Thứ Sáu, 26/04/2024 22:26:07 GMT+7

Tin đăng lúc 08-12-2016

Lượt xem: 4122

Phải quản lý hiệu quả chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

Mỗi lúc đi chợ, câu hỏi làm các bà nội chợ đau đầu nhất chính là việc băn khoăn bây giờ mua gì, ăn gì? Trả lời được câu hỏi này không phải là điều dễ dàng khi hằng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, vấn đề thực phẩm không an toàn liên tục được nhắc đến. Vì sao nhu cầu cơ bản hay việc có được đồ ăn sạch và an toàn lại trở nên khó đáp ứng đến như vậy và cần làm gì để có được an toàn VSTP theo chuỗi.
Phải quản lý hiệu quả chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm
Thường xuyên kiểm tra giao nhận chất lượng thực phẩm

Thực phẩm và sức khỏe đang là mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam, thoạt nhìn thì ai cũng nghĩ ATTP chỉ đơn thuần là lo lắng của người tiêu dùng. Nhưng nhìn một cách tổng quát hơn thì có thể thấy đây không chỉ là vấn đề của riêng người tiêu dùng mà còn là của DN, người nông dân và cả các cấp chính quyền. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh đường ruột như tiêu chảy gây tử vong phổ biến chủ yếu ở trẻ em mà nguyên nhân chính là do thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Còn ở VN, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ hai. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 40 triệu vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, riêng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 50% và trên 50% ca tử vong trên toàn cầu có liên quan đến thực phẩm. Tại VN, tình trạng thực phẩm không an toàn được bày bán tràn lan hiện nay là nỗi lo của mọi nhà vì việc kiểm soát nguồn thực phẩm trên thị trường quá khó khăn. Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cho biết: “An toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm an toàn là một vấn đề toàn cầu, ở VN không phải là ngoại lệ. Chưa bao giờ vấn đề này lại được quan tâm như hiện nay, bởi nó ảnh hưởng không chỉ đến quá trình phát triển bền vững của cả một dân tộc, mà ảnh hưởng ngay đến sự phát triển bền vững của giống nòi, của các thế hệ tương lai. Chính vì vậy mà các DN cần phải ý thức được vai trò của mình trong việc sản xuất sạch”.

 

Ý thức của DN trong chuỗi thực phẩm, thực phẩm an toàn đã và đang được chú ý nhiều hơn trong giai đoạn hiện nay. Để tạo ra được chuỗi giá trị sản phẩm sạch thì ngay từ khâu đầu là sản xuất cho đến khâu vận chuyển đã có sự tham gia của các DN. Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ATVSTP thì có nhiều, chủ yếu là trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm. Chính vì thế, ngay từ khâu đầu tiên này nếu quản lý được vấn đề sản xuất sạch thì sẽ tạo ra được một chuỗi thực phẩm an toàn. Ông Nguyễn Hữu Đạo - Giám đốc Công ty CP Nông phẩm công nghệ cao An Việt phân tích: “Cái quan trọng nhất là DN đứng giữa sẽ hỗ trợ cho người nông dân được nhiều vấn đề về kỹ thuật, đầu ra sản phẩm để người nông dân yên tâm sản xuất sản phẩm sạch. Đồng thời cơ chế quản lý của Nhà nước làm thế nào để mỗi thực phẩm được đưa ra thị trường là người tiêu dùng tin tưởng chứ không còn mất lòng tin như bây giờ”. Nhận thức được điều đó thì thực phẩm sạch cần có sự bảo quản sau thu hoạch hiệu quả, bởi chỉ cần một khâu trong chuỗi không đảm bảo thì sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng không đảm bảo. Lúc này cần sự vào cuộc của các nhà khoa học và đây chính là lúc khoa học công nghệ phát huy thế mạnh khi đồng hành với DN. Để áp dụng hiệu quả công nghệ sau thu hoạch cần phân tích xem trình độ công nghệ của chúng ta đang ở đâu, công nghệ đó có phù hợp hay không và trong chuỗi sản phẩm thực phẩm an toàn đó thì công nghệ áp dụng có hiệu quả hay không? Tuy nhiên, khi có được công nghệ phù hợp thì vấn đề không an toàn trong chuỗi lại xuất phát từ lý do: Để tăng chi phí lên 100 đồng hay 200 đồng cho một kg rau và để cải thiện sự an toàn thực phẩm, thì phải đầu tư hệ thống thiết bị hay nhà xưởng với chi phí rất cao. Do có nhiều sự bất cập và đầu tư không đồng bộ nên chúng ta không có chuỗi thực phẩm an toàn.

 

Rõ ràng là trong chuỗi thực phẩm an toàn chỉ cần một khâu không đảm bảo sẽ kéo theo rất nhiều hệ quả về sau. Quá trình sản xuất thể hiện rõ từ khâu bảo quản sau thu hoạch cho đến trách nhiệm của người tiêu dùng chưa cao, còn nhiều thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tình trạng mất VSATTP ở nước ta đã được cảnh báo hàng chục năm qua, nhưng đến nay vẫn bị thả nổi. Đến bao giờ người tiêu dùng trong nước mới được sử dụng thực phẩm an toàn, làm thế nào để có được chuỗi sản phẩm sạch, từ việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất sạch đến tay người tiêu dùng.

 

Tại Việt Nam hiện nay, đã có nhiều luật cũng như nghị định, thông tư, quyết định đã được ban hành nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên trên thực tế, việc buôn, bán thực phẩm ở VN quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, dẫn đến việc kiểm soát vệ sinh ATTP gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2004 đến nay, mỗi năm cả nước xảy ra hơn 180 vụ ngộ độc thực phẩm. Có lẽ sâu xa của vấn đề này là nền sản xuất nhỏ rất khó quản lý, bên cạnh đó là ý thức cộng đồng của người nông dân chưa được quan tâm chú trọng nên mới có tình trạng luống rau trồng để ăn thì họ không phun thuốc sâu, nhưng cả xào ruộng lớn để cung cấp ra ngoài thị trường thì họ lại làm mọi cách để rau tăng trưởng. Vấn đề ở đây chính là nhân tính và lòng tin, sống có trách nhiệm với nhau. Điều này thực sự cần thiết đối với DN, đặc biệt khi lĩnh vực kinh doanh của họ có liên quan đến sức khỏe cộng đồng, thế hệ con cháu mai sau, vì vậy hàng ngày, hàng giờ, mỗi người trong chúng ta đều quan tâm đến vấn đề thực phẩm an toàn.

 

Để phát triển chuỗi giá trị song hành với chuỗi niềm tin thì thị trường bán lẻ có vai trò không nhỏ, những người tham gia quá trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng như những người bán hàng ở các chợ truyền thống hay các siêu thị đều quan trọng như nhau. Người bán nhỏ lẻ, nếu bảo quản đúng cách, đừng vì lòng tham mà khiến cho thực phẩm không an toàn cho đến chuỗi siêu thị đều cần lắm lòng tin, sự trung thực trong cách hành xử. Đây cũng chính là điều mà tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà Bán lẻ VN khẳng định: “Hiệp hội đã quán triệt cho tất cả các hội viên nhận thức được vấn đề an toàn thực phẩm. Nếu như nhà sản xuất cố gắng hết sức để có thực phẩm sạch nhưng đến người bán lẻ lại không có kiến thức về bảo quản, giữ gìn cho sản phẩm được tươi, ngon, sạch, an toàn thì chắc chắn là chúng ta không có được thực phẩm sạch”.

 

Được biết, hiện nay các siêu thị và trung tâm mua sắm chiếm 25% thị phần bán lẻ tại VN. Dự kiến, đến năm 2020 con số này sẽ tăng mạnh lên 45%, tương đương với khoảng 1.500 siêu thị, 350 trung tâm thương mại và mua sắm, hơn 50% thị phần còn lại vẫn thuộc về các cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa quy mô gia đình. Xu hướng phát triển này nhấn mạnh vai trò của các nhà bán lẻ trong việc đảm bảo chất lượng thực phẩm từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ cuối cùng. Đồng thời, sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà bán lẻ và cơ quan hỗ trợ về công nghệ và tiêu chuẩn cũng cần được quan tâm hơn nữa nhằm có được niềm tin của người tiêu dùng.

 

Như vậy, để quản lý hiệu quả chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm bên cạnh việc sự tin tưởng tạo nên chuỗi thực phẩm an toàn hiệu quả từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng thì việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan chuyên ngành cũng là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

 

Như Trang (thực hiện)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang