Thứ Năm, 02/05/2024 14:24:44 GMT+7

Tin đăng lúc 16-07-2021

Lượt xem: 1704

Nước mía được quảng cáo “siêu sạch” có thật sự sạch?

Mùa hè là lúc người dùng tìm đến các loại nước giải khát và nước mía là sự lựa chọn của nhiều người. Thế nhưng, sự thật đằng sau những cốc nước mía mát lạnh được quảng cáo là “siêu sạch” liệu có thật sự sạch như quảng cáo?
Nước mía được quảng cáo “siêu sạch” có thật sự sạch?
Những cốc nước mía mát lạnh có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh

Tại Hà Nội, các quán nước mía gắn mác siêu sạch nhiều nhan nhản. Nước mía có tính mát, có tác dụng giải khát nhanh, do đó, từ trẻ con tới người cao tuổi, ai cũng thích uống nước mía đá. Đa số mọi người tìm đến những quán nước mía này nằm trên vỉa hè mỗi con đường góc phố bởi sự thuận tiện. Do quán được mở trên vỉa hè nên người đi đường đang cơn khát có thể dừng xe mua một ly nước mía uống ngay tại chỗ, hoặc chờ khoảng 5 – 7 phút để xách tay mấy ly nước mía mang về. Bên cạnh đó, điểm thu hút nhiều người dân với "nước mía siêu sạch" là giá cả khá rẻ, hợp túi tiền. Chỉ với mức giá từ 7.000 đồng, người tiêu dùng có thể có ngay một cốc nước mía mát lạnh. Thậm chí nếu mua số lượng lớn, từ 4 lít trở lên, giá chỉ còn 13.000 đồng/lít.

 

Là tín đồ của nước mía, chị Trần Sinh (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết: “Quán nước mía ở ngay đầu ngõ khu tập thể nhà tôi, mùa hè thời tiết nóng nực như thế này, ngày nào tôi cũng mua về cho cả nhà uống. Chỉ 15.000 một chai nước mía 1,5 lít, còn rẻ hơn nước ngọt. Nhiều khi mình cũng phân vân không biết giá rẻ như thế này thì chất lượng sẽ như thế nào, nhưng bọn trẻ con thích, nên vẫn mua về cho chúng uống” .

 

Thử tính xem, một ly nước mía chỉ từ 7.000-8.000 đồng, nhiều khi một khúc mía khoảng 0,5m không đủ ép ra 1 ly nước. Rồi tiền nước đá, ly mang về… Nếu bán nước mía nguyên chất thì làm gì có lời?

 

Để lý giải cho nguồn gốc của những ly nước mía giá rẻ này, qua tìm hiểu được biết muốn nước mía ngọt hơn thì mỗi chiếc máy ép, chủ cửa hàng cần gia công thêm một hộc đường bên trong máy. Trong quá trình ép mía, lượng đường này sẽ tự chủ động chảy ra cùng với nước ép mía mà người mua hàng không hề hay biết.  

 

Ngoài ra, bên trong máy ép mía là cả nước đá. Mía và nước đá cùng chảy ra một lúc. Bên trong máy ép sẽ được gia công thêm bộ phận đựng đá, qua đó nhằm tăng dung tích nước ép. Mặt khác, để làm tăng độ ngọt của nước mía (vì cuối mùa mía sẽ không còn giữ được vị ngọt mà thay vào đó là vị chua), người bán hàng thường ngâm mía vào những thùng ngâm sẵn đường hóa học tăng độ ngọt cho mía.

 

Các chuyên gia khuyến cáo về sự độc hại của loại đường này nếu như chúng ta nạp quá nhiều vào cơ thể có thể dẫn đến gây ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền...

 

Mặt khác, cũng theo các chuyên gia, nếu phụ nữ đang mang thai thường xuyên sử dụng nước mía trộn đường hóa học sẽ gây kích thích niêm mạc đường ruột, suy giảm chức năng tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa và gây trở ngại cho sự hấp thụ dinh dưỡng, thậm chí gây hại tới chức năng thận.

 

Chưa kể, các hàng quán thường róc vỏ mía sẵn, bày và phơi mía trên vỉa hè. Với lượng phương tiện giao thông dày đặc như hiện nay, cộng với việc đường đông, nhiều bụi, dẫn đến mía được bày trên vỉa hè cũng không đảm bảo vệ sinh. Ngay cả những chiếc máy ép mía cũng không sạch như chúng ta tưởng. Chiếc máy ép không được chà rửa cẩn thận, khi ép, bã mía bám vào bộ lọc và các phần khác trong máy. Nếu không vệ sinh kỹ, ngày hôm sau tiếp tục ép cây mía khác thì nước mía mới hòa lẫn với bã mía cũ, thậm chí còn có cả côn trùng như ruồi, nhặng lẫn bên trong.

 

Sử dụng nước mía bẩn, kém vệ sinh, không đảm bảo an toàn không chỉ gây nên những ảnh hưởng về sức khỏe trước mắt, mà còn dẫn đến những hậu quả lâu dài nếu sử dụng thường xuyên. Vì thế, không nên sử dụng hay lựa chọn mua những chai nước mía đóng theo lít, có sẵn. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe chính bản thân, người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn mua uống những loại nước bày bán tràn lan này. 

 

Trường Phạm

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang