn quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, nỗ lực không ngừng trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) song hành với quá trình sản xuất, giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa hai vấn đề phát triển và môi trường, hướng tới tương lai phát triển bền vững, cùng toàn Đảng, toàn dân đưa nước nhà từng bước tiến lên CNXH.

 

1) Việt Nam trên con đường đi lên CNXH: vấn đề bảo vệ môi trường sống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

 

* Mối quan hệ giữa hai vấn đề:Phát triển và môi trường trên con đường đi lên CNXH ở nước ta

 

Nhìn lại những chặng đường đã qua của lịch sử nhân loại, con người đã không ngừng khai thác tự nhiên để sản xuất ra của cải vật chất, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình ấy, con người đã tư duy sai lầm, tự cho mình là chủ nhân của Trái đất, có thể cải tạo và chinh phục thiên nhiên, nên đã khai thác vốn tự nhiên một cách kiệt quệ và không thương tiếc.Hậu quả lànhững tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên liên tục gia tăng trong suốt thời gian qua và đến nay đã tới mức báo động, đe dọa sự tồn vong của Trái đất.Trong bài viết“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những thực trạng đó, thẳng thắn thừa nhận những hệ quả xấu tác động đến môi trường sống của con người, xuất phát từ hành động khai thác sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy sự phát triển bằng mọi giá mà không xem xét, cân nhắc đến yếu tố môi trường, những hệ quả đó đã trở nên nghiêm trọng tới mứctrở thành những thách thức toàn cầu: “Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa.”

 

Nhằmgiải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa hai yếu tố phát triển và môi trường, đưa đất nước đi lên theo con đường XHCN, Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững”. Theo quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để có thể phát triển bền vững và giải quyết tận gốc các vấn đề suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường hiện nay, chúng ta cần phải tập cách sống tôn trọng, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên, phát triển kinh tế phải luôn luôn đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của quá trình phát triển đất nước. Đó cũng chính là phương pháp làm ăn kinh tế có tầm nhìn xa trông rộng, có tính toán khoa học, bài bản, chăm lo gìn giữ và vun đắp môi trường sống xanh - sạch - đẹp lâu bền cho con cháu mai sau, không để xảy ra viễn cảnh “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” như câu tục ngữ sâu sắc mà cha ông ta đã căn dặn từ bao đời.

 

* Tính ưu việt của chế độ XHCN được thể hiện thông qua sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường

 

Để phân tích rõ luận điểm này, trước hết, chúng ta hãy cùng tham khảocâu chuyện sau đây tại một đất nước tư bản chủ nghĩa (TBCN):Cuối tháng 6 năm 2022, Tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết hạn chế quyền hạn của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA), Tòa này phán rằng, EPA không có quyền định ra giới hạn mức độ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bắt buộc đối với các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá. Điều này đã gây ra trở ngại lớn cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi Tòa án Tối cao nước này áp đặt những hạn chế đối với quyền lực của chính phủ liên bang trong việc ban hành các quy định nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nhà máy điện. Phản ứng về phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, Tổng thống Joe Biden gọi đây là “một quyết định tai hại khiến đất nước thụt lùi”. Chỉ trích quyết định của Tòa án Tối cao, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho rằng,phán quyết của Tòa“đặt mạng sống của người dân Mỹ vào tình thế nguy hiểm”.

 

Câu chuyện về phán quyết trên của Tối cao pháp viện Hoa Kỳ cho thấy bộ máy nhà nước tam quyền phân lập của nước Mỹ đang bộc lộ những mâu thuẫn và mất cân bằng nghiêm trọng trong những quyết sách về vấn đề BVMT gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân của vấn đề này có thể xuất phát từ những xung đột nội bộ về lợi ích kinh tế giữa các tổ chức quyền lực TBCN, là căn nguyên hình thành sự tranh chấp và bất đồng cố hữu giữa các đảng phái đối lập trong một môi trường chính trị phức tạp, thiếu tính tập trung. Từ đó dẫn đến hệ lụy tiếng nói của người dân chưa thực sự được lắng nghe một cách thỏa đáng và đời sống của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quá trình sản xuất công nghiệp thiếu sự kiểm soát đúng mức về môi trường. Điều này cho thấy nền dân chủ của xã hội tư bản đang tồn tại những vấn đề bất cập, nan giải và“những khủng hoảng mang tính toàn cầu hiện nay không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ TBCN” – đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

 

 

Người dân tham gia kiểm tra, giám sát công tác vận hành, công tác bảo vệ môi trường, xử lý xỉ than trong Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) - một cách làm hiện thực hóa chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” của chế độ XHCN tại Việt Nam.Ảnh: TTXVN

 

 

Nhìn lại bối cảnh Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy rõ một bức tranh chính trị khác biệt hoàn toàn so với các nước tư bản phương Tây.Tại Việt Nam - một đất nước mà nhân dân nắm giữ địa vị cao nhất, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, thì vấn đề BVMT cũng không phải ngoại lệ. Chính sách môi trường cũng như bất kỳ chủ trương, chính sách hệ trọng nào của đất nước đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Phương châm của Việt Nam là luôn thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.

 

Chính vì lẽ đó, công tác BVMT song song với phát triển kinh tế luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sát, vì mục tiêu tối thượng là chăm lo cho đời sống nhân dân được bình an, hạnh phúc, không để nhân dân phải chịu khổ vì sự tranh chấp lợi ích của một vài cá nhân hay phe nhóm chính trị nào. Khi công tác BVMT được làm tốt, người dân được sống trong một môi trường sống trong lành, không ô nhiễm, sức khỏe và các điều kiện sinh hoạt được bảo đảm, cũng chính là lúc người dân được tiếp cận và hưởng thụ các giá trị của hạnh phúc. Khi người dân hài lòng về đời sống vật chất, tinh thần tốt đẹp mà thể chế chính trị ưu việt đã kiến tạo và mang lại cho họ, đất nước sẽ bình yên, xã hội sẽ an toàn, nhân dân sẽ càng thêm vững tin vào chế độ XHCN.

 

 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”. Ảnh minh họa: TTXVN

 

 

Thực tiễn đó đã khẳng định vô cùng thuyết phục tính ưu việt của chế độ XHCN mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng. Một xã hội hoàn toàn là của dân, do dân và vì dân, Đảng và Nhà nước không có một lợi ích nào khác ngoài lợi ích phục vụ nhân dân, một xã hội hướng tới các giá trị đích thực vì con người - đó chính là bản chất ưu việt của chế độ XHCN mà không một chế độ nào khác có được.

 

2) Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất điện năng vì hạnh phúc của nhân dân: EVN cần mẫn góp những viên gạch nhỏ dựng xây thành trì CNXH

 

* Sản xuất điện từ than: Thách thức với môi trường nhưng mở đường cho phát triển

 

Để nói đến công tác BVMT của EVN, trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những đặc thù cơ bản của loại hình sản xuất năng lượng điện từ than, một phương án sản xuất điện có những thách thức nhất định đối với môi trường, nhưng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng -nhân tố chủ chốt mở đường cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Để từ đó thấy được đội ngũ những người làm điện Việt Nam- mang tinh thần kiên định mục tiêu CNXH - đã và đang giải quyết thành công mối quan hệ đối lập giữa hai vấn đề “phát triển” và “môi trường”trong nhiệm vụ sản xuất của ngành như thế nào.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Than là vàng đen của Tổ quốc, là nguồn năng lượng quý báu cho phát triển công nghiệp hiện đại”. Lãnh tụ Lê-nin cũng từng khẳng định: “Than là bánh mỳ của công nghiệp”. Hiệp hội Than Thế giới WCA đã nêu tuyên ngôn:“Than là chiếc cầu bắc tới tương lai của con người”. Những nhận định đúng đắn và sáng suốt trên đã cho thấy tầm quan trọng của than đối với sản xuất công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Trong ngành Điện, nhiệt điện than nắm giữ vai trò chủ đạo và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản lượng điện năng cung ứng của cả nước.Than được sử dụng rộng rãi trong sản xuất điện, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện bền vững, với chi phí phải chăng.

 

Lợi thế lớn nhất của nhiệt điện than là độ tin cậy.Các nhà máy nhiệt điện(NMNĐ) than có thể làm việc liên tục với công suất cao, có thể lên đến 7.500 giờ/năm.Chi phí sản xuất điện tương đối thấp.Điện được sản xuất từ các NMNĐ đốt than rẻ hơn so với nhiều nguồn năng lượng khác.Ưu điểm chủ yếu của nhiệt điện than là nguồn năng lượng phong phú khi tổng trữ lượng than toàn thế giới hiện nay khoảng gần 900 tỷ tấn.Với mức tiêu thụ than như hiện nay, nguồn than có thể cung cấp thêm khoảng 100 năm nữa, trong khi thời gian của nguồn dầu mỏ và khí đốt chỉ bằng nửa con số đó.TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án than Đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nhận định: “Không thể phủ nhận sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay có đóng góp lớn của nguồn nhiệt điện than trong tổng nguồn cung năng lượng”.

 

 

Điện than vẫn chiếm tỷ lệ quan trọng trong cơ cấu tới 2030. Ảnh minh họa: Website Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.

 

 

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, nhiệt điện than cũng có một số nhược điểm, đó là phát thải khí nhà kính lớn và phát sinh chất thải rắn.Tuy nhiên, nếu xử lý đúng cách, tro xỉ từ các NMNĐ than sẽ không gây tác động xấu đến môi trường. Xét về thành phần hoá học, tro xỉ từ đốt than đều là các thành phần hữu ích để làm vật liệu xây dựng, các nguyên tố kim loại nặng như chì, thuỷ ngân… hầu như không có. Đối với chất thải khí, các NMNĐ than đã đầu tư rất lớn lên đến hàng trăm triệu USD cho thiết bị xử lý các chất thải theo khói để đảm bảo nồng độ phát thải phải dưới giới hạn cho phép, chi phí vận hành hệ thống thiết bị xử lý này cho cả đời dự án còn lớn hơn nhiều chi phí đầu tư, nên không cần phải lo lắng quá mức về phát thải khí của NMNĐ than.

 

 

Nhiệt điện than luôn là nguồn điện đóng vai trò quan trọng và được các chuyên gia đánh giá là “xương sống” đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh minh họa: Internet.

 

 

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập trong bài viết của mình, với bất kỳ phương án phát triển kinh tế nào cũng cần phải giải quyết hài hòa, xuyên suốt mối quan hệ giữa “môi trường và phát triển”. Môi trường và phát triển, suy cho cùng là hai mặt của một vấn đề, chúng ta không vì “sợ hãi” các tác động xấu đến môi trường mà không dám phát triển, nhưng cũng tuyệt đối không chủ quan và đánh đổi môi trường để phát triển bằng mọi giá.Đối chiếu với tình hình thực tế, chúng ta nhận thấy nhiệt điện than hiện đang là mối quan tâm toàn cầu trong vấn đề phát thải ô nhiễm môi trường, tuy nhiên sẽ không phải vì như vậy mà chúng ta dừng toàn bộ kế hoạch phát triển nhiệt điện than.

 

Hiện tại, nhiệt điện than vẫn là giải pháp sản xuất và cung cấp điện năng chính yếu của thế giới, đáp ứng nhu cầu tiêu thụđiện toàn cầuđang ngày càng gia tăng. Trong nước, nhiệt điện than cũngluôn đóng vai trò là nguồn điện quan trọng, được các chuyên gia đánh giá là “xương sống” đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Vậy nên, chúng ta phải tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng hóa thạch ưu việt này nhằm mục tiêu huy động tối đa điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đồng thời phảiquan tâm đúng mức, giải quyết tối ưu bài toán môi trường mà nhiệt điện than đang đặt ra.Vậy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang tích cực giải quyết bài toán môi trường của lĩnh vực nhiệt điện than như thế nào? Câu trả lời cụ thể nhất sẽ có trong phần tiếp theo của bài viết này.

 

* Hệ thống giải pháp môi trường cho nhiệt điện than vì mục tiêu phát triển bền vững: những nỗ lực đáng trân trọng của EVN

 

Hướng tới phát triển bền vững, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo và quán triệt các đơn vị thành viên thực hiện đồng bộ các giải pháp song hành sản xuất với BVMT. Các NMNĐ than đều đã được đầu tư công nghệ môi trường hiện đại và được khoác lên mình diện mạo xanh, sạch, đẹp. EVN đang quản lý, vận hành 14 NMNĐ than, trải dài trên 3 miền Bắc – Trung – Nam. Việc xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo về BVMT của EVN luôn được quan tâm thực hiện thường xuyên, kịp thời. Theo thông tin từ Ban Khoa học công nghệ và Môi trường EVN, giai đoạn 2016 - 2020, Tập đoàn đã ban hành hơn 120 văn bản chỉ đạo về BVMT. Các văn bản chỉ đạo phân loại thành 3 nhóm chính bao gồm: các văn bản chỉ đạo về những chính sách, chủ trương, đường lối chung về BVMT; các văn bản phổ biển các văn bản về môi trường từ các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT; các văn bản tác nghiệp đối với những trường hợp công việc, sự vụ cụ thể.

 

EVN đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp quản lý môi trường xuyên suốt từ giai đoạn đầu tư, xây dựng dự án tới khi các nhà máy đi vào vận hành; đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý nước tuần hoàn, khí thải, tro xỉ. Cụ thể, tất cả các NMNĐ của EVN đều được đầu tư xây dựng hệ thống công trình thu gom và xử lý nước thải đảm bảo đạt QCVN 40:2011/BTNMT đối với nước thải công nghiệp và Quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT đối với nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường. Nước thải sau khi xử lý đáp ứng quy chuẩn được nghiên cứu và tái sử dụng một phần, quay ngược lại quy trình sản xuất.

 

Đối với khí thải của các NMNĐ, EVN đầu tư các hệ thống chuyên dụng lọc bụi tĩnh điện, khử NOx, SO2.Trong 5 năm 2016-2020, các kết quả quan trắc các thông số môi trường tại các nhà máy hầu như đều đáp ứng các quy chuẩn Việt Nam về khí thải và nước thải. Một số NMNĐ áp dụng công nghệ hiện đại như Vĩnh Tân 4, NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng,... có thông số phát thải thấp hơn nhiều so với ngưỡng quy chuẩn Việt Nam.

 

 

Các nhà máy nhiệt điện than đều được đầu tư công nghệ môi trường hiện đại và được khoác lên mình diện mạo xanh, sạch, đẹp. Ảnh minh họa: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

 

EVN và các đơn vị cũng đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm xử lý, tiêu thụ tro xỉ tại các NMNĐ. Tỷ lệ tiêu thụ, tái sử dụng tro xỉ tại các NMNĐ thuộc EVN đã tăng dần qua các năm. Năm 2021 các NMNĐ than thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiêu thụ 7,34 triệu tấn tro, xỉ, đạt 94% khối lượng tro, xỉ phát sinh trong quá trình sản xuất. Đây là số lượng tro, xỉ được tiêu thụ cao nhất kể từ năm 2015. EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước liên quan ban hành cơ chế đối với các chủ đầu tư dự án giao thông, công trình xây dựng để tiếp nhận và sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp, nền đường cao tốc như một số nước tiên tiến trên thế giới đã và đang áp dụng.Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương cùng các chuyên gia vật liệu xây dựng đánh giá rất cao việc xử lý tro, xỉ của EVN trong thời gian qua, đồng thời phân tích, đánh giá thị trường tro, xỉ còn nhiều tiềm năng để làm vật liệu xây dựng, vật liệu khung nung, san lấp, bê tông... trong thời gian tới.

 

 

Dự kiến năm 2023, EVN sẽ tiêu thụ hết tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than. Ảnh minh họa: Internet

 

 

Song song với các giải pháp môi trường hiệu quả để xử lý nước thải, khí thải và tro xỉ trong các NMNĐ, EVN còn duy trì một hoạt động có ý nghĩa vô cùng tích cực trong công tác BVMT. Đó là trồng cây xanh và phát động phong trào Tết trồng cây thường niên theo lời dạy của Bác Hồ năm xưa: “Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. EVN đã và đang chỉ đạo các đơn vị ”phủ xanh” khuôn viên các NMNĐ, nhờ ý thức trách nhiệm và sự chăm chút của mỗi CBCNV, môi trường trong và xung quanh các nhà máy đã trở nên trong lành, sạch đẹp hơn rất nhiều. Toàn Tập đoàn phấn đấu trồng mới và chăm sóc 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 – 2025.Học tập và làm theo tấm gương bảo vệ môi trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngành Điện đã đồng hành cùng Đảng và nhân dân cả nước nỗ lực chung tay kiến tạo nên một“lá phổi xanh”mạnh khỏe lâu dài cho Việt Nam hôm nay và mai sau.

 

Hệ thống các giải pháp môi trường cho lĩnh vực sản xuất nhiệt điện than vì mục tiêu phát triển bền vững đã ghi nhận những nỗ lực đáng trân trọng của EVN trong suốt thời gian qua. Vừa phải tập trung khai thác tối đa mảng nhiệt điện than để cung ứng nguồn điện năng dồi dào cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải chú trọng BVMT để hướng tới sự phát triển bền vững vì hạnh phúc của nhân dân, trọng trách đặt lên vai ngành Điện Việt Nam là rất to lớn, đòi hỏi quá trình thử thách lâu dài và nhiều gian khó. Phát huy truyền thống ngành Điện lực cách mạng Việt Nambản lĩnh, kiên cường, năng động, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đúng đắn, kịp thời của Đảng ủy và Ban Lãnh đạo Tập đoàn, toàn thể CBCNV của EVN sẽ luôn đoàn kết và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, để từ đó, góp những viên gạch nhỏ đầu tiên dựng xây nên thành trì CNXH của nước nhà.

 

3) Cán bộ, đảng viên ngành Điện tích cực bảo vệ môi trườngsong song quá trình sản xuất bằng tâm thế luôn nghĩ cho dân: minh chứng đầy thuyết phục cho tính ưu việt của chế độ XHCN

 

* Vai trò chủ thể của con người trong công tác bảo vệ môi trường, cũng như trong mục tiêu CNXH

 

Ông cha ta có câu: “Người ta là hoa đất”, ý nghĩa khẳng định vị thế và tầm quan trọng to lớn của con người trong tự nhiên cũng như trong xã hội. Khi thực hiện bất kỳ công việc gì trong cuộc sống, dù là việc nhỏ hay việc lớn, muốn thành công thì vấn đề đầu tiên cần quan tâm chính là con người, là nguồn nhân lực. Muốn bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, chúng ta cần những con người giàu ý thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường, muốn đi lên CNXH chúng ta cần những con người gương mẫu, vừa hồng vừa chuyên, có tài năng,có lý tưởng, thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Trước khi nói về thực tiễn cụ thểcông tác BVMT song hành với sản xuất theo định hướng XHCN của những con người EVN, chúng ta cùng bàn về vai trò chủ thể của con người trong vấn đề BVMT, cũng như trong mục tiêu CNXH của đất nước.

 

Mặc dù trong những chặng đường phát triển đã qua của nhân loại, con người đã có những tác động tiêu cực, làm tổn hại đến môi trường tự nhiên, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ có chính con người mới có thể cứu lấy Trái đất, chỉ có con người – bằng sức mạnh và tài năng của mình mới có thể bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên, trả lại cho thiên nhiên sự trong lành, sạch đẹp mà chúng ta đã phải vay mượn để dựng xây và phát triển cuộc sống suốt hàng nghìn năm qua. Con người là chủ thể quan trọng nhất của công cuộc BVMT trong giai đoạn hiện tại, trọng trách được đặt lên vai thế hệ trẻ - thế hệ thanh niên Việt Nam mới có tri thức, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có lối sống lành mạnh và văn minh. Công việc xây dựng một đội ngũ con người mới XHCN vừa hồng vừa chuyên chính là mục tiêu, động lực trong công cuộc đổi mới và xây dựng CNXH ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại nhất của Đảng ta và nhân dân ta đã từng khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Quan điểm đó của Người đã trở thành sách lược hành độngxuyên suốt quá trình đấu tranh cách mạng của Việt Nam.Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh:“Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới”.

 

 

 

Con người đóng vai trò chủ thể trong công tác BVMT, cũng như trong mục tiêu CNXH. Ảnh minh họa: Website Công ty Nhiệt điện Thái Bình

 

 

Do đó, chúng ta thấy rằng, con người luôn đóng vai trò trung tâm, chủ chốt không thể thay thếtrong công tác BVMT nhằm mục tiêu đi lên CNXH. Muốn làm tốt công tác BVMT, trước hết phải xây dựng được một đội ngũ nhân lực ưu tú, có tài có đức, có chuyên môn nghiệp vụ cao và tinh thần mẫn cán, tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân, xứng đáng đại diện cho lương tâm và trí tuệ của thời đại. Tập thể CBCNV của EVN chính là những con người như thế.

 

* Tinh thần tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên EVN và những đóng góp cụ thể, thiết thực trong công tác BVMT: phẩm chất tạo nên con người mới XHCN

 

“Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng trong các hoạt động, góp phần vào phát triển bền vững” là một trong những chính sách và mục tiêu môi trường trọng yếu của các NMNĐ than trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Những người vận hành trong các NMNĐ than của EVN luôn xác định rõ nhiệm vụ của mình là phải nỗ lực nâng cao độ tin cậy và hiệu suất vận hành của các tổ lò máy, đó chính là giải pháp cụ thể để hoàn thành mục tiêu BVMT mà Tập đoàn và đơn vị đã đề ra, bởi lẽ: hiệu suất cao sẽ giúp giảm tiêu hao nhiên liệu đầu vào (than, dầu), đồng thời góp phần giảm phát thải trên một đơn vị điện sản xuất.

 

Cán bộ, đảng viên làm công tác vận hành trong các NMNĐ than EVN luôn ý thức một cách sâu sắc vai trò trách nhiệm của bản thân, làm sao cho lượng phát thải trên mỗi đơn vị điện năng sản xuất ra là nhỏ nhất, hoàn thành được các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật được đơn vị giao cho, đó là thành quả của cả một quá trình làm việc vô cùng chuyên nghiệp và nghiêm túc, trải qua không ít vất vả, khó khăn. Dưới sự điều hành, chỉ đạo kịp thời, nhạy bén, sâu sát của Đảng ủy và ban lãnh đạo các đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên của NMNĐ luôn vững bước trong công tác vận hành, chấp hành nghiêm chỉnh các quy trình - quy phạm kỹ thuật và kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất điện năng an toàn, ổn định, kinh tế và BVMT. Vận hành một NMNĐ than an toàn và hiệu quả, giảm tiêu hao nhiên liệu than, dầu và giúp lượng phát thải ra môi trường luôn nằm trong ngưỡng giới hạn tiêu chuẩn cho phép, đó chính là một trong những hành động thiết thực nhất để bảo vệ môi trường sống của nhân dân.

 

 

Vận hành một nhà máy nhiệt điện than an toàn và hiệu quả, giảm tiêu hao nhiên liệu than, dầu và giúp lượng phát thải ra môi trường luôn nằm trong ngưỡng giới hạn tiêu chuẩn cho phép, đó chính là một trong những hành động thiết thực nhất để bảo vệ môi trường sống của nhân dân. Ảnh minh họa: Facebook Công ty Nhiệt điện Thái Bình 

 

 

Trong suốt quá trình vận hành của một NMNĐ than, đôi khi không thể tránh khỏi những sự cố khách quan, những trục trặc không mong muốn của máy móc thiết bị, khi ấy đòi hỏi toàn thể đội ngũ vận hành và kỹ thuật của nhà máy phải chung tay dốc sức xử lý một cách an toàn, nhanh gọn nhằm khôi phục trạng thái vận hành bình thường của thiết bị, giảm thiểu tối đa những tổn thất cho hệ thống điện và môi trường.Trong những hoàn cảnh cụ thế ấy, đội ngũ cán bộ, đảng viên nhiệt điện luôn thể hiện rõ tinh thần mẫn cán, tận tâm, nhiệt tình, xông pha đảm đươngcông tác xử lý sự cố và sửa chữa, hăng hái lăn xả vào những chỗ khó, tập trung dò tìm từng sơ đồ bản vẽ, kiểm tra từng đường ống, từng van, đôi khi quên cả giờ nghỉ, quên cả giờ ăn. Cán bộ, đảng viên của nhiệt điệntrong EVN luôn phát huy phẩm chất người cộng sản chân chính, tiên phong và gương mẫu trong mọi hoàn cảnh, luôn là những người “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, căng mình giải quyết những tình huống ngặt nghèo để giữ phương thức tổ máy, giữ an toàn lưới điện, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng, đóng góp quan trọng vào công tác BVMT vì mục tiêu phát triển bền vững của ngành, của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

 

 

Người công nhân nhà máy nhiệt điện luôn vững bước trong công tác vận hành, chấp hành nghiêm chỉnh các quy trình - quy phạm kỹ thuật và kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất điện năng an toàn, ổn định, kinh tế và bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa: Website Công ty Nhiệt điện Thái Bình

 

 

Quả thực, với nền tảng và động lực to lớn là tinh thần tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên,Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)đã quan tâm đúng mức và làm tốt công tác BVMT trong suốt quá trình sản xuất điện năng phục vụ phát triển đất nước. Người cán bộ, đảng viên trong các NMNĐ của EVN luôn luôn ghi nhớ và thực hành phương châm: sản xuất điện năng phải an toàn và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường, nhằm bảo vệ đời sống sức khỏe của nhân dân và phát triển nước nhà bền vững, đó chính là biểu hiện rõ nét củaphẩm chất cao đẹp tạo nên con người mới XHCN – nét đẹp củađạo đức cách mạng sáng ngờiđã được chứng tỏ đầy thuyết phục bởi những con người ngành Điện chân chính. Tâm thế luôn nghĩ cho dân và những đóng góp thiết thực của tập thể cán bộ, đảng viên ngành Điện trong công tác BVMT đã và đangkhông ngừng chứng minh chotính ưu việt của chế độ XHCN, góp phầnkhẳng định con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, củng cố niềm tin và sự kiên định của nhân dân ta vào con đường đi lên CNXH.

 

* Thay cho lời kết:

 

Nhà thơ Tố Hữu – cây đại thụ của văn học cách mạng Việt Nam, người thư ký trung thành của thời đại đã dành trọn cuộc đời sáng tác, tuyên truyền và ca ngợi sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta và nhân dân ta, trong những ngày cuối của cuộc đời mình, đồng chí đã để lại mấy dòng thơ đầy chân thành và xúc động, gửi gắm bao nỗi niềm tâm sự:

 

“Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

 

Còn mấy vần thơ, một nắm tro

 

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

 

Sống là cho và chết cũng là cho.” 

 

Đó là tâm sự của một chiến sĩ cách mạng kiên trung đã kinh qua bao sóng gió của thời đại, đã bao phen vào sinh ra tử cùng dân tộc. Dù cho họ đã hy sinh, đã mất đi nhưng tinh thần, ý chí và tấm gương nhiệt huyết sáng ngời của họ vẫn còn sống mãi trong lòng dân, để lại cho cuộc đời những di sản tốt đẹp về lòng yêu nước và đạo đức cách mạng. Suy ngẫm dưới góc độ nghệ thuật kết hợp với khoa học, “tro” mà nhà thơ nhắc đến phải chăng cũng giống như tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện sinh ra? Đời sống của một viên than đá trong tự nhiên là cả một câu chuyện dài chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh. Từ lớp trầm tích hàng triệu năm vùi sâu trong lòng đất, than được khai thác, được chuyên chở tới các nhà máy nhiệt điện, tại đây, than được nghiền mịn, được gieo vào lò đốt để bùng cháy lên, biến đổi thành nguồn năng lượng điện quý giá cho phát triển đất nước. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng ấy, than trở thành tro và xỉ, nó lại được trao cho một cuộc đời mới, một sứ mệnh mới, đó là trở thành vật liệu hữu ích cho ngành xây dựng, tiếp tục dâng hiến giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường sống của nhân dân, hướng tới tương lai phát triển bền vững cho đất nước. Từ đời sống của viên than nhỏ bé ấy, chúng ta chiêm nghiệm và ngộ ra lẽ sống đẹp của đời người. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ lĩnh vực nào, người cán bộ, đảng viên luôn sống, học tập và lao động bằng tâm thế vì dân, vì nước, thì chắc chắn sẽ mang lại những thành quả tốt đẹp, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Và khi đó, chúng ta đã trồng thêm một cây xanh vào “khu vườn sống đẹp”, bắc thêm một nhịp cầu nhỏ cho con đường đi lên CNXH của toàn dân tộc thêm gần hơn.Cái đích cuối cùng của CNXH là mang lại hạnh phúc, công bằng và tiến bộ cho con người. Mục tiêu đó chỉ có thể thành công khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng chung sức, nỗ lực từng ngày không ngưng nghỉ, giữ gìn và nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, hết lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân, đúng như những gì lúc sinh thời Bác Hồ đã từng căn dặn. “Tro” và “cho” trong tiếng Việt có cách phát âm gần như giống hệt nhau, chính cách chơi chữ đầy tinh tế của nhà thơ Tố Hữu đã giúp ta ngộ ra chân lý: cách sống đẹp nhất là biết cho. Hôm nay chúng ta cho đi giọt mồ hôi, tri thức, sức lao động, sáng tạo, sức trẻ và nhiệt huyết, thì một tương lai không xa, chúng ta sẽ thu hoạch về giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc cho nước nhà. Cán bộ, đảng viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn luôn thấm nhuần tư tưởng cách mạng của Đảng và nhân dân, khắc ghi lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, kiên định tâm thế vì nhân dân phục vụ trong từng khâu, từng công đoạn của quá trình lao động, vận hành dây chuyền công nghệ, để từ đó thực hiện tốt công tác sản xuất, cung ứng điện năng, song song với công tác BVMT, góp sức mình vào công cuộc xây dựng CNXH trường kỳ và vĩ đại của toàn dân tộc.

 

Nguyễn Thành Trung

Trưởng ca Nhiệt điện Thái Bình

Chi bộ Kỹ thuật - An toàn và Môi trường, Đảng bộ Công ty Nhiệt điện Thái Bình, Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam

 

 

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang